Vòng xòe có cần kỷ lục?

Ngọc Anh 14/09/2019 08:00

Theo thông tin chính thức từ UBND tỉnh Yên Bái, Lễ hội văn hoá, du lịch Mường Lò tổ chức vào ngày 20/9 tới sẽ có một màn đại xòe 5.000 người để xác lập Kỷ lục thế giới. Vòng xòe kỷ lục được thực hiện trước thời điểm Yên Bái sẽ bảo vệ hồ sơ trình UNESCO xét duyệt, vinh danh nghệ thuật xòe Thái là di sản phi vật thể đại diện vào năm 2020. Nhiều người đang băn khoăn, liệu có cần kỷ lục này?

Vòng xòe có cần kỷ lục?

Múa xòe.

Hiện nay các tỉnh Tây Bắc gồm Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận điệu múa xoè là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, trong đó Yên Bái là tỉnh giữ vai trò chính trong quá trình làm hồ sơ. Có thể hiểu việc thực hiện một màn đại xòe là nhằm quảng bá rộng rãi hơn một di sản văn hóa vốn được coi như hơi thở, như cơm ăn nước uống của người Thái vùng Tây Bắc. Xòe- một điệu múa truyền thống quen thuộc, dễ thực hiện và chắc chắn kể cả một vòng xòe vài nghìn người cũng không phải là việc quá khó. Ai từng tham gia một vòng xòe Tây Bắc đều hiểu rõ về những vòng xòe không giới hạn, những vòng tay mời gọi có thể mở ra bất tận.

Nhưng chính vì nó vốn là một điệu múa của cộng đồng mà việc tổ chức một cách có chủ ý để xác lập kỷ lục lại đang gợi nhiều suy nghĩ. Mặc dù theo Ban tổ chức, sở dĩ Yên Bái làm một màn đại xòe lớn như vậy (5.000 người tham gia, trong đó, thị xã Nghĩa Lộ có 3.500 người, huyện Văn Chấn 1.500 người) là hành động thiết thực để quảng bá, để vinh danh xòe Thái chứ không chỉ là chuyện đông người, rằng người dân hào hứng tham gia…

Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, việc tổ chức một màn đại xòe hoàn toàn mang ý nghĩa giải trí, nó không góp phần vinh danh theo nghĩa là làm cho di sản có ý nghĩa hơn. Hơn nữa, múa xòe là một hoạt động văn hóa cộng đồng, việc can thiệp vào nó để tạo ra thành tích, kỷ lục là việc không lại lại lợi ích cho di sản. Tiêu chí của UNESCO là bảo vệ di sản để những sinh hoạt văn hóa như vậy phải ở trong cộng đồng, là sáng kiến của cộng đồng chứ không phải là sự sắp đặt, trình diễn mang tính sân khấu…

Đã có quá nhiều bài học về kỷ lục văn hóa trước khi có màn đại xòe tới đây. Vừa mới cách đây không lâu là cặp bánh trung thu kỷ lục Việt Nam, trước đây nữa là bánh chưng kỷ lục, rồi tô phở to kỷ lục… Sau những kỷ lục, chúng ta thấy được gì?

Trên con đường trở thành di sản nhân loại, múa xòe có nên tham gia vào một thứ hạng rất hư danh mang tên gọi là kỷ lục hay không?

Hãy để những điệu xòe tự nhiên tồn tại trong cuộc sống của người Thái vùng Tây Bắc. Hãy để múa xòe vẫn là một sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu được của người dân, giống như là hơi thở, như cơm ăn nước uống hàng ngày. Hãy để những điệu xòe mô phỏng bước đi của cha ông khi khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu… Những vòng múa xòe diễn tả sinh động và tinh tế về cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc.

“Không xòe không vui/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe trai gái không thành đôi…”- người Thái ở Mường Lò vẫn có câu hát ấy. Cho nên, múa xòe tồn tại qua thời gian, qua năm tháng không chờ đợi ở kỷ lục, thậm chí cũng không chờ đợi để được vinh danh. Bởi vì, trong cuộc vui nào, đồng bào người Thái đất Mường Lò cũng có múa xòe. Bởi vì: “Anh không xòe thì hoa héo đi/ Em không xòe trời xuân qua đi...”

Một di sản văn hóa có sức sống mãnh liệt trong đời sống cộng đồng như vậy, sợ rằng áp đặt kỷ lục vào có khi chưa chắc đã phải là vinh danh!

Ngọc Anh