Công nghiệp ô tô vẫn chỉ dừng ở kỳ vọng

Hồ Hương 16/09/2019 08:00

Trong khi xe ôtô nhập khẩu tiếp tục đổ bộ về Việt Nam thì những kỳ vọng đột phá về nền công nghiệp ô tô nước nhà vẫn được xây dựng một cách bền bỉ.

Nhìn thẳng sự thật

Xe từ các nước thuộc khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia đang tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Sau khi loại bỏ thuế nhập khẩu, mức giá của ôtô đến từ các quốc gia này dao động trong khoảng 300 - 500 triệu đồng/chiếc, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam.

Bên cạnh mức giá “mềm”, người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn với các dòng xe từ các nước này. Chính vì vậy mà tại cuộc họp báo triển lãm về ô tô Việt Nam 2019 vừa diễn ra cuối tuần qua, một thông điệp đã được đưa ra từ các nhà sản xuất kinh doanh ô tô: Kỳ vọng đột phá vào doanh thu cuối năm.

Nhưng đâu chỉ dừng lại từ việc xe nội khối ồ ạt vào Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hứa hẹn sẽ mang lại tín hiệu tốt cho dòng xe hơi cao cấp. Bởi theo thỏa thuận, thuế nhập khẩu đối với ôtô có xuất xứ từ châu Âu sẽ được cắt giảm dần từ mức 70% về 0% trong vòng 10 năm tới. Sự cắt giảm này hứa hẹn kích thích sức mua đối với ôtô hạng sang trong dài hạn.

Một dự báo của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), nhập siêu ngành ôtô năm nay sẽ đạt hơn 3,4 tỷ USD và xu hướng này có thể tiếp diễn trong các năm tới. Và trước lo ngại lượng xe nhập khẩu lấn át, Cục Công nghiệp kiến nghị việc sớm ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án về sản xuất, lắp ráp ôtô của các doanh nghiệp (DN) lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam. Cơ quan này cũng đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với phần giá trị tạo ra trong nước của xe dưới 9 chỗ ngồi trong 5-10 năm.

Rõ ràng nhìn vào bức tranh thị trường ô tô Việt Nam với dòng xe nhập khẩu nhiều trong thời gian qua khiến cho không ít người phải chạnh lòng về nền công nghiệp ô tô nước nhà. Đối với ngành công nghiệp ôtô, Chính phủ đã hỗ trợ tối đa nhưng DN mới chỉ cố gắng vừa phải.

Trong Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đến 2025, tầm nhìn 2035 một mục tiêu được đưa ra là định hướng hình thành một số trọng tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô, tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các DN sản xuất, lắp ráp ôtô, các DN công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa. Song trong tất cả các mục tiêu và chiến lược, DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chiếm ưu thế. Bộ tam tấu mà như báo chí thường gọi bao gồm Thaco, HTC (Huyndai Thành công) đến Vinfast cũng vẫn chưa thể nâng cánh cho giấc mơ ô tô Việt.

Nội địa hóa: Không dễ!

Để tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh thuế suất nội khối ASEAN đã về 0%, các DN Việt Nam phải tập trung cho vấn đề nội địa hóa sản phẩm. Thế nhưng thực tế, nội địa hóa sản phẩm đang ra sao?

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới sản xuất được chủ yếu là sản phẩm phụ tùng, linh kiện ở mức độ đơn giản, với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Do đó, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn rất thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu mong muốn về tỷ lệ nội địa hóa.

Dữ liệu thống kê cho biết, tổng số các DN sản xuất liên quan đến ô tô là khoảng 358 DN, trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Nếu so sánh với 385 DN ở Malaysia và 2.500 DN Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô thì DN ở Việt Nam quá ít. Công nghiệp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng như: các chi tiết kết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt, dây phanh, dây dẫn điện, trục dẫn, vành bánh xe, nhíp lò xo, ống xả, ruột két nước…

Giới chuyên gia cũng như nhiều nhà nghiên cứu trong ngành từng kỳ vọng, nếu có vốn dồn vào ngành ô tô, có thể ngành này sẽ có những bứt phá nhất định, đặc biệt với công nghiệp hỗ trợ, sẽ nâng giúp cạnh tranh.

Thế nhưng, mọi thứ dường như vẫn dừng lại ở sự kỳ vọng.

Hồ Hương