Tâm thế mới cho nhiệm kỳ mới
Đà Nẵng đã và đang trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện, một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024), bà Đặng Thị Kim Liên- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đã dành cho Đại Đoàn Kết cuộc trao đổi về vai trò to lớn của Mặt trận trong phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng trao học bổng cho sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh Thanh Tùng.
PV: Có thể nói thành tựu mà Đà Nẵng đã đạt được trong những năm qua là kết quả của nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là được lòng dân, là sự đồng thuận của nhân dân đối với các chủ trương của TP. Xin bà nói rõ hơn về nội dung này ?
Bà Đặng Thị Kim Liên: Đà Nẵng có 6 quận và 2 huyện (huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa), 45 phường, 11 xã, với diện tích tự nhiên 1.285,43 km2, dân số trên 1,134 triệu người. Thấm nhuần tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua các hoạt động đa dạng, phong phú của mình, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đã tập hợp, vận động và tạo được sự đồng thuận xã hội cao trong các tầng lớp nhân dân để thực hiện chủ trương của Đảng bộ và chính quyền TP, đặc biệt là sự đồng tình hưởng ứng của đại đa số nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đã có gần 120 nghìn hộ dân, chiếm hơn 2/3 tổng số hộ dân TP chấp nhận di dời, giải toả, rời xa nơi mình sinh sống, gắn bó để tạo điều kiện cho việc chỉnh trang, quy hoạch đô thị, vì sự phát triển của TP. Tổng giá trị vật chất nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2019 là 414,65 tỷ đồng trong tổng số nguồn lực đầu tư là 2.740,25 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 15,13%) để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, đầu tư các mô hình sản xuất…
Người dân 11 xã của huyện Hòa Vang đã tham gia xây dựng hàng nghìn km đường, hiến gần 178 nghìn m2 đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc và hơn 21 nghìn ngày công lao động, tự giác tháo dỡ nhiều công trình tường rào, cổng ngõ…góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Các phong trào và các cuộc vận động lớn do UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, phát động được triển khai hiệu quả như thế nào, thưa bà?
- Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động nguồn lực chăm lo đời sống hộ nghèo, đa dạng hóa các hình thức vận động. Trong 5 năm (2014-2019) Mặt trận các cấp đã vận động nhân dân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền trên 135 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch. Từ nguồn quỹ vận động được, đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 3.123 nhà Đại đoàn kết với số tiền trên 58,5 tỷ đồng; hỗ trợ sinh kế, sản xuất cho 11.816 hộ nghèo với số tiền trên 10,9 tỷ đồng; tiếp sức đến trường cho hơn 11.000 học sinh, sinh viên con hộ nghèo số tiền hơn 8,578 tỷ đồng; hỗ trợ 107.674 suất quà Tết cho hộ nghèo với tổng số tiền hơn 43,443 tỷ đồng, giúp 20.293 hộ thoát nghèo, hoàn thành trước thời hạn Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020 của TP.
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, vận động nhân dân tham gia cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai bão lũ, nguồn cứu trợ của TP đã vận động và hỗ trợ hơn 9,2 tỷ đồng cho nhân dân vùng bị thiên tai.
Cùng với phong trào, cuộc vận động lớn, nhiều mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư ở Đà Nẵng cũng được hình thành, nhân rộng và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Đơn cử là các mô hình: “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu 4 không”, “Vườn hộ xanh, sạch, đẹp”, “Khu dân cư vì môi trường an toàn, xanh - sạch - đẹp”…
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức tại khu dân cư với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, bữa cơm đoàn kết đã tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, gắn kết trong các tầng lớp nhân dân. Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn văn hóa, được nâng lên hằng năm. Bình quân tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 84,67 %, tổ dân phố, thôn văn hóa đạt 76,56 %.
Từ thực tiễn tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, theo bà có những kinh nghiệm nào cần được đúc kết, có những khúc mắc nào cần được giải quyết để làm cho công tác tuyên truyền vận động của Mặt trận thêm phần khởi sắc, nhất là khi Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX đã cận kề?
- Phải khẳng định rằng: Lòng dân, sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm của nhân dân là nhân tố quyết định để Đà Nẵng có được diện mạo văn minh, hiện đại như ngày hôm nay. Qua thực tiễn tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Đó là đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận theo hướng không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe, tiếp thu mà còn tập trung vào việc vận động, thuyết phục, gương mẫu thực hiện đi đầu trong các phong trào ở khu dân cư nhằm phát huy và động viên sức mạnh từ mỗi người dân; thực hiện đại đoàn kết từ cơ sở, từ cộng đồng dân cư nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để góp phần cùng chính quyền hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Mặt trận chủ động đề xuất và tích cực tham gia các chính sách an sinh xã hội, chủ trương an dân, giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong nội bộ nhân dân, vận động và giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở từng cộng đồng dân cư.
Ở đâu có những hộ nghèo, những cảnh đời bất hạnh, ở đâu có hoàn cảnh thương tâm thì ở đó phải có sự chia sẻ và giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của Mặt trận. Mặt trận tập trung xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản ở các thôn xóm, tổ dân phố, phát huy những mặt tốt, nhất là tình làng nghĩa xóm, đồng thời vận động, uốn nắn kịp thời những biểu hiện cục bộ, lệch lạc ở khu dân cư.
Mặt trận và các tổ chức thành viên luôn tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nhận thức được rằng mỗi thôn xóm, mỗi tổ dân phố an ninh trật tự đảm bảo, không có người nghèo, không có người nghiện ma tuý, môi trường xanh sạch đẹp là góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, đồng thời cũng là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân.
Mọi hoạt động của các cấp Mặt trận phải nói lên được tiếng nói và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Có như thế mới được nhân dân ủng hộ và tiếng nói của Mặt trận luôn có trọng lượng trong hệ thống chính trị. Ở đâu có người cán bộ Mặt trận có uy tín đứng ra tập hợp nhân dân thì ở đó có phong trào tốt, ở đó bộ máy chính quyền giảm được tiêu cực, tệ nạn xã hội giảm, bất công, ngang trái bị đẩy lùi, dân chủ được thực thi và tiếng nói của đại diện Mặt trận có sức nặng với tổ chức Đảng, chính quyền và được nhân dân tôn trọng.
Để công tác vận động, huy động sức mạnh nội lực của nhân dân vào việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nói riêng, xây dựng đất nước nói chung; từ thực tiễn cơ sở, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và UBTƯ MTTQ Việt Nam cần tìm và mời cho được những người có uy tín trong xã hội, trong cộng đồng tham gia làm công tác Mặt trận.
Chúng tôi tin tưởng Đại hội lần thứ IX của MTTQ Việt Nam sẽ là bước ngoặt quan trọng để Mặt trận các cấp có được vị trí, tâm thế mới góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về nâng cao dân trí, thực hành dân chủ và cải thiện dân sinh.
Trân trọng cảm ơn bà!
“Chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã và đang là ý chí, là hành động cho mỗi chúng ta và sẽ mãi là ngọn đuốc soi sáng mỗi bước đường trong tiến trình đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân TP Đà Nẵng sẽ phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế và văn hóa, khoa học công nghệ của miền Trung, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”- Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng. |