Sân khấu của những nghệ sĩ nông dân

Mỹ Vân 14/09/2019 16:42

Tại vùng đất Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội, nổi tiếng có chùa Thiên Phúc mà dân gian gọi là chùa Thầy, một ngôi cổ tự có từ thời Lý, nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh - một trong những vị Thánh tổ "tứ bất tử" của tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam, là nơi Phật tử và du khách muôn đời nay vẫn đến chiêm ngưỡng. Nơi đây cũng được coi là cái nôi của nghề rối nước mà người khai sáng chính là Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Sân khấu của những nghệ sĩ nông dân

Cùng với nhịp phát triển của đất nước, đất và người Sài Sơn nay đã có nhiều đổi thay, không còn chỉ quẩn quanh trong lũy tre làng, ao vườn, đồng ruộng. Những dự án khu công nghiệp, khu đô thị… đã đem lại một diện mạo mới cho vùng đất này, thế nhưng những giá trị văn hóa, tâm linh và con người thì vẫn còn ở đó. Qua nhiều thế hệ, người dân Sài Sơn luôn luôn tâm niệm giữ gìn di sản văn hóa làng quê giữa cuộc sống hiện đại đang thay đổi từng ngày.

Khi sân khấu thực cảnh mang tên “Tinh hoa Bắc Bộ” được Tập đoàn Tuần Châu đầu tư xây dựng tại Sài Sơn, hơn 150 nông dân ở nhiều độ tuổi khác nhau đã tham gia tập luyện trong suốt 2 năm và kể từ tháng 10/2017 chính thức biểu diễn trước hàng trăm, thậm chí hàng ngàn khán giả mỗi đêm. Người nhiều tuổi nhất nay đã ngoài 80, người nhỏ tuổi là những cô cậu học trò cấp I. Họ mang trong mình tình yêu, niềm hứng khởi đặc biệt đối với diễn xuất, niềm tự hào về quê hương xứ sở bởi vì ý thức được rằng: Việc tham gia biểu diễn chính là cách để gìn giữ, truyền tải và lan rộng những tinh hoa văn hóa của cha ông để lại. Rối nước Sài Sơn nay không chỉ biểu diễn trong ao làng mỗi dịp Tết đến xuân về, mà đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ thường xuyên cho du khách trong nước và quốc tế, còn những người con của đất Sài Sơn đã trở thành những người nghệ sĩ thực thụ trên một sân khấu hoành tráng bậc nhất tại Việt Nam.

Như tên gọi của chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”, những nét tinh hoa nhất trong đời sống và nghệ thuật trình diễn truyền thống của người dân Bắc Bộ, một trong những cái nôi cổ xưa nhất, phong phú nhất của nền văn hiến Việt Nam, được chắt lọc và trình diễn giữa không gian ngoài trời, trên sân khấu mặt nước rộng tới 4.300 mét vuông và lấy nền là ngọn Sài Sơn linh thiêng hùng vĩ. Chính bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người nông dân vùng đất chùa Thầy đã truyền cảm hứng để “Tinh hoa Bắc Bộ” ra đời, mang theo sứ mệnh bảo tồn các loại hình nghệ thuật Việt, những nét truyền thống văn hóa, đặc biệt là những di sản văn hóa gần như đã bị lãng quên. Và cũng chính những người con vùng đất này đã hóa thân thành những diễn viên bước lên sân khấu kể câu chuyện đời mình – câu chuyện về cuộc sống nơi làng quê – từ công việc đồng áng, nuôi trồng thường nhật đến những dịp lễ hội nhộn nhịp, rộn ràng.

Trước khi có vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”, anh Đức (35 tuổi) thuần là một nông dân với công việc làm ruộng, mùa nông nhàn thì trồng màu, chăn nuôi. Là người Sài Sơn nên từ nhỏ anh đã biết đến và được cha dạy cho nghề múa rối nước và cũng hay tham gia biểu diễn múa rối nước tại các lễ hội của địa phương. Khi “Tinh hoa Bắc Bộ” tuyển diễn viên, anh Đức đăng ký với vị trí nghệ sĩ múa rối, trước hết vì muốn kiếm thêm thu nhập, mặt khác cũng rất tự hào và phấn khởi vì múa rối nước sắp được diễn hàng đêm trên chính đất tổ của nghề múa rối.

“Chúng tôi đã có gần 2 năm tập luyện để làm quen và làm chủ sân khấu. Bên cạnh biểu diễn múa rối nước, tôi cũng được phân vai trong phân cảnh mở màn và kết màn. Chỉ là thể hiện lại những công việc lao động hàng ngày đưa lên sân khấu, nhưng biểu diễn trước một khán đài 2.500 khán giả, trên một sân khấu mặt nước là một việc không hề đơn giản đối với những diễn viên không chuyên như chúng tôi. Từ những ngày đầu lóng ngóng, ngại ngùng, đến những buổi diễn đầu tiên đầy hồi hộp, lo lắng và bây giờ là hơn một năm biểu diễn, mỗi ngày đều là những trải nghiệm đáng nhớ mà trước đó khi còn gắn bó với ruộng vườn chúng tôi không thể ngờ tới” - anh Đức chia sẻ về hành trình 4 năm gắn bó với vở diễn.

Sân khấu của những nghệ sĩ nông dân - 1

Chị Nhung (29 tuổi) – hiện tại đang phụ trách phục trang cho hàng trăm diễn viên “Tinh hoa Bắc Bộ” nhớ lại: Khi vở diễn bắt đầu tuyển diễn viên là nông dân địa phương, chị rất thích thú nhưng cũng ái ngại vì bạn bè không ai ứng tuyển, nhiều người còn can ngăn sợ vất vả. Nếu không có bố mẹ ủng hộ, động viên thì chắc giờ này chị Nhung cũng đang đi làm công nhân, hoặc đi xuất khẩu lao động, hay ở nhà lo việc đồng áng, bếp núc như bạn bè cùng trang lứa không có điều kiện học cao. “Khi được tuyển vào làm diễn viên “Tinh hoa Bắc Bộ”, cứ được phân tập vai gì là tôi tập vai đó, chỉ mong đến ngày được biểu diễn trên sân khấu như một diễn viên thực thụ. Tôi may mắn vì cùng tầm tuổi với nhóm diễn viên trường múa nên được tập cùng các bạn trong một vài phân cảnh múa có biên đạo rất uyển chuyển, và cuối cùng được chọn trình diễn luôn. Cùng với vai diễn trong “Tinh hoa Bắc Bộ”, tôi đã gắn bó với công việc chính trong tổ phục trang được một thời gian khá dài, và rất yêu thích nghề này, dù mới đầu chỉ là đăng ký làm thêm hỗ trợ tổ đạo cụ, tổ kỹ thuật… bên cạnh thời gian luyện tập, biểu diễn” - chị Nhung bồi hồi khi nhắc về những ngày đầu tham gia “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Tham gia trình diễn bên cạnh những công việc thường ngày, các diễn viên nông dân trở thành những nghệ sĩ không chuyên nhưng lại là những yếu tố không thể thiếu, đưa “Tinh hoa Bắc Bộ” trở thành chỉ dấu về văn hóa bản địa, khi người nông dân - linh hồn của vở diễn - gánh vác sứ mệnh quảng bá văn hóa đến với du khách.

Chỉ chưa đầy hai năm công diễn phục vụ khán giả, “Tinh hoa Bắc Bộ” đã liên tiếp nhận được nhiều kỷ lục và giải thưởng quốc tế. Đầu tháng 6/2018, “Tinh hoa Bắc Bộ” bất ngờ nhận giải Vàng Stevie Awards Châu Á – Thái Bình Dương tại hạng mục “Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan”. Ngay sau đó, vở diễn lại thêm một lần nữa làm nức lòng khán giả thế giới khi xuất hiện trong phóng sự “Destination: Hanoi” (Điểm đến: Hà Nội) trên kênh truyền hình Mỹ nổi tiếng CNN. Tháng 8/2018, “Tinh hoa Bắc Bộ” đón nhận cú đúp 2 kỷ lục Guinness Việt Nam: “Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” (4.300 mét vuông), “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam” (150 nông dân). Và mới đây vào ngày 17/7/2019, “Tinh hoa Bắc Bộ” được vinh danh là “Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019 - Leading Cultural Spectacle Show” tại Lễ trao giải Best Hotels & Resorts Awards 2019 tại Hàn Quốc.

Đó là những trái ngọt mà người gieo mầm không ai khác chính là những diễn viên nông dân – những người được coi là linh hồn của vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”. Quay ngược dòng thời gian trở về nhiều năm trước, liệu ai có thể tưởng tượng rằng sẽ có ngày những người nông dân chân lấm tay bùn lại có thể trở thành nghệ sĩ, đưa văn hóa truyền thống và những giá trị Việt vươn tầm thế giới? Đối với họ, đó là kỳ tích.

Mỹ Vân