Loại bỏ tư duy xuất khẩu tiểu ngạch
Những khó khăn về xuất khẩu sang Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm và các bộ ngành, doanh nghiệp (DN) cũng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết. Song đây là thời điểm, chúng ta không thể chậm trễ được nữa vì Trung Quốc sẽ ngày càng đặt ra các hàng rào, yêu cầu cao, chặt chẽ liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định như vậy tại Hội nghị phát triển xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc, do Bộ Công thương tổ chức chiều ngày 13/9, tại Hà Nội.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam với nhóm hàng nông thủy sản, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ nhất về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê... Đồng thời, vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này đang có dấu hiệu chững lại. Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.
Nguyên nhân được chỉ ra, là do từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc. Chưa kể, tập quán làm ăn manh mún cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK nông thủy sản sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Trung Quốc hiện là đối tác lớn cả về kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của nước ta sang Trung Quốc vấn tồn tại nhiều vấn đề. Đó là vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới (tiểu ngạch), dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa. Do đó, nông thủy sản chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững…
Đó là những lý do khiến cho chúng ta chưa thực sự bền vững trong khâu tổ chức sản xuất, xuất khẩu, khó kiểm soát vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Các DN Việt Nam còn thiếu thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xuất khẩu.
Đứng ở vai trò là DN, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) nêu quan điểm, nguyên nhân lớn nhất có sự sụt giảm xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là do họ tăng cường siết chặt về kiểm dịch và tăng cường yêu cầu an toàn thực phẩm. Thứ hai, Trung Quốc hiện có lượng dư tồn kho rất lớn. Nếu trước đây họ là nước nhập khẩu lớn thì hiện nay họ lại là nhà xuất khẩu.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN cần thay đổi tư duy xuất khẩu nông thủy sản theo hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ xuất khẩu tiểu ngạch; tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, độ an toàn, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc… để không chỉ xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc mà còn cả các thị trường khác trên thế giới.