Nghệ sĩ Phạm Hồng: Sự trỗi dậy của nghệ thuật đương đại

Việt Quỳnh (thực hiện) 15/09/2019 08:00

Tham gia hoạt động nghệ thuật đương đại từ năm 2005, thời kỳ sôi nổi của các chương trình nghệ thuật thể nghiệm, nghệ sĩ Phạm Hồng đã bắt đầu những tác phẩm của mình trong tâm thế cần trải qua những thử thách. Nghệ sĩ Phạm Hồng kể:

Nghệ sĩ Phạm Hồng: Sự trỗi dậy của nghệ thuật đương đại

Nghệ sĩ Phạm Hồng.

- Năm 2005, các nghệ sĩ độc lập cũng như các nhóm nghệ sĩ thực hành dưới hình thức thể nghiệm nghệ thuật đương đại rất nhiều và phong phú. Vào thời điểm đó, tôi đang học đại học và có may mắn được tham gia các workshop cùng với bạn bè, anh em nghệ sĩ. Thời gian đầu làm quen, tôi hoàn toàn là một kẻ ngoại đạo, vì chuyên ngành học của tôi là về thiết kế thời trang, tuy nhiên khi được tiếp xúc và được chỉ dẫn bởi các nghệ sĩ đàn anh, tôi rất hứng khởi. Tôi thật sự thích thú vì nghệ thuật đương đại đối với tôi lúc bấy giờ mở ra một khái niệm về nghệ thuật rất mới mẻ, đa dạng, không còn giới hạn hay khoảng cách giữa tác phẩm, nghệ sĩ, công chúng. Thời gian đó, có rất nhiều bạn trẻ như tôi, họ đến từ nhiều trường đại học khác nhau: sân khấu, nhạc viện, thậm chí các trường về báo chí, ngoại ngữ tham gia. Điều đó cho thấy nghệ thuật không còn giới hạn ở việc bạn phải là sinh viên mỹ thuật mới có thể thể nghiệm. Sau những workshop thực hành nghệ thuật thì tôi đã thực sự thay đổi về tư duy và cách nhìn trong không chỉ nghệ thuật mà kể cả đối với thiết kế thời trang.

Tác phẩm đầu tiên mà bạn đã thực hiện năm 2005? Trong quá trình làm tác phẩm đó, bạn nhận ra điều gì cần giãi bày từ bên trong mình?

- Tác phẩm đầu tiên tôi làm là 2 tác phẩm sắp đặt với tên gọi: “Mẹ”. Trước khi triển lãm, tôi đã tham gia workshop cùng với một nhóm người dưới sự hướng dẫn của một nghệ sĩ người Đức. Chủ đề khi đó nói về phụ nữ nên điều đầu tiên tôi nghĩ đến chính là mẹ tôi, và chỉ khi nghĩ đến mẹ, tôi mới thấy mình có đủ cảm xúc để làm một cái gì đó như một câu chuyện về mẹ. Lúc đó là tác phẩm sắp đặt, tôi dùng rất nhiều đồ đạc trong gia đình, những thứ bao năm mẹ tôi vẫn dùng để làm việc và chăm sóc cho gia đình, mỗi thứ đều mang dấu ấn của mẹ tôi trong đó, từ chiếc bàn là cũ có lẽ cũng bằng tuổi của tôi cho tới cái chảo, cái xoong mẹ tôi sắm từ lúc mới cưới, bà vẫn giữ gìn cho tới tận khi tôi trưởng thành... Tôi sử dụng những đồ vật đó tạo thành một khối điêu khắc mang hình tượng của mẹ. Đó là tác phẩm sắp đặt đầu tiên trong đời tuy còn rất ngô nghê nhưng tôi chắc chắn rằng cảm xúc của mình khi làm nó rất thật và bạn bè tôi khi xem cũng đánh giá nó là một tác phẩm rất tình cảm. Tôi quan niệm rằng làm nghệ thuật rất cần cảm xúc chân thật của người nghệ sĩ, tình cảm không thể giả dối và tác phẩm làm từ tình cảm chân thành của nghệ sĩ thì người xem sẽ cảm nhận được nó, trân trọng nó.

Bạn có thể chia sẻ về không khí nghệ thuật mà bạn trực tiếp trải nghiệm thời gian đó?

- Có thể nói trong suốt những năm sau đó tôi được chứng kiến từng bước đi của nghệ thuật đương đại, có thể nói rằng không thiếu những nghệ sĩ làm đương đại và bị đánh giá là điên rồ, và cũng không thiếu nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm xuất sắc phải kể đến như: Trương Tân, Nguyễn Huy An, Vũ Hồng Ninh... Tôi thấy nghệ thuật đương đại dường như thành một phong trào, vừa mới mẻ, vừa thử thách. Tôi thật sự ấn tượng với sự sáng tạo của các nghệ sĩ, không chỉ mới lạ trong hình thức, cách thể hiện, chất liệu, mà cách làm việc, tư duy và tìm tòi cũng rất sâu sắc, chuyên tâm. Tôi thấy mình được học hỏi rất nhiều từ các nghệ sĩ đàn anh và tư duy nghệ thuật của tôi cũng được thay đổi nhiều qua những lần trao đổi, tham gia workshop cũng như xem các triển lãm nghệ thuật.

15 năm hoạt động nghệ thuật, với hàng loạt những tác phẩm, bạn đã kể những câu chuyện về phụ nữ?

- Đúng vậy. Tôi luôn trăn trở về số phận của người phụ nữ trong xã hội, bất kể thời kỳ nào. Có lẽ vì tôi sinh trưởng trong một gia đình với ba thế hệ mà người phụ nữ luôn phải làm cả việc nhà lẫn việc xã hội nên tôi thấy được vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như sự hi sinh, nhẫn nại của phụ nữ. Khi ra ngoài xã hội, tôi lại được tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ có hoàn cảnh rất đặc biệt, lắng nghe những câu chuyện của họ tôi lại càng có nhiều tình cảm dành cho phụ nữ hơn. Hầu hết các tác phẩm của tôi đều từ những câu chuyện của cá nhân hoặc của những người phụ nữ mà tôi từng được tiếp xúc. Tôi nuôi nguyện vọng có thể giúp ích gì đó cho những người phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội bằng cách nào đấy, dù là trực tiếp hay gián tiếp.

Nghệ sĩ Phạm Hồng: Sự trỗi dậy của nghệ thuật đương đại - 1

Tác phẩm sắp đặt “Sự im lặng” tại Gogma 2019.

Vậy những câu chuyện bạn đang kể, liệu có phải là ẩn ức tính nữ từ xưa xa?

- Có thể nói một phần nào đó là như vậy. Tôi nhìn cuộc đời của bà tôi, của mẹ tôi, những người hi sinh cả cuộc đời vì gia đình với sự chấp nhận giống như sinh ra là phụ nữ đã phải như vậy, hi sinh trở thành một nhiệm vụ. Mẹ tôi đã chẳng hề có thời gian nào cho bản thân bà trong suốt cuộc đời, khi trẻ hi sinh vì các em (gia đình ông bà tôi từng nghèo, không đủ điều kiện cho các con đi học), rồi hi sinh vì chồng, con, đến giờ vẫn lại vì các cháu. Trong các tác phẩm của tôi có cả câu chuyện của những cô gái làm mẹ đơn thân bất đắc dĩ, những cô gái vì gánh nặng gia đình mà phải làm gái điếm, những cô gái mắc bệnh xã hội rồi vì mặc cảm mà không dám tìm hiểu bất cứ ai, chấp nhận sống cuộc sống cô độc... Tất cả đều từ sự chịu đựng, chấp nhận và hi sinh của người phụ nữ từ xưa tới nay.

Vì sao bạn thường chọn chất liệu vải để thể hiện tác phẩm?

- Tôi chọn chất liệu vải vì tôi học thiết kế thời trang, hiểu tính chất từng loại vải và có thể kiểm soát khi làm tác phẩm. Mỗi loại chất liệu vải lại mang đến một hiệu quả khác nhau. Việc ngồi tỉ mẩn khâu vá đối với tôi vừa là công việc, vừa là thư giãn. Nhiều người hay nói các nghệ sĩ nữ thường chọn khâu vá để làm tác phẩm, tôi thì nghĩ rằng trong câu nói đó phải chăng đã có sự phân biệt, nghệ sĩ chọn chất liệu nào họ thấy phù hợp và hiệu quả, không cứ gì giới tính. Trên thế giới nhiều nghệ sĩ nam chọn vải, bông, thậm chí hoa để làm tác phẩm, và cũng có nhiều nghệ sĩ nữ sử dụng sắt thép làm tác phẩm. Tôi chọn vải cũng vì với tôi khi ngồi khâu một tác phẩm vải, như thiền vậy, là lúc tôi tập trung cho công việc, suy ngẫm về nhiều thứ trong cuộc sống, con người và mọi tâm trạng tôi có thể gửi vào trong công việc của mình, tôi rất thích công việc này.

Sau những ngày tháng tưng bừng của nghệ thuật đương đại trong những năm 2005-2009, mọi thứ dường như ở trong trạng thái ngừng trệ, vì sao gần đây, các hoạt động này lại trỗi dậy?

- Tôi nghĩ nghệ thuật vẫn như một dòng chảy và sự phát triển của nghệ thuật chẳng thể nào ngừng được. Nếu như giai đoạn từ năm 2005-2009 nghệ thuật đương đại nở rộ, các nghệ sĩ vừa sáng tác vừa thể nghiệm với loại hình mới, sau đó là một giai đoạn nghệ thuật đương đại ở Việt Nam lắng xuống bởi nhiều nguyên nhân, nhưng tôi nghĩ nguyên nhân chính là các nghệ sĩ cần có một khoảng thời gian tập trung trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, trao đổi với các nghệ sĩ nước ngoài… Đồng thời, cùng với sự phát triển về nghệ thuật đa phương tiện, các nghệ sĩ cũng cần phải tiếp cận nhiều hơn với công nghệ nữa. Nếu như thời kỳ đầu của nghệ thuật đương đại, nhiều nghệ sĩ trẻ chỉ đưa ra những tác phẩm dạng thể nghiệm thì sau đó những sáng tác của họ đã tốt hơn rất nhiều. Gần đây, nghệ thuật đương đại đang hoạt động trở lại sôi nổi hơn, theo tôi nghĩ, cũng vì nhiều nghệ sĩ có những ý tưởng và sáng tác mới, cùng với sự đòi hỏi thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Tôi nghĩ nó cũng là tất yếu của sự phát triển trong nghệ thuật.

Tác phẩm gần đây nhất bạn đưa ra công chúng là gì?

- Gần đây nhất tác phẩm tôi đưa ra trước công chúng tháng 8 vừa qua là tác phẩm sắp đặt bằng vài mang tên “Sự im lặng”. Đây là một tác phẩm tôi muốn nói lên sự im lặng trong xã hội ngày nay giữa con người với con người. Chúng ta không còn dành nhiều thời gian cho nhau mà thay vào đó mỗi người có một mối bận tâm khác, vô hình tạo nên khoảng cách giữa con người với nhau dù rằng chúng ta vẫn sống trong một cộng đồng rất đông đúc. Sự im lặng dần xâm chiếm cuộc sống như một mầm bệnh, nó có thể phá hủy tình thân, mối quan hệ và nhiều điều tốt đẹp mà chúng ta đã có.

Xin cảm ơn bạn!

Nghệ sĩ Phạm Hồng sinh năm 1984, đã tham gia:

2005: Triển lãm của nhóm “Remake” tại viện Goethe.
2010: Dự án cộng đồng với Craftlink tại Sapa, Lào Cai.
2012: Triển lãm “Phập phồng” cùng Chaap Collective tại viện Goethe.
2016: Sắp đặt trong triển lãm nhóm tại Blue Gallery; triển lãm Today của Câu lạc bộ nghệ sĩ trẻ tại Hanoi Creative City; Sự kiện Domino Art Fair tại tòa nhà Creative city với chương trình diễn thời trang.
2017: Triển lãm nhóm “Traveling Exhibition” tại Nhà Tre, phố Chùa Láng, Hà Nội; tham gia giải thưởng Dogma – một trong 23 nghệ sĩ có tác phẩm trưng bày tại Heritage Space – Tòa nhà Dolphin Plaza.
2018: Workshop “Garment girls” cùng nghệ sĩ người Mỹ Jennifer Vanderpool tại Heritage Space, tòa nhà Dolphin Plaza…

Việt Quỳnh (thực hiện)