Đoàn kết cùng đi đến thắng lợi
Mỗi lần đến Mặt trận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều nhắc đến bài học đoàn kết. Vì thực tiễn đã cho chúng ta bài học sâu sắc mang tính quy luật là bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong Ngày hội Đại đoàn kết tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN.
Nhiều năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn dành thời gian để trở về mái nhà Mặt trận trong Ngày hội Đại đoàn kết hay trong các cuộc gặp gỡ lắng nghe ý kiến của các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, các vị trong Đoàn Chủ tịch.
Ở đó, người đứng đầu Đảng, Nhà nước luôn đề cao tinh thần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại cuộc gặp mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vào hồi đầu tháng 4/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay. Để đạt được thành tựu đó, bài học đầu tiên là sự đoàn kết, thống nhất, sự gặp nhau của lòng dân, ý Đảng. Và ở đó có vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, đoàn kết giúp đỡ của các nước trên thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo, đồng thời là thành viên quan trọng của MTTQ Việt Nam. Đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời thực hiện trách nhiệm là thành viên gương mẫu để thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động do MTTQ đề ra. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Mặt trận có sứ mệnh tổ chức đoàn kết, tạo ra các phong trào đoàn kết trong mọi tiến trình phát triển của đất nước. Do vậy, trong giai đoạn nào của Đảng cũng có sự song hành của Mặt trận.
Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề cập cụ thể ngay từ Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ VI diễn ra hồi đầu năm 2017.
Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng, Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.
Việc Mặt trận đứng ra đóng vai trò chủ trì vận động, tổ chức để nhân dân đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) sẽ có hiệu quả và tác động trực tiếp đến tham nhũng, đồng thời sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động PCTN của các thiết chế khác trong hệ thống chính trị.
Trên tinh thần này, Mặt trận đã ban hành Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018-2020 và thành lập Ban tham mưu về chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018-2020. Đặc biệt, 5 năm qua, từ việc triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy chế về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Mặt trận đã vào cuộc giám sát quyết liệt từ những bức xúc của nhân dân.
Dưới sự phối hợp, hướng dẫn của Ủy ban MTTQ các cấp, nhiều cán bộ đã trở thành “chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận đấu tranh PCTN, lãng phí góp phần phát huy dân chủ cơ sở, dựng xây làng quê đổi mới, yên bình.
Trong chặng đường hình thành và phát triển, Mặt trận vận động không chỉ những cá nhân tiêu biểu, trí thức có điều kiện được nói lên tiếng nói của mình mà là một nơi mà bất cứ người dân nào cũng có điều kiện để tạo nên tiếng nói. Tiếng nói trong Mặt trận là tiếng lòng của dân. Lắng nghe nhân dân nói và đi thẳng vào những vấn đề con người là một cách để Mặt trận tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đại đoàn kết.
Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 89 năm qua đã minh chứng. Mặt trận luôn nêu cao sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc để thực hiện các mục tiêu chung của dân tộc của đất nước cho tới mỗi cộng đồng dân cư. Do đó, Mặt trận gắn bó với Đảng một cách rất mật thiết. Nhưng bên cạnh sự gắn bó, đồng hành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chung của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì Mặt trận luôn có vị trí đặc biệt và duy nhất trong tất cả những tiến trình đó.
Còn nhớ, trong những ngày cuối tháng 11 của năm 2018, khi những cơn mưa còn rớt lại như “vàng” ngấm sâu vào lòng đất, tưới tắm cho hàng ngàn hecta cà phê, hồ tiêu, những cánh rừng biên giới dọc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp (Đăk Lăk) mơn mởn một màu xanh, trong tiếng cồng tiếng chiêng, bà con đồng bào dân tộc ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, phấn khởi chào đón hai vị khách đặc biệt đến cùng Ngày hội Đại đoàn kết.
Già làng Y Đhun Hók- người trao hai chiếc áo truyền thống của bản làng cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, xúc động chia sẻ rằng, tấm áo này chính là tình cảm, hơi ấm dạt dào mà bà con nơi đây muốn dành cho những vị khách đặc biệt.
Khoác lên mình tấm áo của đồng bào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn xúc động như đón nhận tình cảm của Tây Nguyên, nhấp một chút rượu cần, bắt nhịp một vòng xoang…Tất cả mang hương vị cao nguyên chân thật và nồng ấm.
Trong căn nhà rông truyền thống của đồng bào, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, muốn đoàn kết thì không thể một cá nhân riêng lẻ mà phải có sự tổ chức, tập hợp bà con, tập hợp quần chúng nhân dân, trên dưới đồng lòng…
“Muốn đoàn kết thì chúng ta phải có Mặt trận, thành lập Mặt trận để tinh thần đại đoàn kết được phát huy, đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Đoàn kết thì mọi việc đều đi đến thắng lợi”- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.