Giám sát, phản biện xã hội để xây dựng chính quyền vững mạnh

N. Phượng 16/09/2019 15:00

Sau hơn 5 năm triển khai Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang triển khai bài bản, nền nếp. Nhiều kiến nghị sau giám sát, sau phản biện của Mặt trận có chất lượng tốt được cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi.

Quan trọng hơn, việc thực hiện đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật cũng như trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Giám sát, phản biện xã hội  để xây dựng chính quyền vững mạnh

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các vị ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ mới.

Lựa chọn trúng vấn đề

Ông Trần Công Thắng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay sau Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành, MTTQ tỉnh phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh uỷ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện. Sau 5 năm, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tổ chức giám sát 16 nội dung tại 312 cơ quan, đơn vị, tổ chức. Nội dung giám sát được MTTQ tỉnh lựa chọn đều là những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: Giám sát tình hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp xã; thực hiện các quy định về hỗ trợ, đóng góp xây dựng nông thôn mới; thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng nông thôn mới; bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nươc thu hồi đất; chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn...

Sau giám sát, các đoàn giám sát đều có thông báo kết quả giám sát, làm việc với cơ quan cấp trên trực tiếp và các ngành liên quan để làm rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc và kiến nghị các biện pháp tháo gỡ. 5 năm qua, MTTQ tỉnh đã kiến nghị 134 ý kiến sau giám sát.

Nhìn chung, các đối tượng được giám sát đồng tình với thông báo kết quả giám sát, tiếp thu các kiến nghị của Đoàn giám sát để điều chỉnh những tồn tại hạn chế. UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan cũng nghiêm túc xem xét các kiến nghị của MTTQ tỉnh qua giám sát, từng bước tiếp thu, điều chỉnh cơ chế, chính sách, đưa ra nhiều biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Qua theo dõi việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, nhiều nội dung quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp thu, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện, như: Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ nhân dân; có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh đầu tư công nghệ cao để xử lý rác thải tại địa phương; điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; có quy định riêng của tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; giải quyết dứt điểm việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, không chạy theo thành tích trong trong xây dựng nông thôn mới, tập trung các biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”- ông Thắng chia sẻ.

Ngoài việc lựa chọn trúng vấn đề giám sát, phản biện được cấp ủy, chính quyền quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; những bức xúc, vướng mắc, kiến nghị chính đáng của đông đảo nhân dân cũng được giải quyết thỏa đáng. MTTQ tỉnh đã ký Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh và 30 cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; bổ sung nội dung giám sát, phản biện, góp ý trong Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh.

Với việc chủ trì tổ chức các nội dung giám sát MTTQ tỉnh đã mời các Hội đồng tư vấn, các cơ quan chức năng, đại diện các tổ chức thành viên tham gia đoàn giám sát.... Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh cũng chủ động phối hợp và cử đại diện tham gia đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra của HĐND, các sở, ban, ngành về những lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạt động tư pháp có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, những lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh và các địa phương.

Để tạo điều kiện thuận lợi, nhiều nội dung như: Thực hiện chính sách giảm nghèo; thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững; thực hiện chính sách và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... cũng được MTTQ và các tổ chức thành viên tổ chức giám sát thông qua văn bản báo cáo. Sau khi nghiên cứu, trao đổi với cơ quan chức năng về nội dung nếu có “vấn đề” thì đều có đề xuất giải quyết.

Tăng cường hiệu quả giám sát đầu tư cộng đồng

Hiện nay toàn tỉnh có 230 Ban Thanh tra nhân dân (TTND) với 2.101 thành viên và 230 Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng với 2.073 thành viên. Các Ban thường xuyên được củng cố, kiện toàn và xây dựng Quy chế hoạt động. Ban TTND thường xuyên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở của chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn.

Từ năm 2014-2018, Ban TTND đã giám sát được 19.676 cuộc, phát hiện và kiến nghị 415 vụ việc sai phạm, thu hồi cho nhà nước và nhân dân trên 1,3 tỷ đồng, 5.412 m2 đất, 3 tấn xi măng. Ban GSĐT của cộng đồng giám sát các công trình đầu tư, xây dựng dự án trên địa bàn, trong 5 năm đã giám sát được 6.417 cuộc, phát hiện và kiến nghị 325 vụ việc sai phạm, thu hồi cho nhà nước và nhân dân trên 332,8 triệu đồng, 3.075m2 đất, 8 tấn xi măng, 250 kg sắt. Kết quả giám sát góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần tích cực trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Công Thắng cho biết thêm, Uỷ ban MTTQ các cấp còn thực hiện giám sát thường xuyên đối với các nội dung như giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân; giám sát thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước tại nơi công tác và nơi cư trú. Trong đó, thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, xem xét các văn bản quy phạm pháp luật, quyết định hành chính, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kinh tế - xã hội, dự án, đề án do các cơ quan có thẩm quyền cùng cấp ban hành có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thường xuyên tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp và nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của các thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân và các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền cùng cấp ban hành có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, qua đó nhằm phát hiện những vấn đề có ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân để thực hiện giám sát.

Hằng năm, MTTQ chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội để lựa chọn nội dung phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và các đoàn thể. Qua 5 năm, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ các cấp đã từng bước được triển khai thực hiện có hiệu quả, đã tổ chức phản biện 742 dự thảo văn bản với 1.557 ý kiến phản biện. Trong đó, MTTQ tỉnh phản biện 6 nội dung, có 115 ý kiến phản biện; MTTQ các huyện, thành phố phản biện 736 cuộc, có 1.442 ý kiến phản biện.

“Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang sẽ tích cực tham mưu với cấp ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo MTTQ thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý những nội dung quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan nhà nước để có điều kiện thuận lợi về cơ chế, về thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện, góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vào chương trình phối hợp, thống nhất hành động để triển khai thực hiện”- ông Thắng chia sẻ.

N. Phượng