Bảo đảm công khai, minh bạch trong lĩnh vực đầu tư

H.Vũ 17/09/2019 07:30

Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, trong đó 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Thông qua đó, huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.

Bên cạnh các kết quả đạt được, theo ông Dũng, thực tiễn cho thấy việc triển khai còn một số tồn tại, bất cập. Tính đến thời điểm hiện nay, các dự án BOT giao thông đang trong quá trình thực hiện hợp đồng đã xong giai đoạn xây dựng, đang vận hành, kinh doanh đều được triển khai theo quy định tại Nghị định 108/2009/NĐ-CP. Thông qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án này cho thấy hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án; công tác công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai; công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo; bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí;… “Do đó việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP là cần thiết trong bối cảnh hiện nay” - ông Dũng cho hay.

Thẩm tra Dự án luật trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, Dự án luật này sẽ là văn bản pháp lý thống nhất, điều chỉnh các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư PPP. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định phạm vi điều chỉnh của Dự án luật một cách rõ ràng hơn về không gian áp dụng luật.

Tại sao BOT chỉ thu hút trong lĩnh vực giao thông?

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn khi chính sách kinh tế phải đủ rõ, minh bạch, công khai; thế nhưng trong luật vẫn còn 12 điều giao cho Chính phủ hướng dẫn trong khi đây đều là những điều luật quan trọng. Do đó, ông Giàu đề nghị phải quy định ngay trong luật để đảm bảo tính công khai minh bạch. Bên cạnh đó, dù Dự thảo luật đã được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương nhưng thiếu việc lấy ý kiến của các hiệp hội, cá nhân trong khi đây là vấn đề vô cùng quan trọng.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: Trong thời gian thực hiện các dự án PPP đến nay hạn chế nào là lớn nhất? Cách nào để khắc phục được các hạn chế? “Ví dụ tại sao trong các dự án BOT chúng ta lại chỉ thu hút được vấn đề giao thông còn không thấy các lĩnh vực khác, vậy có bất cập gì? Tại sao cùng chung cơ chế ấy nhưng chỉ thu hút được các dự án giao thông. Nghị quyết của Đảng đã nói tất cả các chính sách, quy định phải phù hợp với thông lệ quốc tế,…” - bà Nga nêu vấn đề.

Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Luật phải đấu thầu cạnh tranh, đảm bảo tính minh bạch.

H.Vũ