Tôn vinh hàng Việt
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần chia sẻ: Tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người dân tộc bản địa dần được loại bỏ, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng, nhờ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã về tận bản.
Ông Giàng Seo Vần - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai.
Thời gian qua, ý thức người tiêu dùng bản địa vùng cao Lào Cai đã có những chuyển biến khá tích cực, đồng bào đã nhận thức đúng đắn hơn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Ông Giàng Seo Vần khẳng định, việc đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội về thói quen dùng hàng Việt, qua đó khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khích lệ lòng yêu nước trong mỗi người dân Lào Cai.
Lào Cai có đặc thù là tỉnh biên giới, có hơn 182 km đường biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tỉnh có một cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia và nhiều lối mở. Tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh tạo điều kiện cho Lào Cai có nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế với khu vực. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai còn thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương trong việc đưa ra các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho miền núi, vùng cao, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền về CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất. Các doanh nghiệp cũng không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng về chủng loại, phong phú về cách thức tổ chức, thực hiện nên hàng hóa được sản xuất ngày càng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đánh giá, trong những năm qua, các cấp, các ngành có liên quan đã quan tâm, nỗ lực trong xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất và tạo lập, củng cố thương hiệu hàng hóa. Nhiều sản phẩm, hàng hóa “Made in Lao Cai” đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Tiêu biểu là các sản phẩm công nghiệp như gạch nung theo dây chuyền công nghệ mới, gạch ép thủy lực, ống cống bê tông, sản phẩm chế biến từ khoáng sản của tỉnh như đồng, sắt, phân bón tổng hợp. Với các sản phẩm nông nghiệp phải kể tới gạo Séng Cù, các loại giống lúa lai của Lào Cai, hàng thực phẩm như rượu San Lùng, rượu Bắc Hà, tương ớt Mường Khương, thịt sấy các loại. Để kích cầu tiêu dùng, ngoài việc tăng cường quảng bá trong những năm qua, các doanh nghiệp, nhà phân phối hàng nội địa còn tổ chức hơn 1.000 chương trình khuyến mại, hoạt động tri ân khách hàng…
Cũng theo ông Giàng Seo Vần, về chính sách hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường, Lào Cai còn thực hiện bằng các hoạt động hợp tác thương mại, liên kết đầu tư với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hàng năm, Lào Cai cũng tổ chức luân phiên hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung; đăng cai tổ chức các hội nghị xúc tiến xuất khẩu nông sản, hội chợ thương mại; tạo điều kiện cho cơ quan quản lý, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại hội chợ Việt Nam Expo, hội chợ công thương 28 tỉnh phía Bắc, hội chợ Hùng Vương tại Phú Thọ, hội chợ tại tỉnh Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh…
Tại các hội chợ, hình ảnh sản phẩm, doanh nghiệp của Lào Cai đã thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng, nhất là sản phẩm có tính đặc thù địa phương, đặc hữu vùng miền. Từ đó cơ hội hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp Lào Cai ngày càng được mở rộng.
Tỉnh Lào Cai cũng đã xây dựng 2 mô hình thí điểm về điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”, đó là những địa chỉ tin cậy để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và bán hàng Việt nói chung và hàng hóa nông sản của Lào Cai nói riêng đến người tiêu dùng trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước, góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân về hàng hóa sản xuất trong nước, thay đổi hành vi mua sắm, tiêu dùng của nhân dân, hiện đang nhân rộng mô hình thí điểm tại các địa phương khác trong tỉnh.
“Đặc biệt, ngành công thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng thường xuyên nhận được sự chỉ đạo phối hợp của các ngành liên quan với các yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa không đảm bảo chất lượng nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao uy tín doanh nghiệp trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ năm 2009 đến nay, riêng lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 34 nghìn lượt, qua đó phát hiện 4.784 lượt cơ sở vi phạm với tổng giá trị hàng hóa bị xử lý hơn 38 tỷ đồng”- ông Giàng Seo Vần thông tin và cho biết thêm, để triển khai thực hiện có hiệu quả CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện CVĐ. Trong đó, đưa ra 4 nhiệm vụ và nhóm giải pháp chủ yếu, đồng thời ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, tạo môi trường lành mạnh của thị trường nội địa để tăng sức mua sắm của người tiêu dùng. Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát thị trường, tổ chức mạng lưới phân phối, hội chợ quảng bá sản phẩm hàng hoá...
Đồng bào dân tộc ở Sa Pa lựa chọn hàng Việt.
Hưởng ứng CVĐ này, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã từng bước nhận thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của CVĐ. Vì vậy, doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng CVĐ với nhiều hình thức phong phú như: Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm…
Như vậy, trong 10 năm qua, tỉnh Lào Cai đã tổ chức và tiếp nhận theo dõi 149 hội chợ triển lãm cấp khu vực và quốc tế. Tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp với tổng số 9.846 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 1.918.300 lượt khách đến tham quan, mua sắm với tổng doanh thu bán hàng là 432,9 tỷ đồng... Để đạt được kết quả nêu trên, Ban Chỉ đạo CVĐ “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Lào Cai đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, sự phối hợp của chính quyền và các ban, ngành thành viên BCĐ CVĐ các cấp. Sự tham mưu, đề xuất kịp thời của cơ quan Thường trực BCĐ CVĐ. Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện CVĐ.
“Ngoài ra, công tác tuyên truyền, vận động đã được tiến hành thường xuyên, liên tục. Hình thức, nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm lý, thị hiếu, văn hoá vùng miền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hoá sản xuất trong nước. Khi triển khai CVĐ, Ban Chỉ đạo CVĐ cũng xác định rõ địa bàn trọng tâm, trọng điểm của CVĐ chính là địa bàn dân cư, công nhân KCN – KCX ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để có những biện pháp tuyên truyền cho phù hợp” - ông Giàng Seo Vần nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai cần làm tốt hơn vai trò tuyên truyền nội dung CVĐ gắn với công tác dân vận, phong trào thi đua yêu nước. Các ngành có liên quan tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, thành phần kinh tế quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại Lào Cai.
“Cần gắn nội dung CVĐ với các chương trình, hoạt động văn hóa, giáo dục, du lịch, đặc biệt là việc quảng bá sản phẩm hàng hóa của tỉnh để ngợi ca lòng yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc trong lòng mỗi người dân Lào Cai”- ông Giàng Seo Vần chia sẻ.