Đầu tư nhà ở vẫn gặp khó về thủ tục
Vướng thủ tục hành chính nên mất rất nhiều thời gian doanh nghiệp mới triển khai được dự án nhà ở thương mại. Đó là thông tin được nêu ra tại hội thảo “Cải thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản hiện nay”.
Hội thảo do Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng Hiệp hội doanh nghiệp bất động sản TP HCM (HoREA) tổ chức ngày 15/9, tại TP HCM nhằm lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Hơn 5 năm làm thủ tục cho dự án
Than phiền về thủ tục hành chính, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Đất Lành khẳng định: “Lãng phí thời gian và lãng phí giá thành trong đầu tư xây dựng rất nhiều”. Ông Nguyễn Văn Đực lấy ví dụ, xin bổ túc đóng tiền sử dụng đất mất hết 23 tháng, vậy thử hỏi những giấy tờ khác sẽ mất bao lâu. Trong khi đó, 1 dự án 200 tỷ thì 1 ngày doanh nghiệp đã phải trả tiền lãi suất hết gần 100 triệu đồng. “Lãng phí thời gian làm thủ tục hành chính cho dự án dẫn đến hệ lụy lớn. Giá thành làm dự án đội lên 10 – 20%. Đây là điều cực kỳ vô lý mà doanh nghiệp và người mua nhà phải gánh chịu”, vị này nói.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cũng cho biết: “Lãng phí xây dựng cực kỳ lớn”. Các dự án nhà ở thương mại thường mất thời gian trên dưới 5 năm mới có sản phẩm đưa ra thị trường. Cụ thể, mất khoảng 3 năm để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng dự án; mất 1 năm để lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư; mất 3 năm nữa để triển khai thực hiện dự án, xây dựng các công trình trong dự án.
Bất cập còn thể hiện ở chỗ, nhiều dự án nhà ở thương mại đã có quyết định công nhận chủ đầu tư, quỹ đất sạch; đã được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; đã được cấp giấy phép xây dựng,… nhưng không được khởi công xây dựng các công trình. Dự án chỉ được khởi công khi có “quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất”.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong ngành, lãnh đạo HoRREA thông tin, thời gian qua dự án nhà ở ra thị trường giảm 80%. Thanh khoản thị trường khá tốt nhưng ách tắc là do thủ tục hành chính kéo dài.
Nhiều luật chồng chéo
Không chỉ mất thời gian về việc thực hiện đúng thủ tục hành chính, doanh nghiệp trong ngành xây dựng và bất động sản còn gặp khó khăn về sự chồng chéo giữa các luật. Luật này cho phép nhưng chiếu theo luật kia lại không đúng. Liên quan đến tình trạng chồng chỗ này, chéo chỗ kia trong các luật, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng nêu ý kiến, chồng chéo giữa các luật gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh. Vừa qua, VCCI thu thập, hệ thống lại, làm rõ những điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật. VCCI đã có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ về 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, có tình trạng dự án đầu tư xây dựng bị kéo dài thời gian thực hiện so với quy định vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Việc chậm chạp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng có nhiều nguyên nhân. Điển hình, chuẩn bị hồ sơ dự án, thực hiện thủ tục hành chính và triển khai đầu tư xây dựng của một số chủ thể chưa tuân thủ quy định pháp luật. Một số chủ đầu tư, tư vấn không chú trọng công tác quản lý chất lượng hồ sơ thiết kế, nhiều hồ sơ không đủ thành phần, nội dung và chất lượng không đạt yêu cầu. Quá trình đầu tư xây dựng được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau và phải thực hiện qua nhiều bước thủ tục khác nhau, chưa có sự kết nối liên thông.
“Một số cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chậm triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông, một số cán bộ, công chức chưa tăng cường trách nhiệm, đạo đức công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính. Đáng chú ý, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đôi khi chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ. Vì vậy mới có chuyện TP HCM muốn đột phá nhưng không thực hiện được” – đại diện Bộ Xây dựng cho biết.