Lực lượng đặc biệt trong cộng đồng
Ở Gia Lai - người có uy tín được xem như lực lượng đặc biệt trong mỗi cộng đồng dân cư, họ góp phần quan trọng để cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Gia Lai trao đổi kinh nghiệm vận động quần chúng.
Gia Lai là một tỉnh miền núi thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên, có 34 dân tộc anh, em cùng sinh sống với dân số hơn 1.513.847 người. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 44,7%, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar. Trong đó có 1.016 người uy tín tiêu biểu.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai Hồ Văn Điềm chia sẻ, trong những năm qua, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các ngành đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện, nhằm động viên, khích lệ tạo điều kiện cho những người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của mình. Họ là những người gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.
Trong mỗi cộng đồng dân cư, nhất là vùng đồng bào dân tộc, người có uy tín là lực lượng đặc biệt, họ góp phần quan trọng để tuyên truyền, vận động, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào đời sống. Họ là cơ sở để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, là hạt nhân đoàn kết, cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Theo ông Hồ Văn Điềm, nhận thức được vai trò, vị trí của mình ở cộng đồng dân cư, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều cách làm hay, việc làm hiệu quả trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM.
Về tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp kinh phí và ngày công lao động để mở các tuyến đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, tiêu biểu có già làng KPă Krăih (làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đã vận động nhân dân hiến trên 2.000 m2 đất ở và đất vườn để làm đường giao thông trong làng. Đồng thời vận động đóng góp được trên 120 triệu đồng và 103 ngày công tham gia cùng Nhà nước làm 1 km đường trải nhựa, 2 km đường cấp phối, chỉnh trang trên 200 mét đường làng rộng từ 5 mét trở lên.
Đó còn là tấm gương của già làng Nay Ka (buôn Ma Nher II, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) đã hiến hơn 200 m2 đất để làm nhà sinh hoạt cộng đồng và đường giao thông nông thôn. Ngoài ra ông còn tuyên truyền, vận động nhiều hộ gia đình trong Buôn hiến đất làm đường bê tông,…
Già làng Đinh Chinh (làng Hơ Ya, xã Sơ Ró, huyện Kông Chro) đã tích cực phối hợp với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của xã vận động các hộ dân hiến 240 m2 đất và ủng hộ hàng trăm ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội,…
Mục tiêu của Chương trình quốc gia xây dựng NTM ở Gia Lai còn gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” của tỉnh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đó là câu chuyện của già làng Đinh Tuy (thôn Plei Pông, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) – người hướng dẫn bà con trong làng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, tiết kiệm trong chi tiêu tài chính gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, vận động di dời 62 nhà chính, 12 nhà phụ theo vị trí quy hoạch, vận động 74 hộ gia đình di dời chuồng bò ra khỏi gầm nhà sàn, hướng dẫn bà con trồng 100 vườn rau xanh phục vụ đời sống hàng ngày.
Già làng Siu Blăn (làng Hố Lâm, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) đã tiên phong trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, tích cực hướng dẫn bà con về kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, giúp đỡ 3 hộ gia đình khó khăn vay vốn không lấy lãi với số tiền 13 triệu đồng/hộ để phát triển sản xuất.
Hay như già làng Wut (làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa) đã tích cực vận động người dân áp dụng khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, cho thu nhập 30 triệu đồng/ tháng, góp phần thoát nghèo bình quân 5 hộ/năm, ngoài ra còn vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự trị an, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.
Già làng Đinh Văn Púa (làng Kon Bông 1, xã Đăk Rong, huyện Kbang), già làng Đinh Minh Bang (làng Điện Biên, xã Sơn Lang, huyện Kbang) là những người gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình: cải tạo vườn tạp, tổ chức lại sản xuất, áp dụng các mô hình xen canh, mô hình trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao; tích cực hướng dẫn bà con nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Đối với công tác xã hội và các hoạt động nhân đạo từ thiện, nhiều già làng, trưởng thôn, người có uy tín gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo”, xóa nhà dột nát, tạm bợ, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ, đồng thời vận động bà con ủng hộ hiến đất làm nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nông thôn, trạm xá, trường học, kênh mương nội đồng…
Tiêu biểu ở thành phố Pleiku có già làng Kril (Làng Osơr, xã Biển Hồ), già làng Mên (Làng Mơ Nú, xã Chư Á ), già làng Sin (Làng Nha Prông, phường Thắng Lợi), già làng Rơ Lan Juk (Làng Chuét 2, phường Thắng Lợi ), già làng So Kol (Làng Kép, phường Đống Đa),… đã vận động nhân dân đấu tranh xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại tà đạo, đạo lạ; vận động nhân dân không mê tín dị đoan, không tin vào lời kẻ xấu…
Để công tác xây dựng NTM ở địa phương, cơ sở ngày càng đạt được nhiều kết quả tốt hơn, già làng Đinh Tuy cho rằng: Cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu, đi đầu thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để người dân tin tưởng làm theo.
“Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân để người dân hiểu rõ mình là người trực tiếp được thụ hưởng từ việc xây dựng NTM mới, với phương châm: “Lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân”, từ đó người dân sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Thực hiện tốt công tác giám sát trong xây dựng NTM là thực sự cần thiết. Các nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, nguồn lực đóng góp của người dân phải được công khai minh bạch, tạo lòng tin trong nhân dân thì sẽ huy động được tối đa nguồn lực trong dân để thực hiện công tác xây dựng NTM ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”- già làng Đinh Tuy đề xuất các giải pháp.
Ghi nhận những đóng góp của người có uy tín trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Gia Lai Hồ Văn Điềm khẳng định, người có uy tín đã góp phần thay đổi diện mạo của nhiều buôn làng, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa và cốt cách của làng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong đồng bào dân tộc từng bước được nâng lên.
“Đóng góp quan trọng của những người có uy tín đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai”- ông Hồ Văn Điềm nhấn mạnh.
Mục tiêu của Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai còn gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” của tỉnh, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình. |