Bình Định: Khai mạc Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ nhất
Tối 11/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã chính thức khai mạc Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ I, năm 2019.
Một tiết mục biểu diễn của các đoàn nghệ nhân.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh dạo các Sở, Ban, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; cùng đông đảo quần chúng nhân dân và du khách.
Về dự Liên hoan lần này có hơn 300 nghệ nhân, diễn viên của 9 đoàn đến từ 6 huyện miền núi, trung du trong tỉnh Bình Định: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát và Hoài Ân.
Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ I - năm 2019, là hoạt động văn hóa đặc sắc nhằm nâng cao nhận thức và vai trò của chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa cồng chiêng từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân các đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, đây cũng là cơ hội để các đoàn nghệ nhân các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về công tác bảo tồn và phát huy không gian Văn hóa cồng chiêng.
Qua đó, tăng cường tình đoàn kết gắn bó cộng đồng, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đồng thời quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc đến với du khách trong nước và quốc tế.
Chương trình Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ I được dàn dựng công phu, hoành tráng với những tiết mục độc đáo, đặc sắc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mở màn cho đêm liên hoan là tiết mục “Mừng hội rước cồng chiêng” do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh dàn dựng và các đoàn nghệ nhân của 3 dân tộc Bana, H’rê, Chăm H’roi biểu diễn.
Tiếp sau đó là các tiết mục biểu diễn của 9 đoàn nghệ nhân: Đội cồng chiêng huyện Vĩnh Thạnh phục dựng lễ hội truyền thống “Đâm Trâu” một nghi thức quan trọng trong các lễ hội lớn của đồng bào Bân Kriêm và bài “Chào mừng ngày hội” một tiếc mục cồng chiêng rộn ràng, sôi nổi, ca ngợi tình yêu trong cuộc sống, lao động, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; Đội cồng chiêng huyện Vân Canh trình diễn tiết mục “ Hội làng” và “Mừng lúa mới” bằng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm Hroi; Đội cồng chiêng huyện An Lão trình diễn “Chinh Túc” và “Mừng ngày hội” bằng bộ Chinh (chiêng) độc đáo của đồng bào Hre; Đội cồng chiêng huyện Tây Sơn hòa tấu “Lễ hội cầu an” bằng dàn cồng chiêng phong phú,đa dạng của người Bana; Đội cồng chiêng huyện Phù Cát trình diễn tiết mục “ Ca ngợi Bác Hồ, mừng được mùa” bằng tiếng cồng chiêng của các chàng trai cùng điệu múa xoang uyển chuyển, duyên dáng của các cô gái Bana; Đội cồng chiêng huyện Hoài Ân tình diễn bài chiêng “Đón khách” thể hiện lòng mến khách, tinh thần đoàn kết của đồng bào Bana.
Những tiết mục độc đáo với tiếng trống Pơ- Nưng thúc giục, tiếng cồng rền vang, tiếng chiêng thanh thoát lan tỏa âm vang núi rừng cùng với vòng xoang uyển chuyển, thước tha,mời gọi đã mang lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc; qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá đời sống văn hóa ở các cộng đồng dân tộc vùng đất Bình Định đến với bạn bè trong nước và quốc tế.