[ẢNH] Cốm làng Vòng
Khi nhắc đến mùa thu Hà Nội là lại gợi nhớ đến cốm mới, hương vị dẻo thơm của lúa nếp non và ngan ngát của sen Tây Hồ. Cốm làng Vòng đặc sản nổi tiếng là sản phẩm đặc trưng của làng Vòng (còn gọi là thôn Hậu thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm), nay là phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Những hạt cốm tươi thơm ngon vừa được giã xong.
Lá ráy được gói bên trong để giữ độ ẩm cho cốm.
Làng Vòng là làng nghề truyền thống lâu đời chuyên sản xuất cốm.
Hiện còn chưa đến chục gia đình ở làng Vòng theo nghề truyền thống này.
Giã một mẻ cốm, mỗi lượt hết khoảng 3 phút. Hiện những người thợ giã cốm bằng máy để tăng cao năng suất.
Thóc sau khi đãi sạch, cho vào chảo rang. Quá trình rang phải đảo đều, bếp dùng củi, chảo rang thường bằng gang đúc. Rang khoảng 30 phút nếu thấy hạt "2 quằn 3 róc", tức 2 hạt chưa róc vỏ nhưng bị quằn lại, còn 3 hạt còn lại róc vỏ nhưng không bị quằn là được.
Những mẻ cốm được đóng gói hút chân không để chuyển cho khách hàng ở xa.
Nghề làm cốm làng Vòng bắt nguồn từ truyền thuyết: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.
Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm, nên hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm. Và cốm làng Vòng vượt qua khỏi lũy tre làng, theo những gói quà, những gánh hàng rong đến với người thân, đến với người ăn chơi sành điệu, trở thành món ăn tao nhã của người Tràng An rồi trở thành đặc sản quý tiến vua các triều Lý (1009-1225).