Các sơ sở dầu khí của Arab Saudi bị tấn công: Đe dọa chuỗi cung ứng dầu toàn cầu
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 15/9 đã lên tiếng cáo buộc Iran đứng đằng sau các đòn không kích nhằm vào cơ sở dầu khí của Arab Saudi, gây ảnh hưởng tới nguồn cung ứng dầu thô toàn cầu. Ảnh hưởng từ loạt vụ tấn công này vẫn đang tiếp tục được đánh giá.
Khói bốc lên từ một nhà máy của Aramco sau đòn không kích. Nguồn: Reuters.
Sản lượng giảm một nửa
Các vụ không kích nhằm vào nhiều cơ sở dầu khí của Arab Saudi - một trong những trung tâm năng lượng lớn và quan trọng bậc nhất của thế giới - đã khiến sản lượng dầu của Vương quốc này giảm tới gần một nửa, tương đương 5% nguồn cung dầu mỗi ngày của toàn thế giới.
Nhóm phiến quân Houthi ở Yemen trong hôm thứ Bảy vừa qua đã tuyên bố nhận trách nhiệm các vụ không kích trên, nói rằng 10 máy bay không người lái (drone) của họ đã tấn công các cơ sở dầu khí của Hãng Saudi Aramco ở Abqaiq và Khurais - theo Hãng thông tấn Al-Masirah mà Houthi vận hành.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 15/9, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho hay 5,7 triệu thùng dầu/ngày và sản lượng khí đốt đã chịu ảnh hưởng từ các vụ tấn công. Con số thống kê mới nhất mà OPEC công bố trong tháng 8 vừa qua cho thấy tổng sản lượng dầu của Arab Saudi là 9,8 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng bin Salman cho hay “Công ty trên hiện đang tích cực làm việc để hồi phục sản lượng đã mất” và sẽ cập nhật thông tin trong 2 ngày tới. “Các vụ tấn công này không chỉ nhằm vào các cơ sở quan trọng của Vương quốc, mà còn nhằm vào chuỗi cung ứng dầu toàn cầu và an ninh dầu mỏ, bởi vậy gây ra mối đe dọa tới kinh tế toàn cầu” - ông bin Salman nói.
Bộ Nội vụ Arab Saudi cũng xác nhận rằng các vụ tấn công bằng drone của Houthi đã gây ra nhiều vụ hỏa hoạn tại 2 cơ sở. Trong một tuyên bố đăng tải trên Twitter, Bộ này nói rằng các vụ hỏa hoạn hiện đã được kiểm soát và chính quyền các cấp đang tiếp tục điều tra.
“Abqaiq có lẽ là cơ sở quan trọng nhất xét về cung ứng dầu cho thế giới. Giá dầu chắc chắn sẽ tăng sau đòn tấn công này” - ông Jason Bordoff, Giám đốc Trung tâm Chính sách Năng lượng thuộc ĐH Columbia (Mỹ), nhận định.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai cáo buộc Iran - bên hậu thuẫn Houthi - sau các đòn tấn công. “Iran giờ đã thực hiện một đòn tấn công chưa từng có tiền lệ nhằm vào chuỗi cung ứng năng lượng của thế giới. Không có bằng chứng nào chỉ ra rằng các đòn tấn công này bắt nguồn từ Yemen” - ông Pompeo viết trên Twitter.
Gián đoạn cung ứng
Diễn biến trên xuất hiện trong lúc mà Công ty Saudi Aramco đang chuẩn bị có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được xem là lớn nhất thế giới. Aramco từng nhận được sự quan tâm đặc biệt sau đợt phát hành trái phiếu lần đầu trong tháng 4 năm nay, thu về khoảng 12 tỷ USD. Trong khoảng thời gian 2 tuần qua, Arab Saudi cũng thay thế Bộ trưởng Năng lượng và Chủ tịch Aramco.
Arab Saudi, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã cắt giảm sản lượng dầu thô cùng các loại sản phẩm năng lượng khác như một phần trong nỗ lực tăng giá của OPEC. Arab Saudi là nước cung ứng lượng dầu chiếm xấp xỉ 10% tổng nguồn cung toàn cầu (100 triệu thùng dầu/ngày).
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm thứ Bảy vừa qua nói rằng họ đang theo dõi sát sao tình hình ở Arab Saudi. “Chúng tôi đã liên hệ với chính quyền Arab Saudi cùng các nước sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ lớn khác. Hiện tại, các thị trường vẫn tiếp nhận nguồn cung đầy đủ nhờ vào kho dự trữ dồi dào” - IEA nói trong một tuyên bố đăng tải trên Twitter.
Nếu như tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Arab Saudi kéo dài, “Iran sẽ trở thành một nguồn cung ứng dầu thô tiềm năng” - ông Bordoff nói - “Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ rõ rằng ông sẵn sàng theo đuổi chính sách sức ép cực đại với Iran ngay cả khi giá dầu tăng đột biến. Dường như căng thẳng khu vực do các đòn đáp trả lẫn nhau khiến giá dầu tăng đang trỗi dậy”.
Trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu vừa qua, giá dầu thô đã giảm, với chỉ số giá toàn cầu giảm 0,3% xuống còn 60,22 USD/thùng.