Lắng nghe dân, tạo sự đồng thuận
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, với kim chỉ nam gần dân, hướng về cơ sở, thời gian qua MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để hoạt động Mặt trận tỉnh trong nhiệm kỳ mới tiếp tục đạt những hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra tiến độ xây dựng, cải tạo cống rãnh thoát nước tại xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương.
PV: Thời gian qua việc tuyên truyền, vận động, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của MTTQ các cấp. Xin ông cho biết, chức năng này đã được MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn Khanh: Với Vĩnh Phúc hay bất cứ tỉnh nào cũng vậy, công tác Mặt trận không bao giờ được xa rời cơ sở. Vì đây mới là địa bàn hoạt động để Mặt trận tiếp cận dân, nắm dân và tập hợp ý kiến nhân dân. Trong tuyên truyền vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết, mục tiêu cũng phải là gần dân và hướng về cơ sở từ đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, mở rộng tập hợp các thành phần, dân tộc, tôn giáo, làm phong phú về tổ chức và hoạt động, cơ cấu và thành phần của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những năm qua việc đổi mới nội dung phương thức tuyên truyền vận động tập hợp các tầng lớp nhân dân đã được MTTQ các cấp triển khai khá toàn diện qua việc phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền viên và phương tiện thông tin đại chúng. MTTQ các cấp cũng coi trọng việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân trên địa bàn để phản ánh kịp thời đến cấp ủy chính quyền. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước mà trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội.
Thực tế cho thấy tại các địa phương, nếu nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Việc Mặt trận một số địa phương thành lập tổ tuyên truyền, vận động nhân dân, trực tiếp tham gia giải quyết những vướng mắc nảy sinh ở cơ sở qua đó góp phần thiết thực vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Qua triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được MTTQ tỉnh triển khai sâu rộng và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể về Cuộc vận động này?
- Thời gian qua, với nhiều cách làm sáng tạo, hướng về khu dân cư, MTTQ các cấp đã huy động tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của nhân dân. Đến nay MTTQ các cấp đã xây dựng được trên 400 mô hình điểm triển khai thực hiện 5 nội dung của Cuộc vận động, duy trì hoạt động có hiệu quả của trên 1.000 nhóm nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện để hoàn thành và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới. Tại nhiều địa phương đã xây dựng mô hình Tổ tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các chương trình, dự án của địa phương, tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở.
Với phương châm lấy sức dân chăm lo cho cuộc sống nhân dân, trong 5 năm qua, Mặt trận các cấp đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất, hàng vạn ngày công và hàng trăm tỷ đồng góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới. Công tác an sinh xã hội, vận động ủng hộ giúp đỡ người nghèo được thực hiện tốt đã vận động được gần 250 tỷ đồng xây dựng trên 1.500 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hỗ trợ hàng ngàn hộ nghèo về giống, vốn phát triển sản xuất góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 2,11% (năm 2018).
Giám sát phản biện xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam. Vai trò này đã được MTTQ tỉnh thực hiện như thế nào?
- Có thể khẳng định, đến nay công tác giám sát, phản biện xã hội dần đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả. Minh chứng rõ nét chính là việc MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức hàng trăm cuộc giám sát và phát huy vai trò giám sát của nhân dân; phối hợp thường xuyên, hiệu quả với HĐND, Đoàn ĐBQH tổ chức giám sát nhiều nội dung, toàn diện trên các lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau, qua đó đã có tác động làm chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật ở các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động đề xuất, tổ chức gần 10 hội nghị phản biện xã hội về dự thảo các văn bản về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền đưa ra các quyết định đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp đã phát huy tốt vai trò trong công tác tham mưu, phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại trực tiếp với nhân dân ở cấp tỉnh, ở 100% đơn vị cấp huyện và nhiều xã, phường, thị trấn tổ chức được đối thoại định kỳ, đối thoại theo chuyên đề, đối thoại khi có vụ việc phức tạp ở cơ sở… Qua đó đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, những vấn đề bức xúc nảy sinh trong nhân dân. MTTQ đã thể hiện rõ nét vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chương trình hành động đề ra, MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có những việc làm cụ thể gì để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới?
- Nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của MTTQ các cấp. Với yêu cầu đó, trong thời gian tới công tác tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân cần có những giải pháp thực chất, hiệu quả, tránh hình thức. Việc tuyên truyền vận động phải làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu và đồng thuận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ chế, chính sách định hướng phát triển của địa phương.
Đặc biệt công tác tuyên truyền, vận động phải cụ thể, gắn với từng chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên để huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, Mặt trận phải đi sâu, đi sát với nhân dân, nắm bắt và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân, thực sự là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội Mặt trận tập trung đi sâu vào những vấn đề được nhân dân quan tâm, những vấn đề tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với các tầng lớp nhân dân, chú trọng các cuộc đối thoại theo chuyên đề, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở.
Để thực hiện được những nhiệm vụ trong giai đoạn mới, yêu cầu đặt ra đối với Mặt trận các cấp là phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, lấy địa bàn khu dân cư là nơi triển khai các hoạt động công tác; làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, tổ chức tốt việc phân công, hiệp thương phối hợp giữa Uỷ ban MTTQ các cấp với các tổ chức thành viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ Mặt trận; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín.
Trân trọng cảm ơn ông!