Nỗi niềm nghề giáo
Giáo viên hợp đồng sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức bằng 2 hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển như các ứng viên khác mà không được bất cứ ưu tiên nào.
Đây là một nội dung trong kế hoạch xét tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn năm 2019 do UBND TP Hà Nội vừa ban hành. Theo kế hoạch xét tuyển viên chức, 8 quận, huyện của Hà Nội đã đăng ký tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển. Đó là Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Vì, Mỹ Đức.
Kế hoạch cho biết, nội dung và hình thức xét tuyển thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định 161/2018. Cụ thể, các đơn vị xét tuyển qua 2 vòng: Vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển tại phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu phù hợp thì được tham gia tuyển vòng 2. Vòng 2 sẽ thực hiện phỏng vấn đối với tuyển nhân viên; thực hành thông qua giảng dạy với tuyển giáo viên. Việc thực hiện phỏng vấn, thực hành được thực hiện theo quy chế tổ chức xét tuyển công chức, viên chức, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành kèm theo Thông tư 03/2019 của Bộ Nội vụ.
Thời gian tổ chức dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2019 và hoàn thành vào tháng 11/2019. UBND các quận, huyện trên căn cứ kế hoạch của UBND TP Hà Nội và hướng dẫn của Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch chi tiết và thông báo công khai kế hoạch xét tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, theo thông báo kết luận mới nhất của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, không có ai trong số gần 3.000 giáo viên hợp đồng lâu năm trên địa bàn có đủ điều kiện để xét đặc cách vào viên chức theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018.
Trong khi theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14, Nghị định 161 trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức phải là: “người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”. Song trên thực tế hiện nay hầu hết các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP Hà Nội nếu là công lập thì không có trường nào tự chủ, ít nhất là tự chủ chi thường xuyên.
Như vậy, theo kế hoạch xét tuyển viên chức của UBND TP Hà Nội 2019, giáo viên hợp đồng sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bằng 2 hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển như các ứng viên khác mà không được bất cứ ưu tiên nào. Điều đáng nói là trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định sẽ xét tuyển số giáo viên hợp đồng này nếu đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Có hợp đồng từ 5 năm trở lên, có đủ sức khỏe và có chuyên môn phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.
Khỏi phải nói, khi ấy nghe tin này các giáo viên hợp đồng đã khấp khởi, phấp phỏng trông ngóng như thế nào. Nhưng rồi tất cả đã lại thay đổi. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao Hà Nội bất nhất trong việc thi tuyển hay xét tuyển, để các giáo viên hi vọng rồi lại thất vọng? Rõ ràng là vấn đề chính nằm ở Nghị định 161/2018. Bởi nếu việc tuyển dụng giáo viên căn cứ vào Nghị định này thì ngay từ đầu TP Hà Nội không cần đến mấy tháng để “rà soát” cũng rõ ngay là không giáo viên nào được xét tuyển đặc cách, vì Nghị định 161 chỉ cho phép đặc cách với nhân viên hợp đồng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, mà cả thành phố chỉ có một số ít trường đáp ứng được.
Ghi nhận trước thềm năm học mới cho thấy, hàng trăm giáo viên hợp đồng của các huyện Ba Vì và Sơn Tây đều bị cắt hợp đồng sau ngày 31/8. Còn huyện Phúc Thọ, huyện Thường Tín thì tiếp tục gia hạn cho các giáo viên hợp đồng. Giờ đây có những giáo viên hợp đồng hơn 20 năm ở huyện Sóc Sơn chia sẻ họ quyết định không tham gia tuyển dụng viên chức để đi tìm công việc khác.
Theo phân tích từ các chuyên gia, trên thực tế, đội ngũ giáo viên hợp đồng lâu năm (nói chung) thực sự cần thiết cho sự nghiệp giáo dục. Hình thức thi viên chức (mà họ có thể đạt/có thể không) được coi là để chuẩn hóa lực lượng giáo viên này. Chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình GDPT mới tới đây, yêu cầu “chuẩn” giáo viên cũng được đặt ra cấp bách hơn lúc nào hết, nhưng không có nghĩa thông qua kỳ thi tuyển viên chức, mọi bất cập về chuẩn giáo viên sẽ được giải quyết ngay lập tức.
Về phía những giáo viên hợp đồng, họ sẽ bước chân vào kỳ thi sắp tới với nhiều áp lực. Ngoài kinh nghiệm giảng dạy và thâm niên công tác thì họ lo lắng trước những đối thủ trẻ là những người mới ra trường với kỹ năng sư phạm vừa được trau dồi theo phương pháp hiện đại. Nhưng đáng nói hơn là họ sợ sự thiếu minh bạch trong tuyển dụng. Vì những chuyện như thế đã từng xảy ra ở nơi này, nơi khác.
Thực tế cũng cho thấy, những bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương lâu nay đã gây ra tình trạng sử dụng thì thừa, bỏ đi thì thiếu. Tuy nhiên nếu chuẩn hóa bằng cách “loại” giáo viên hợp đồng lâu năm thông qua kỳ thi tuyển viên chức, âu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và công việc của nhiều người/nhiều gia đình. Vì thế cần sớm tháo gỡ, hài hòa đôi bên. Tránh để tình trạng ngành sư phạm khó mãi cả đầu vào (tuyển sinh) lẫn đầu ra (bố trí công ăn việc làm).