Tạo cơ hội, điều kiện để cán bộ nữ phát triển bình đẳng

Duy Hưng 12/09/2019 19:21

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, người đứng đầu cấp ủy và cấp ủy các cấp phải tạo cơ hội, điều kiện để phụ nữ có thể phát triển bình đẳng; xóa bỏ định kiến về phụ nữ.

Tạo cơ hội, điều kiện để cán bộ nữ phát triển bình đẳng

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị.

Chiều 12/9, tại tỉnh Thái Bình, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới gắn với việc thực hiện Chỉ thị 35- CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng các tỉnh ủy, thành ủy khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai dự và chỉ đạo hội nghị.

Thông tin tại hội nghị cho biết, thực hiện Chỉ thị 21, trong một năm qua, các tỉnh ủy, thành ủy khu vực Đồng bằng sông Hồng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung về nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ,về bình đẳng giới; lãnh đạo hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện; lãnh đạo thực hiện các hoạt động hỗ trợ xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; lãnh đạo thực hiện trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác cán bộ nữ và đối với tổ chức và hoạt động của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp...

Bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm liên quan đến phụ nữ. Trong đó, tỷ lệ lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Hồng còn cao; nhiều phụ nữ chưa được thụ hưởng kết quả các chương trình phát triển công nghệ.

Tình trạng ô nhiễm môi trường (từ chất thải khu dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề) ở khu vực đã và đang làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Nhiều phụ nữ từ khu vực nông thôn ra các đô thị trong khu vực làm việc đặt ra nhiều vấn đề về liên quan đến quản lý xã hội, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu như nhà trẻ, trường học, sức khỏe sinh sản vị thành niên, an toàn cho phụ nữ, công tác tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ trong việc thực hiện quyền lợi, trách nhiệm, vấn đề nhà ở, đời sống văn hóa tinh thần, việc làm, thu nhập, đào tạo nghề của phụ nữ sau 35 tuổi ở các KCN, khu chế xuất.

Đặc biệt, tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, bạo lực phụ nữ, mất cân bằng giới tính, nạo phá thai...ở khu vực vẫn đang là những vấn đề nổi cộm...

Về thực trạng đội ngũ cán bộ nữ, thông tin tại hội nghị cho biết, về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, trong nhiệm kỳ 2015-2020, so với bình quân của cả nước ở cấp tỉnh và cấp huyện các tỉnh trong khu vực đều cao hơn, riêng cấp xã thấp hơn.

Một số tỉnh vượt chỉ tiêu 15% ở cả 3 cấp (Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh) hoặc đạt khoảng 20% và trên 20% ở cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, với từng cấp và từng địa phương thì nhiều đơn vị chưa đạt chỉ tiêu 15% và thấp hơn so với mức bình quân của cả nước. Về cán bộ nữ tham gia Ban thường vụ cấp ủy, thông tin tại hội nghị cho biết ở 3 cấp nhiều đơn vị của 11 tỉnh không có cán bộ nữ tham gia,nhất là cấp xã...

Hội nghị đã dành thời gian nghe lãnh đạo 11 tỉnh ủy, thành ủy trong khu vực phản ánh những kết quả về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ ở địa phương; nêu lên những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác cán bộ nữ, kiến nghị sửa đổi một số quy định liên quan cho phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ nữ...

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; yêu cầu các tỉnh ủy,thành ủy trong khu vực Đồng bằng sông Hồng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị 21 của Ban Bí thư và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.

Để đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp khóa mới đạt 15% trở lên và có cán bộ nữ tham gia Ban thường vụ, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh giải pháp đầu tiên, quan trọng là người đứng đầu cấp ủy và cấp ủy các cấp phải quan tâm, có nhận thức đúng đắn, có trách nhiệm và phải chủ động có phương pháp, giải pháp cho yêu cầu này. Tạo các cơ hội, điều kiện để phụ nữ có thể phát triển bình đẳng; xóa bỏ các định kiến về phụ nữ.

Đặc biệt, cần chủ động tạo nguồn từ xa, chủ động bố trí, sắp xếp, bố trí các vị trí phù hợp để cán bộ nữ có điều kiện rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành; tránh tình trạng đến sát đại hội mớiđi tìm cán bộ. “Bản thân cán bộ nữ cũng phải chủ động nỗ lực, phấn đấu, không chờ đợi vào sự ưu tiên”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Duy Hưng