Các bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến rất phức tạp
Tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội nghị toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2019 do Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (NHTD), Hội Truyền nhiễm Việt Nam (VSID), Hội Y khoa Lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam (VCHAS) và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14/9. Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo: Các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên tục xuất hiện trên thế giới và có thể xâm nhập vào nước ta trong vòng 24 h.
Các bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên tục xuất hiện trên thế giới
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: Việt Nam đã thanh toán được các bệnh như đậu mùa, bại liệt, đã loại trừ và khống chế nhiều bệnh: Uốn ván sơ sinh, giun chỉ bạch huyết, giảm các bệnh lây nhiễm HIV/AIDS… tỷ lệ chết/mắc một số bệnh truyền nhiễm là rất thấp so với trong khu vực trên thế giới như tay chân miệng, cúm, sốt xuất huyết, cúm A (H5N1). Tuy nhiên, hiện nay các bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và nước ta.
Nguyên nhân là do sự giao lưu, đi lại thuận tiện giữa các nước, thêm vào đó là sự biến đổi liên tục do vi sinh vật gây bệnh, do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, điều kiện vệ sinh môi trường, sự di dân của các vị trí địa lý, đặc biệt là xâm nhập vào các vùng sâu. “Nhiều bệnh trước kia có tính chất lưu hành và khu trú ở từng quốc gia thì hiện nay đã có tính chất toàn cầu. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên tục xuất hiện trên thế giới và có thể xâm nhập vào nước ta trong vòng 24 h.
Tuy nhiên, hiện một số bệnh truyền nhiễm đã được kiểm soát nhưng có xu hướng gia tăng trở lại, như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh sởi, dại, lao… Một số bệnh do ít được quan tâm nhưng thực sự nguy hiểm và gánh nặng cho xã hội như bệnh viêm gan B, C, dại… Thêm vào đó, sự kháng thuốc xuất hiện ở nhiều chủng vi khuẩn, ký sinh trùng, sốt rét… Việc cách ly, đặc biệt là cách ly những trường hợp cấp cứu bệnh nhân nặng ít lây hoặc không lây còn lẫn lộn với những trường hợp có tính chất lây mạnh” - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng lo ngại.
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc NHTD, Chủ tịch VSID - cũng cho rằng, sự biến đổi khí hậu toàn cầu hóa, đô thị hóa mang nhiều lợi ích cho phát triển cộng đồng nhưng đồng thời cũng có tác động lớn đến tình hình dịch bệnh ở nước ta.
Nhiều bệnh từ động vật hoang dã lây truyền cho con người, có bệnh tỷ lệ tử vong cao như Ebola, Mers - CoV... Bên cạnh đó là các bệnh tái nổi như bạch hầu, các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Do vậy theo Giám đốc NHTD, thời gian tới, VSID sẽ tiếp tục được phát triển và mở rộng các Chi hội tại tuyến tỉnh, thành phố và kết nối với các Hội khác như Hội Y học dự phòng, Hội Y tế công cộng... cũng như liên hệ với các tổ chức quốc tế để kết nối được với các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực khác nhau về bệnh truyền nhiễm. “Đồng thời, các hội viên phải được tiếp tục các mô hình đào tạo mở rộng, tập huấn, đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức và các biện pháp phòng chống bệnh do vi sinh vật gây ra... Các thầy thuốc, các cán bộ trong ngành cần được tạo cơ hội tiếp cận và cập nhật các kiến thức chuyên khoa ở trong nước và quốc tế, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân” - ông Kính nêu.
Trước thềm hội nghị đã có các khóa đào tạo liên tục (CME) về dự phòng trước phơi nhiễm ngăn ngừa lây nhiễm HIV; chẩn đoán và điều trị một số bệnh ký sinh trùng thường gặp; cập nhật hướng dẫn của Bộ Y tế về viêm gan và khắc phục các sự cố y khoa trong chăm sóc người bệnh truyền nhiễm.
Tại hội nghị có 61 báo cáo tham luận đề cập đến các chuyên đề về bệnh truyền nhiễm ở người lớn và trẻ em; về viêm gan virus và xơ gan; về HIV/AIDS; về kháng sinh và kháng kháng sinh; về sốt xuất huyết; về bệnh lý ký sinh trùng; về một số kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm.
Nếu tiêm chủng tỷ lệ thấp hoặc ngừng tiêm chủng thì hàng rào miễn dịch bị phá vỡ
Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo: Các biện pháp phòng hộ như tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ còn chưa đầy đủ, xử lý ổ dịch chưa tốt… dẫn đến dịch bệnh xảy ra, dễ lây lan và bùng phát. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng cho rằng, thời gian qua Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; khống chế bệnh sởi và rubella. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 94,8%, tỷ lệ tiêm đủ mũi vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 85%; tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu đạt 74,4%; tỷ lệ tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ 18 tháng đạt trên 90%. Đặc biệt, từ tháng 4/2018, vaccine phối hợp sởi - rubella do Việt Nam sản xuất đã được triển khai sử dụng trên toàn quốc. Đây là thành công của ngành Y tế Việt Nam khi trong năm 2018 đã có thêm một vaccine an toàn, hiệu quả được sản xuất trong nước, chủ động việc cung ứng vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng...
Tuy nhiên, công tác tiêm chủng trên toàn quốc đang đứng trước những thách thức mới, công tác tiêm chủng bị trì hoãn do người lớn ngần ngại đi tiêm chủng ngay cả khi con ốm nhẹ. Đây là nguyên nhân chính khiến trẻ không được tiêm chủng hoặc do cha mẹ chưa nắm, không nhớ được lịch tiêm chủng, nên không cho con đi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chậm lịch. Có những cha mẹ e ngại phản ứng sau tiêm và chờ vaccine dịch vụ; cha mẹ từ chối tiêm chủng với quan điểm “thuận với tự nhiên”.
Vaccine có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vaccine mới có tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng và phát huy hết hiệu quả. Trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 90-95%, nền tảng miễn dịch vững chắc thì cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng cảm nhiễm nên bệnh không thể lan rộng. Khi đó có thể thấy một số nhỏ các trường hợp chưa tiêm chủng chưa bị mắc bệnh nhờ được những người đã có miễn dịch xung quanh che chắn, bảo vệ.
Nếu tiêm chủng tỷ lệ thấp hoặc ngừng tiêm chủng thì hàng rào miễn dịch bị phá vỡ, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan tràn. Khi đó, tất cả những người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh. Những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, trẻ đang mắc bệnh nặng, trẻ trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, trẻ chống chỉ định tiêm vaccine…) sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao.
Có những bệnh dịch đã khống chế nhưng sẽ quay trở lại. Ví dụ như ở Mỹ, dịch sởi được loại trừ từ năm 2000, tuy nhiên, với tình trạng e ngại tiêm chủng của một bộ phận cha mẹ, tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống, số mắc sởi các tháng đầu năm 2019 tăng mạnh đã khiến dịch sởi bùng phát và tình hình dịch sởi tại quốc gia này hiện nay trở nên tồi tệ nhất trong vòng 27 năm qua. Tại châu Âu, ghi nhận 8.580 trường hợp mắc và 33 trường hợp tử vong do sởi trong vòng 1 năm qua, trong đó nhiều trường hợp trẻ chưa được tiêm chủng do cha mẹ từ chối tại các nước Pháp, Italia, Đức, Romania...
Ở nước ta, trong các năm 2013-2014 dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi, hơn 100 trẻ tử vong. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Từ chối tiêm chủng là đặt con bạn vào rủi ro
Bộ Y tế cảnh báo: Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt tình trạng nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây. Virus bại liệt xâm nhập vào nước ta và lưu hành, gây dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm. Hầu hết trẻ em bị mắc sởi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, tử vong… Bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện, nhưng sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm trên 50%.
Giai đoạn trước triển khai vaccine 5 trong 1 thì nguyên nhân chính gây viêm phổi và viêm màng não là do vi khuẩn Hib, chiếm trên 60% trường hợp. Tuy nhiên đến nay Hib không còn là nguyên nhân chính của các bệnh này nữa. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine này giảm xuống, nguy cơ hàng chục ngàn trẻ mắc viêm phổi, hàng trăm trẻ viêm màng não do Hib sẽ quay trở lại đe dọa tính mạng trẻ nhỏ. Bên cạnh đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như ho gà, bạch hầu sẽ gây dịch hàng năm.
Từ chối tiêm chủng không chỉ đặt con bạn vào rủi ro mà còn xâm phạm lợi ích chung của cả cộng đồng.