Chính sách Mỹ hậu Bolton

Linh Chi 15/09/2019 07:00

Sau khi sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton- người có nhiều bất đồng quan điểm với lãnh đạo Mỹ về chính sách ngoại giao, Tổng thống Donald Trump đã tiết lộ về mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai người và về khả năng thay đổi chính sách của Mỹ trong tương lai.

Chính sách Mỹ hậu Bolton

Việc ông Trump xa thải Bolton được coi là đột ngột nhưng không bất ngờ.

Trả lời báo giới trong các cuộc họp báo trong tuần này, ông Trump đã đề cập tới vấn đề Iran và Afghanistan, chỉ trích ông Bolton vì quan điểm của ông này về vấn đề Iraq và Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh sự bất đồng giữa ông với vị cựu cố vấn về vấn đề Venezuela.

Dù ông Bolton từng ra sức thúc đẩy các biện pháp cứng rắn nhằm vào Iran và Triều Tiên - và trước còn kêu gọi sử dụng vũ lực đối với cả hai nước - nhưng ông Trump vẫn ca ngợi tiềm năng của hai nước này và không loại trừ khả năng bỏ bớt các lệnh trừng phạt đối với Tehran - một điều kiện tiên quyết mà nước này đưa ra để trở lại bàn đàm phán. Ông chủ Nhà Trắng còn gợi mở khả năng liên lạc cấp cao với cả Bình Nhưỡng và Tehran, nói rằng “đây là hai quốc gia mà chúng tôi đang tiếp cận ở cấp cao”. Tổng thống Mỹ nói rằng ông vẫn chưa quyết định tổ chức một cuộc gặp với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani tại kỳ họp Đại Hội đồng LHQ tổ chức tại New York trong tháng tới, nhưng để ngỏ khả năng này.

“Tôi không trông chờ điều gì cả - ông Trump nói - Tôi thực sự tin rằng họ muốn có một thỏa thuận. Nếu vậy thì tốt, mà nếu không phải vậy cũng chẳng sao”. Ông Trump cũng cho hay ông bất đồng quan điểm với ông Bolton về vấn đề Venezuela. Chính quyền Trump trước đó ủng hộ ông Juan Guaido - chính trị gia đối lập tự xưng là Tổng thống lâm thời Venezuela - và dường như hậu thuẫn cho ông Guaido trong âm mưu lật đổ Tổng thống hợp pháp Nicolas Maduro. “Tôi không tán thành với quan điểm của ông Bolton về Venezuela. Tôi nghĩ rằng ông ta cư xử quá giới hạn và tôi đã chứng minh được điều đó là đúng. Tôi không muốn nói về điều đó” - ông Trump hé lộ.

Tại các cuộc họp báo trong tuần, ông Trump liên tục nhằm vào ông Bolton, một phần là do các câu hỏi của phóng viên tập trung nhiều vào vị cựu cố vấn này. “John là người mà tôi từng thực sự hòa hợp - ông Trump nói về ông Bolton. - Nhưng ông ấy đã gây ra một số sai lầm lớn”. Ông Trump chỉ ra phát ngôn của ông Bolton về “mô hình Libya” để áp dụng cho lộ trình giải giáp hạt nhân Triều Tiên như một bước đi sai lầm.

Được biết “mô hình Libya” đề cập tới một thỏa thuận ngầm năm 2003 giữa lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi với Anh và Mỹ, trong đó chính quyền Tripoli tự nguyện từ bỏ các trang thiết bị hạt nhân từng mua từ một nhà khoa học Pakistan. Năm 2011, khi Mỹ cùng châu Âu can thiệp quân sự vào Libya, Gadhafi đã bỏ trốn và bị các tay súng phe nổi dậy giết hại. Sau cuộc xâm lược của quân đồng minh vào Libya, Ngoại trưởng Triều Tiên lúc bấy giờ đã tuyên bố rằng việc thúc đẩy Libya giải giáp hạt nhân là “một chiến thuật xâm lược nhằm tước vũ trang của nước này”.

Ký ức đó đã phủ bóng mờ lên các vòng đàm phán ngày nay giữa Mỹ và Triều Tiên - đặc biệt là sau khi ông Bolton nhắc lại nó trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi đã có một bước lùi tệ hại khi ông John Bolton nói về mô hình Libya, và ông ấy đã phạm sai lầm. Ngay khi ông ta nhắc đến mô hình Libya, nó đã là một thảm họa” - ông Trump nói.

Các phát ngôn của ông Trump trong tuần qua khiến giới phân tích kỳ vọng rằng chính quyền Washington có thể có nhiều sự thay đổi tích cực trong chính sách ngoại giao, đặc biệt là với các nước như Iran và Triều Tiên.

Linh Chi