Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 - Đại hội VI: Đại hội đầu tiên được tiến hành từ cơ sở
Đại hội lần thứ VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại hội đầu tiên của khối đại đoàn kết dân tộc trong thế kỷ XXI. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử MTTQ Việt Nam và cũng là lần đầu tiên kể từ ngày Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam ra đời, Đại hội được tiến hành từ cơ sở đến toàn quốc theo một lịch trình chung, có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp.
Quang cảnh Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VI.
Đại hội VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp trong các ngày 22, 23, 24 tháng 9/2004 tại Hà Nội với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tham dự Đại hội có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Dân vận, Mặt trận qua các thời kỳ, các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương. Các đoàn đại biểu quốc tế: Mặt trận Lào xây dựng đất nước; Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc; Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia; Ủy ban Bảo vệ cách mạng Cuba; cùng 879 đại biểu chính thức của Đại hội, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, 54 dân tộc anh em, các tôn giáo, các vị nhân sĩ, trí thức, các thành phần kinh tế và đồng bào đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài.
Đại hội được tiến hành sau 5 năm thi hành Luật MTTQ Việt Nam nhằm nâng cao vai trò MTTQ trong công cuộc đổi mới đất nước, phát huy dân chủ, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đại đoàn kết - một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đại hội có nhiệm vụ xem xét, đánh giá tình hình khối đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận từ Đại hội V tháng 8/1999 đến nay, với tổng kết ba nhiệm kỳ đổi mới công tác Mặt trận, nhằm rút ra những bài học bổ ích. Đồng thời, đề ra chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ VI, thông qua Điều lệ (sửa đổi) và cử UBTƯ MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới với số lượng, thành phần, cơ cấu được mở rộng hơn và thể hiện rõ rệt hơn tính đại diện, tiêu biểu và tính thiết thực.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có bài phát biểu quan trọng với nội dung: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam”, trong đó Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong công cuộc đổi mới hiện nay, để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau. Phải đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của giai cấp, các tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, tập thể và lợi ích xã hội; thực hiện dân chủ gắn liền với kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập, thống nhất Tổ quốc”.
Đánh giá về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ trong những năm qua, Đại hội thống nhất nhận định: Về tình hình khối đại đoàn kết, nhân dân hoan nghênh những cố gắng to lớn của Đảng và chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh dân tộc, tiếp tục đổi mới quản lý, tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời nhiều yêu cầu bức xúc của nhân dân, mở rộng dân chủ, nhất là dân chủ trong hoạt động của các cơ quan dân cử, trong kinh tế và dân chủ cơ sở; thực hiện một bước cải cách hành chính, giảm phiền hà cho dân, đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng, đặc biệt là việc đưa ra xét xử nghiêm minh những vụ án lớn, những kẻ phạm tội theo pháp luật, bất kể họ giữ chức vụ gì và cương vị ra sao ở trong Đảng hay trong cơ quan Nhà nước.
Đánh giá cao những thành tích to lớn đạt được, song các đại biểu tham dự Đại hội cùng rất băn khoăn trước nhiều vấn đề tồn tại đáng quan tâm. Đó là việc nhân dân bất bình trước tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ… chưa được ngăn chặn có hiệu quả; tình trạng “hám danh, hám lợi”, chạy chức, chạy bằng cấp, chạy quyền, chạy tội trong một bộ phận cán bộ, viên chức tuy đã bị xã hội lên án mạnh mẽ nhưng vẫn chưa giảm.
Đại hội khẳng định: Để xảy ra những khuyết điểm, yếu kém trên có trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và ý thức trách nhiệm cao trước nhân dân, MTTQ các cấp cần nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá tình hình để cùng Đảng, Nhà nước đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả rõ rệt trong thời gian tới.
Cũng theo Báo cáo chính trị, năm năm qua, MTTQ Việt Nam đã bám sát nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, ra sức phấn đấu thực hiện chương trình hành động MTTQ Việt Nam do Đại hội V đề ra và đã đạt được những kết quả thiết thực. Trong đó, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã tăng cường củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng, các tổ chức tương đồng, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học nổi tiếng. Đồng thời, thông qua công tác vận động đồng bào ta ở nước ngoài, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nước sở tại đối với chính sách đối ngoại của Nhà nước ta.
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và đổi mới phương thức hoạt động đã được Ủy ban MTTQ các cấp coi trọng như việc mở rộng về tổ chức và hoạt động của các Hội đồng tư vấn, góp phần tham mưu có chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn Chủ tịch. Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư được củng cố và coi trọng; vị trí, vai trò Ban Công tác Mặt trận ngày càng được xác định rõ.
Cùng với việc tham gia với Đảng và Nhà nước giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc kế dân sinh, hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, giúp đỡ hướng dẫn cơ sở tháo gỡ khó khăn, làm cho công tác Mặt trận bớt dần tính hình thức, hoạt động có hiệu quả ngay từ các khu dân cư và cơ sở.
Với tinh thần Dân chủ - Đoàn kết - Trí tuệ và Đổi mới, sau khi thông qua Báo cáo, Đại hội đã cử ra UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VI với tinh thần mở rộng, gồm 320 vị và Đoàn Chủ tịch gồm 52 vị. Đoàn Chủ tịch đã cử Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 8 vị: Đồng chí Phạm Thế Duyệt được hiệp thương cử làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Huỳnh Đảm được hiệp thương cử làm Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Đại hội VI Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương: “Đoàn kết rộng rãi, đoàn kết mọi thành viên trong xã hội có thể đoàn kết được, không phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ở trong nước hay ở nước ngoài, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết chân thành, đoàn kết trên cơ sở mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trên thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành động lực chủ yếu để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó là nhiệm vụ lịch sử nặng nề nhưng rất vẻ vang của MTTQ Việt Nam, của các tổ chức thành viên và của mọi người Việt Nam yêu nước, thương nòi trong giai đoạn mới”.
(Còn nữa)