Có dân là có tất cả
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay; kiến trúc sư vĩ đại và linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người là vị cứu tinh của dân tộc, đã mở ra thời đại mới cho dân tộc ta: Thời đại độc lập, tự do và Chủ nghĩa xã hội.
Bác Hồ và Bác Tôn. Ảnh: Tư liệu.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Cách mạng muốn thành công phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Việc xây dựng lực lượng trong nước có vai trò quyết định: “để tự ta giải phóng cho ta”. Theo Người, muốn có lực lượng, phải đoàn kết vì “đoàn kết là lực lượng vô địch”.
Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối. Đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.
Người viết: “Nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc mà trong bao thế kỷ nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập, tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng tháng Tám thành công và đã kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt Nam chúng ta nhất định sẽ thống nhất”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa chiến lược. Đó là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt quá trình cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp được nhằm hình thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù và xây dựng xã hội mới.
Vì vậy, Hồ Chủ tịch căn dặn mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người được phân công làm công tác Dân vận - Mặt trận, muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, đại độ với con người.
“Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp nhau lại ở nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ; ta phải nhận rằng: đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Lòng khoan dung đại độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lôi cuốn được biết bao nhân sĩ, trí thức, địa chủ, công thương gia, các nhà tư sản dân tộc, Việt kiều, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc đến với Người và theo Người tiến hành kháng chiến chống từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ xâm lược cho đến ngày toàn thắng.
Một sáng kiến lớn, đồng thời là một cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta cho dân tộc ta, cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới là việc đề xướng thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Ngay tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã xác định: Cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân tộc với hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ khăng khít với nhau là đánh đổ đế quốc, phong kiến giành độc lập dân tộc, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng đó phải lấy công nông làm động lực chính do giai cấp công nhân lãnh đạo. Ngoài công nông, Đảng cần tranh thủ các giai cấp và tầng lớp có tinh thần dân tộc, phân hóa, cô lập những phần tử chống cách mạng. Cương lĩnh mà Hội nghị thông qua tuy rất vắn tắt nhưng cũng đã vạch ra những nguyên tắc về chiến lược, sách lược xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm đoàn kết các giai cấp, các tổ chức chính trị, kể cả các cá nhân nhằm phát huy sức mạng truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, huy động mọi nhân tố dân tộc, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến để giành độc lập dân tộc…
Đây là nền tảng cơ bản để ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ Tám xem xét lại các chính sách của Đảng và nhận định cách mạng Việt Nam lúc này là cách mạng dân tộc giải phóng, thực hiện chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng thổ địa để lôi kéo địa chủ tiến bộ, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Pháp, Nhật lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Hội nghị cũng quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh và “sẽ là cờ của Tổ quốc khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 5/1983): “Hồ Chủ tịch và Đảng ta luôn luôn thấy ở mỗi người Việt Nam một người yêu nước và Mặt trận là sự tập hợp và nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước đó”.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, miễn là tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung, phát triển), trong Hiến pháp 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; xuất phát từ bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước và những yêu cầu cấp bách của nhân dân; trên cơ sở những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2014-2019, dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024 đề ra mục tiêu:
“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Báo cáo cũng đề ra Chương trình hành động 5 điểm với những giải pháp cơ bản cho từng chương trình.
Quán triệt sâu sắc lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, để chương trình hành động trở thành hiện thực cuộc sống, đòi hỏi Ủy ban Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng biến hoạt động của Mặt trận thành hoạt động của mọi người dân vì “có dân là có tất cả”.