Kinh tế chia sẻ: Luồng gió mới mẻ
Có thể thấy, kinh tế chia sẻ đang làm thay đổi diện mạo của nền kinh tế, ở đó, người tiêu dùng thực sự được coi là “thượng đế”.
Kinh tế chia sẻ đang thúc đẩy sự thay đổi của các loại hình kinh doanh truyền thống. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
“Chào chị, em đón chị tại 120 Trung Kính đúng không ạ? Vâng, chị chờ em 2 phút, em tới ngay. Với thái độ ân cần, niềm nở, người tài xế trẻ với vẻ mặt thân thiện mở cửa cốp xe đỡ cho tôi 2 chiếc túi đầy hàng hóa lỉnh kỉnh cho vào cốp xe rồi sau đó lịch sự mở cửa xe mời tôi lên. Kết thúc chuyến đi, người tài xế cũng không quên nói lời “cảm ơn” sau khi đã nhận được tiền từ khách hàng và tất nhiên tôi cũng không quên cảm ơn lại”. Đây là câu chuyện kể của một trong nhiều vị khách khi nói về các hãng Grab, Uber – những loại hình vận tải mới xuất hiện tại Việt Nam khoảng vài năm trở lại đây.
Kể từ khi xuất hiện loại hình taxi công nghệ hiện đại là Grab, Uber và mới đây nhất là Be, người tiêu dùng chứng kiến sự thay đổi hoàn toàn trong phong cách phục vụ của các tài xế, cả ô tô cũng như “xe ôm”. Thay vì thái độ khó chịu, không nói không rằng, mặc kệ khách lên xe, xuống xe, không mở cửa, cũng không có một lời cảm ơn sau khi nhận tiền phí vận chuyển, thậm chí còn đòi thêm tiền “bo”… “Cánh” lái xe taxi cũng như “xe ôm” của các hãng taxi công nghệ hiện đại có thái độ cư xử, phong cách dịch vụ nhẹ nhàng và lịch thiệp, hoàn toàn khác với kiểu cư xử của phương thức vận chuyển truyền thống.
Chị Dương Lan Anh, một nhân viên ngành ngân hàng thường xuyên có việc phải sử dụng dịch vụ vận chuyển công cộng cho biết, ngày trước cứ có việc đi đâu là rất ngại, không chỉ vì cảnh đứng vẫy mãi mà không có xe taxi nào dừng, còn một phần vì thái độ phục vụ của các tài xế taxi truyền thống rất thiếu lịch sự. Đó còn chưa kể, mình mà đi khoảng cách quá gần thì thôi “mời chị tìm xe khác”. “Cứ như mình cần họ chứ không phải họ cần mình vậy – chị Lan Anh than thở và cho biết thêm: Bây giờ thì khác, cần đi đâu, kể cả địa chỉ đến rất xa hay rất gần, chỉ cần bấm điện thoại, xe đến đón tận nơi, tài xế thái độ niềm nở, nhã nhặn khiến khách hàng có phải trả thêm tiền cũng thấy hài lòng”.
Có thể thấy rõ, sự hiện diện của nền kinh tế chia sẻ đang càng ngày càng làm thay đổi diện mạo nền kinh tế, mà Grab, hay Be… là những ứng dụng điển hình nhất hiện nay. Những chiếc xe công nghệ với thái độ phục vụ thân thiện, cởi mở, vui vẻ… đã và đang thay đổi tất cả, biến khách hàng trở thành thượng đế thực sự. Thay vì thái độ cau có, cằn nhằn khi thấy khách nói đi một quãng đường rất ngắn, là lời nói “vâng, cảm ơn anh chị đã sử dụng dịch vụ”. Thay vì yêu cầu “bo” thêm tiền, thì tài xế xe ôm hay taxi công nghệ hiện đại vui vẻ nhận đến từng đồng lẻ, kể cả khách hàng có “bo” hay không. Tất cả những thay đổi ấy đều nhờ yếu tố công nghệ, điển hình là mô hình Grab/ Uber. Những ứng dụng gọi xe công nghệ này có thể kết nối những chiếc xe vốn chưa được sử dụng hết công suất với những người có nhu cầu đi xe.
Sự xuất hiện của nền kinh tế chia sẻ những năm gần đây đang thổi một luồng gió mới vào các loại hình kinh tế ở trong nước. Không chỉ đối với lĩnh vực vận chuyển, một lĩnh vực khác đó là du lịch (mô hình Air BnB – chia sẻ phòng lưu trú) cũng đang được nhân rộng, giúp người tiêu dùng giảm chi phí, thêm vào đó là thái độ phục vụ thực sự làm hài lòng khách hàng. Mô hình Air BnB thời gian qua đã kéo theo hàng loạt các start up trong lĩnh vực cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam như Luxstay, Homestay… Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, kinh tế chia sẻ tận dụng lợi thế của công nghệ để tiếp cận với số lượng lớn khách hàng, từ đó kéo giảm chi phí.
Không chỉ ở lĩnh vực vận tải và khách sạn, các dịch vụ khác như cho vay ngang hàng P2P lending, chia sẻ chỗ làm, gửi xe, nhân lực hay tìm người giúp việc theo giờ… cũng nhanh chóng xuất hiện và được thị trường đón nhận. Với xu hướng sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng nhiều của người tiêu dùng trong nước, cơ hội để phát triển loại hình kinh tế chia sẻ ngày càng lớn, lan tỏa nhiều lĩnh vực. Điều này không chỉ tạo thời cơ cho các doanh nghiệp, các start up mà còn mở ra nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, ở nền kinh tế này, người tiêu dùng, khách hàng nhận được những dịch vụ chăm sóc rất cởi mở, lịch thiệp, khác hẳn với dịch vụ của loại hình kinh doanh truyền thống. Ở đó, khách hàng luôn cảm thấy mình được tôn trọng hơn.
Chính phủ mới đây đã phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Nhưng rõ ràng, những diễn biến thời gian qua cho thấy, theo sự vận động của nền kinh tế hiện đại, “chớp” thời cơ của sự chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận chuyển, khách sạn, nhà hàng đã “bắt tay” vào thực hiện những mô hình kinh doanh theo xu hướng đầy mới mẻ này. Hàng loạt ứng dụng trên thị trường taxi, vận tải cũng như khách sạn, du lịch, cả truyền thống lẫn hiện đại… đã thực sự mang đến một hệ sinh thái kinh tế chia sẻ sôi động và cuốn hút.
Sự biến đổi liên tục của công nghệ sẽ còn tiếp tục tạo ra thách thức mới, khó có thể thỏa mãn xung đột giữa cái cũ và cái mới. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng: Đây là thời điểm các nhà làm quản lý cần phải ngồi lại với nhau để cùng đưa ra những chính sách, cơ chế tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, để làm sao các cơ chế, chính sách mới vừa đảm bảo sự khuyến khích thay đổi kinh doanh truyền thống, vừa không hạn chế kiểu kinh doanh mới xuất hiện, nhưng không làm méo mó thị trường.