Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020: Còn rào cản, khó đạt mục tiêu
Theo chia sẻ của các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là những DN bắt đầu khởi nghiệp (startup), thủ tục hành chính, các quy định về thuế, quy định trong cạnh tranh với DN nước ngoài, khó khăn tiếp cận vốn… vẫn đang là những rào cản khiến DN khó có thể bắt tay khởi nghiệp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng để đạt được mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN hoạt động, những rào cản nói trên cần phải được loại bỏ.
Nhiều rào cản kìm chân startup
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Vũ Hoàng Hải, chủ một DN đồ mộc tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết, lúc đầu chỉ có trong tay 50 triệu đồng, nhưng mong muốn lớn lao của anh là mở được một xưởng mộc nên số vốn cần có phải lớn hơn gấp nhiều lần. “Nhưng khởi đầu chưa có gì để thế chấp ngân hàng nên tôi không thể tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng. Cuối cùng phải đi vay mượn khắp nơi, thậm chí phải vay cả tín dụng đen để thực hiện ước mơ của mình” – anh Hải cho biết.
Cũng theo anh Hải, có những nguồn hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư… nhưng không biết làm thế nào để tiếp cận được các nguồn vốn đó, có quá nhiều quy trình, thủ tục phức tạp… điều này đã và đang cản trở khát khao khởi nghiệp của nhiều DN trẻ hiện nay.
Không chỉ gặp rào cản khi tiếp cận nguồn vốn, nhiều DN khởi nghiệp vẫn đang vướng những thủ tục “trời ơi” từ các chính sách mà nhà quản lý đưa ra. Ông Hồ Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Hanotour nêu thực tế, hiện nay các DN thành lập mới vẫn phải chi 100.000 đồng để đưa thông tin DN lên Cổng thông tin điện tử Quốc gia. Số tiền này tuy rất nhỏ nhưng theo ông Phúc không nên duy trì thủ tục này khi thực hiện, DN bị vướng vào nhiều thủ tục “râu ria” khi làm việc với ngân hàng, dẫn đến tình trạng các thương nhân thấy oải mỗi khi phải bắt tay khởi đầu thành thành lập DN mới.
Nêu lên những điểm nghẽn hiện nay trong môi trường kinh doanh khiến cho các startup vẫn đang e dè để thực hiện ý tưởng, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp cần thêm rất nhiều yếu tố để thực sự hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện tại, các startup vẫn gặp nhiều rào cản về quản lý.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, năng lượng khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất lớn, do vậy, chỉ cần một rào cản được gỡ bỏ, phong trào khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ.
Các hộ kinh doanh cá thể cũng không muốn lớn
Mục tiêu của Nhà nước là đến năm 2020 đạt được 1 triệu DN, và để thực hiện mục tiêu này, Nhà nước khuyến khích các startup, thành lập DN mới, đáng chú ý là nhiều chính sách đưa ra để thúc đẩy các hộ sản xuất kinh doanh cá thể lớn lên thành DN. Thế nhưng, ngay cả những yếu tố nhỏ nhất như việc phải chi 100.000 đồng khi đưa thông tin DN lên Cổng thông tin điện tử Quốc gia vẫn đang là rào cản DN, thì sẽ rất khó để khuyến khích các hộ kinh doanh thành lập và chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên DN.
Chia sẻ về những vấn đề mà các hộ kinh doanh cá thể đang gặp phải, ông Hoàng Ngọc Linh, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho rằng, chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ và thành phố Hà Nội thời gian qua đã giúp cho nhiều DN tháo gỡ được một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, những chính sách này cần phải được hỗ trợ sâu và cụ thể hơn để Luật DN chính thức đi vào thực tế, nhất là tăng cường khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mô hình lên DN để ổn định kinh doanh.
Theo ông Linh, hiện nay tốc độ thành lập DN của các hộ kinh doanh cá thể còn rất chậm. Thực tế qua tìm hiểu cho thấy, nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa nhìn nhận được rõ ràng về mục đích của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh khi họ được gì và mất gì. Trong khi nhiều hộ kinh doanh vốn xuất phát từ nông dân trở thành thương nhân làm kinh tế, hoạt động buôn bán đơn giản, kinh doanh thông qua kinh nghiệm truyền thống. Chính vì thế, đứng trước yêu cầu chuyển đổi lên DN, các hộ kinh doanh này đang bị “vướng” về kiến thức quản trị kinh doanh cũng như thiếu thị trường và hàng loạt các kiến thức cơ bản khác như marketing, thuế cũng như pháp luật liên quan, bởi mô hình hoạt động của các hộ kinh doanh hoàn toàn khác với mô hình DN.
Mặt khác, khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, nếu chuyển đổi thành DN, nhiều hộ kinh doanh còn gặp khó khăn về mặt bằng. “Khi còn là hộ kinh doanh cá thể với quy mô gia đình, diện tích nhà đất có thể phù hợp, nhưng chuyển sang DN chắc chắn chiếc “áo” họ mặc sẽ bị chật nhưng chính sách đất đai hiện nay chưa thực sự hỗ trợ DN về vấn đề này” - ông Linh thẳng thắn nêu quan điểm.
Có thể thấy, mặc dù nhà quản lý đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các rào cản thủ tục hành chính đang kìm chân DN song, vẫn còn rất nhiều những rào chắn khiến DN trẻ, doanh nhân trẻ ngại khởi nghiệp. Cùng với đó, những hộ kinh doanh cá thể cũng vì các thủ tục hành chính mà… ngại lớn.