Chăn nuôi an toàn sinh học: Giải pháp để vượt qua 'bão dịch'

Minh Phương 14/09/2019 08:00

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hiệu quả nhất để chống lại các loại dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành hiện nay, đồng thời đây cũng là giải pháp phát triển bền vững đối với ngành chăn nuôi nước nhà.

Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học và góp ý cho các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 13/9 tại Hà Nội.

Chăn nuôi an toàn sinh học: Giải pháp để vượt qua 'bão dịch'

Áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh. Ảnh: Nongnghiep.vn.

Nạn dịch gây thiệt hại 7% tổng đàn lợn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ tháng 2 năm 2019 đến nay đã lan rộng trên hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước (63/63 tỉnh, thành), nhiều cơ sở chăn nuôi lợn phải đóng cửa, do đó số lượng đàn lợn giảm. Tính đến thời điểm này, 4,9 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, chiếm 7% tổng đàn lợn của cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện thịt lợn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thịt và bữa ăn của người Việt, nếu không có giải pháp kịp thời nguy cơ thiếu thịt là rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và năm 2020. Nhưng có tín hiệu đáng mừng là trải qua 8 tháng dịch tả lợn châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch…

“Số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35 - 40%. Đây là những tín hiệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học thích ứng với bệnh dịch tả lợn châu Phi” – ông Tiến nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, hầu hết các ý kiến của DN, các địa phương đều cho rằng, trong bối cảnh chưa có vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi, nuôi lợn an toàn sinh học là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn và kiểm soát đại dịch này.

Theo đại diện Tập đoàn Quế Lâm, thời gian qua, để chống chọi với đại dịch trên đàn lợn, Tập đoàn này đã sử dụng mô hình chế phẩm sinh học để thực hiện trong nuôi tổng đàn lợn, theo đó, chế phẩm sinh học được đưa vào thức ăn, xử lý nền chuồng… giúp cho đàn lợn luôn được bảo vệ an toàn khi có sức đề kháng cao và hoàn toàn được nuôi trong môi trường sạch, không có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập.

Nhận định về mô hình nuôi lợn của Quế Lâm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, mô hình nuôi lợn bằng chế phẩm sinh học luôn đảm bảo được 3 tiêu chí: an toàn sinh học, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường và thứ ba là an toàn thực phẩm. Các DN, địa phương cần áp dụng mô hình chăn nuôi lợn bằng chế phẩm sinh học để có thể hạn chế thấp nhất những thiệt hại do các loại dịch bệnh gây ra cho đàn gia súc.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra con số: “Nếu như năm 2016 cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm tỷ lệ 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, chiếm tỷ lệ 6,6% thì sang năm 2017 số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước tăng lên gần 2.500 trang trại (tăng 15,6%) và chiếm tỷ lệ 24,4% với tổng đàn xấp xỉ 2,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,3%”. Số liệu thống kê mới nhất năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.

Qua đó, có thể nhận thấy xu hướng số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn… được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước. Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nhấn mạnh vai trò của chăn nuôi an toàn sinh học, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương nghiên cứu, xem xét, cân nhắc việc tái đàn lợn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó, Bộ sẽ nghiên cứu các phương án để thúc đẩy nhiều hơn nữa hình thức liên kết chăn nuôi theo một chuỗi khép kín từ các nguyên liệu đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y....) cho đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ sản phẩm (giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm).

Đây cũng là yêu cầu đặt ra nhằm nâng sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi nước nhà, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ.

Thanh Hoá: Tái phát dịch tả lợn châu Phi

Nguồn tin từ Sở NNPTNT Thanh Hóa chiều ngày 13/9 cho biết: Trong 3 ngày gần đây nhất, dịch tả lợn châu Phi đã tái xuất hiện trở lại tại 51 xã, phường, thị trấn và huyện Bá Thước. Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh này thì nguyên nhân dịch tái phát là do công tác tiêu hủy, công tác xử lý vệ sinh tiêu độc ổ dịch chưa bảo đảm quy trình, không đúng quy định làm phát tán dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn chưa được kiểm soát chặt chẽ; lưu thông, buôn bán sản phẩm lợn nhiễm bệnh ra thị trường...

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các địa phương kiểm soát dịch theo phương châm huyện giữ huyện, xã giữ xã, thôn giữ thôn. Riêng những huyện có tỷ lệ bùng phát dịch tả lợn châu Phi, để tốc độ lây lan nhanh thì phải kiểm điểm lại trách nhiệm của từng địa phương, cá nhân trong công tác phòng, chống dịch.

Anh Tuấn

Minh Phương