Hoàn thiện chính sách, xây dựng chính quyền qua giám sát, phản biện
Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội được triển khai chất lượng, các nội dung giám sát được tiếp thu, giải trình, xử lý, góp phần phát huy dân chủ, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền Thủ đô tới hệ thống Mặt trận và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã chia sẻ một số kinh nghiệm triển khai hoạt động giám sát, phản biện trên địa bàn.
Bà Nguyễn Lan Hương- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội.
PV:Những năm gần đây, giám sát, phản biện là một nhiềm vụ còn mới mẻ đối với công tác Mặt trận, chưa kể, việc thực hiện giám sát, phản biện lại có thể “đụng chạm” tới một số cơ quan, ban ngành. Nhưng Hà Nội lại đứng đầu cả nước về số lượng, chất lượng các cuộc giám sát phản biện. Bà có thể cho biết, vì sao Mặt trận Hà Nội có được kết quả này?
Bà Nguyễn Lan Hương: Hoạt động giám sát, phản biện góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có quan hệ chặt chẽ. Giám sát tốt thì phản biện tốt. Phản biện tốt thì giám sát tốt. Phải nói rằng mỗi giai đoạn, nhiệm vụ của Mặt trận lại có những đổi mới, gắn với yêu cầu của thời cuộc.
Đảng, Nhà nước ta đã mở rộng dân chủ, khẳng định vai trò của Mặt trận trong giám sát, phản biện, qua đó để xây dựng, củng cố chính quyền, hoàn thiện các chủ trương, chính sách. Mấu chốt của vấn đề chính là Mặt trận các cấp của TP Hà Nội đã bám sát chủ trương này. Trên cơ sở đó, MTTQ TP Hà Nội xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Hoạt động phản biện xã hội của MTTQ TP Hà Nội đã được triển khai thực hiện từ tháng 10 năm 2010.
MTTQ TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng Quy chế và tổ chức phản biện xã hội. Để thực hiện đồng bộ, có chất lượng, Ban Thường trực UB MTTQ TP thống nhất kế hoạch phản biện; đồng thời tổ chức các đoàn đi khảo sát gồm các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các HĐTV, nhà quản lý chuyên ngành có trình độ chuyên môn về nội dung phản biện. Trên cơ sở các ý kiến của đoàn khảo sát, ý kiến phát biểu, ý kiến giải trình của các cơ quan chức năng tại hội nghị phản biện từ đó tổng hợp gửi đến cơ quan ban hành chủ trương, chính sách để nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Qua hội nghị phản biện, nhiều ý kiến, kiến nghị của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã được các cơ quan tiếp thu, giải trình, là kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Sở dĩ Hà Nội có thể triển khai tốt nội dung này còn do sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa cấp uỷ, chính quyền với Mặt trận đồng cấp.
Vậy làm thế nào để Mặt trận lựa chọn nội dung, vấn đề sao cho đúng và trúng?
- Đối với nội dung giám sát, phản biện, xác định Mặt trận là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; là kênh thông tin để dân góp ý với Đảng, chính quyền. Bởi thế, khi thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, chúng tôi chú trọng những các vấn đề mà Đảng, Nhà nước đang tập trung xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật. Song song với đó là những vấn đề nóng của xã hội, được nhân dân quan tâm.
Kết hợp hai yếu tố này, sẽ cho ra được nội dung đúng và trúng. Mặt trận đã chủ trì tổ chức giám sát các nội dung quan trọng như: khoa học và công nghệ; giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm; giám sát việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát việc khai thác cát theo quy định của pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công... ở tất cả các cấp. Đến nay, từ thành phố đến cơ sở đã chủ trì tổ chức 6.326 đoàn giám sát, với 2.594 hội nghị phản biện xã hội. Trong đó, thành phố tổ chức 19 hội nghị, cấp huyện 204 hội nghị và cấp xã 2.371 hội nghị.
Cầu Nhật Tân.
Trong giám sát, phản biện, vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nội dung quan trọng nhất. Vấn đề này đã được Mặt trận Hà Nội thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Ở nội dung này, Mặt trận thể hiện rõ nét nhất vai trò cầu nối. MTTQ thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng tổ chức cho đoàn viên, hội viên cùng với nhân dân tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Đối với việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”, 100% quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện và xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân.
Năm 2017, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng tổ chức gặp mặt với các trí thức, thanh niên, nghệ nhân tiêu biểu thành phố trong việc bảo tồn các di sản văn hóa Hà Nội; làm việc với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; Chủ tịch UBND TP tổ chức 2 hội nghị đối thoại với gần 1.000 công nhân, lao động các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tại khu công nghiệp Nội Bài; đồng chí Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy định kỳ tổ chức giao ban với MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng Thành phố… Cấp quận có 30/30 đơn vị tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bí thư quận, huyện, thị xã, chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND cấp huyện với nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các cấp định kỳ, đột xuất tổ chức giao ban, làm việc, đối thoại với MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng cùng cấp, các doanh nghiệp trên địa bàn.
Giám sát và phản biện tiếp tục là trọng tâm hoạt động của MTTQ các cấp trong nhiệm kỳ tới. Vậy kinh nghiệm rút ra từ công tác này của Mặt trận Hà Nội là gì?
- Theo tôi, mức độ khó khăn trong hoạt động giám sát và phản biện giảm dần từ thành phố đến cơ sở cho nên trong thời gian tới phải tập trung để nâng cao chất lượng hoạt động cấp cơ sở. Ở mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau. Nhưng muốn thành công thì hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phải có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên. Mặt trận phải làm được việc tập hợp, phát huy, khai thác trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, những nhà quản lý, lãnh đạo tham gia. Bên cạnh đó, phải biết phát huy vai trò chủ động, linh hoạt của MTTQ các cấp trong việc tổng hợp, xác định nội dung giám sát và phản biện xã hội, tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình giám sát và phản biện xã hội.
Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội tập trung vào những nội dung, những vấn đề xã hội và nhân dân quan tâm liên quan nhiều đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân để báo cáo với cấp ủy, thống nhất với chính quyền cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam cần phải được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ, đúng quy trình. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện cũng phải khách quan trung thực, đầy đủ nhưng có sự chắt lọc kỹ càng, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn. Đồng thời phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị sau giám sát và phản biện xã hội.
Trân trọng cảm ơn bà!