Vì sự trong sạch và trung thực
Dư luận đang quan tâm tới những vụ án xét xử công khai, liên quan tới vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại các địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… Điều đáng nói là danh sách những bị can đưa ra xét xử lại chính là những cán bộ đang trong ngành giáo dục, ngành công an- những người được giao trọng trách làm công tác tại kỳ thi, tham gia chấm thi; hoặc được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự khu vực chấm thi, trực tiếp tham gia giám sát, bảo vệ công tác chấm thi tự luận.
Chính họ là những người nắm rõ hơn ai hết quy chế và những quy định nghiêm ngặt của một kỳ thi quốc gia, nhưng cũng chính họ lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để tiếp tay cho gian lận thi cử.
Tranh minh họa.
Tại sao lại như thế? Theo phân tích từ nhiều chuyên gia, sai phạm này trước hết là trách nhiệm cá nhân, nhưng nguồn gốc sâu xa là công tác cán bộ, lựa chọn con người. PGS, TS Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII) cho rằng, việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên là rất cần thiết, nhưng qua những vụ việc gian lận thi cử xảy ra thời gian qua, có thể thấy nguyên nhân không chỉ do chuyên môn chưa sâu mà đây còn là vấn đề phẩm cách con người. Ngoài ra, vấn nạn gian lận thi cử xảy ra thời gian qua cũng liên quan đến câu chuyện xã hội. Có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, quản lý nhà nước đã suy thoái tư tưởng, suy đồi đạo đức. Họ đã lợi dụng vị trí công tác, danh nghĩa của cơ quan quản lý để kiếm lời cho cá nhân và làm băng hoại đạo đức của xã hội. Sai phạm này mang lại hậu quả rất nghiêm trọng. Nó đã làm mất đi sự công bằng của kỳ thi, làm tổn thương rất lớn đến đội ngũ hơn một triệu nhà giáo chân chính, đến gần một triệu thí sinh đền phòng thi bằng nỗ lực, cố gắng của mình, ảnh hưởng đến tâm hồn rất trong sáng của các em học sinh. Đặc biệt việc này đã làm tổn thương đến niềm tin của xã hội.
Ở một góc độ khác, các nhà giáo/cán bộ quản lý giáo dục bị tra tay vào còng số 8 khiến người ta đau xót đến độ… sốc. Trong khi toàn ngành giáo dục cố gắng vì một kỳ thi quốc gia, lấy kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển ĐH- CĐ, thì một số cán bộ giáo dục đã cố tình làm hỏng kỳ thi- mà trước đó họ hẳn đã nghĩ rằng sẽ không ai biết sự gian lận tinh vi của họ.
Những vi phạm ấy, ngoài phạm trù đạo đức, nó cũng cho thấy rõ hơn bệnh hình thức trong ngành giáo dục tồn tại đã quá lâu.
Đa số các chuyên gia cho rằng, chừng nào bệnh thành tích trong giáo dục còn tồn tại, chừng nào mà giáo dục còn chưa chú trọng dạy học trò làm người, thì những hệ lụy từ giáo dục còn là một câu chuyện dài. Chừng nào mà trong môi trường giáo dục còn tồn tại những hình phạt hà khắc như là giáo viên dùng bạo lực với học sinh; giáo viên bắt các bạn trong lớp tát vào mặt bạn; hay chừng nào mà các trường học còn lạm dụng cái uy của lực lượng “sao đỏ” để chuyên rình rập, bắt lỗi của các bạn học, thậm chí có em còn lợi dụng sự sợ hãi của bạn để mưu cầu lợi ích… thì cái mong muốn “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vẫn chỉ là một khẩu hiệu. Chừng nào mà những bài văn vẫn còn nặng nề về văn mẫu, tả hình dáng mẹ của mấy chục học sinh trong lớp học đều giống hệt như nhau, chung một mô tuýp: Mẹ em cao ráo, có nước da trắng, rất hiền hậu… thì các em vừa không được phát huy sự sáng tạo, lại vừa phải tả không đúng về mẹ của mình, chí ít là từ hình thức bên ngoài…
Trong môi trường giáo dục, việc lặp đi lặp lại những thứ khuôn sáo hàng năm, như giao chỉ tiêu thành tích lên mỗi học sinh/mỗi lớp học và mỗi giáo viên chủ nhiệm… ắt dẫn tới bệnh thành tích trong thi đua/thi cử. Đỉnh điểm là vụ việc gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018, khiến cho người ta nghi ngờ với cả những kỳ thi trước đó. Hay nói chính xác hơn là ít nhiều họ đã bị mất niềm tin vào sự khách quan trong quá trình coi thi/ chấm thi/tổ chức thi cử bấy lâu.
Năm học 2019- 2020, ngành giáo dục hướng tới mục tiêu giảm bệnh thành tích, chú trọng dạy người. Trong hành trình đổi mới giáo dục hôm nay, phạm trù “lễ” vẫn được coi trọng trong ứng xử của các mối quan hệ xã hội. Thông điệp “Tiên học lễ, hậu học văn” được truyền ngôn từ thế hệ này qua thế hệ khác vẫn là trụ cột giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Vì thế việc làm trong sạch môi trường giáo dục, trước hết cần bắt đầu từ việc dạy học sinh biết làm người, tôn trọng sự trung thực. Sự mẫu mực thì không bao giờ lỗi thời, thậm chí nó càng quan trọng khi mỗi học sinh trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Bằng không, nếu như người ta cố gắng đem đến một cuộc sống tốt hơn cho trẻ nhỏ về mặt vật chất, thỏa mãn những đòi hỏi của trẻ, nhưng lại cho chúng nhìn thấy sự gian dối về điểm số - do người lớn tạo ra giúp chúng, thì dù thành tích học tập có cao thế nào đi chăng nữa, vẫn thật khó để nói về tương lai của những đứa trẻ ấy. Nhìn rộng ra là thật khó lường trước được tương lai của cả một thế hệ trưởng thành từ căn bệnh thành tích.