Hàng xuất khẩu đối diện rào cản phi thuế quan
Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã và đang phải chịu những rào cản phi thuế quan khi xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là khi xuất khẩu sang Mỹ. Theo các chuyên gia kinh tế, rào cản phi thuế quan là các rào cản ngoài thuế làm ảnh hưởng đến lưu chuyển hàng hóa quốc tế được các nước dựng lên nhằm duy trì và bảo hộ sản xuất cũng như người tiêu dùng nội địa.
Thép là một trong những mặt hàng gặp nhiều rào cản khi sang Mỹ.
Nhiều sản phẩm xuất khẩu gặp khó
Số liệu của Bộ Công thương cho biết, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2019 ước tính đạt 24,50 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 tăng 4,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 0,9%.
Đặc biệt, 8 tháng năm 2019, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư.
Có thể thấy, nền kinh tế mở cửa tạo ra cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của các DN Việt Nam rất lớn. Không chỉ các dòng thuế được đưa về 0% (Việt Nam tham gia ký kết các FTA) mà nhiều lợi thế khác đến từ các nước nhập khẩu cũng dành cho các DN Việt Nam nhiều thời cơ xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, hàng rào thuế quan được hạ xuống thì hàng loạt các rào cản khác lại được dựng lên, đòi hỏi các DN Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ càng để có thể vượt qua những rào cản đó. Cụ thể, rào cản thuế quan bao gồm nhiều loại khác nhau như các biện pháp cấm, hạn ngạch về số lượng, giá trị được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; các biện pháp vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động vật… Đó là những yêu cầu mà nhiều sản phẩm sản xuất trong nước do sản xuất không theo chuỗi, còn manh mún nhỏ lẻ nên chưa thể đáp ứng được hết những quy định khắt khe từ phía nhà nhập khẩu. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, có 9 biện pháp phi thuế quan chính được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Trong đó, tỷ lệ các nước sử dụng biện pháp kiểm dịch động thực vật là 37,5%; rào cản kỹ thuật đối với thương mại là 37,5%; kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển và các thủ tục khác là 1,3%; các biện pháp cấp phép không tự động, cấm hạn ngạch là 2,4%...
Một trong những mặt hàng gặp phải nhiều rào cản nhất khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải kể đến mặt hàng thép. Tháng 7 vừa qua, mặt hàng thép đã phải chịu mức thuế lên đến 456,23% giá trị sản phẩm đối với sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội. Mỹ đã khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018 khi thấy sản lượng thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng vọt, lần lượt đạt 331,95% và 916,4% so với năm trước.
Không chỉ thép, gỗ và các sản phẩm nông lâm thủy sản – những mặt hàng xuất khẩu nhiều sang thị trường này cũng chịu những áp lực lớn liên quan đến rào cản phi thuế quan. Thời gian qua, việc nhiều DN gỗ có động thái nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc, thay đổi nhãn mác, bao bì và đóng gói xuất khẩu khiến cho các sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguy cơ bị Mỹ áp biện pháp điều tra gian lận thương mại… Theo giới luật gia, nếu doanh nghiệp xuất khẩu bị kết luận là có lẩn tránh thuế sẽ phải chịu toàn bộ số thuế đang bị đánh ở quốc gia đang lẩn tránh, gây thiệt hại rất lớn cho tất cả các DN xuất khẩu.
Ứng phó cách nào?
Để việc xuất khẩu của cộng đồng DN Việt được “xuôi chèo mát mái”, tránh được rào cản phi thuế quan do các nước nhập khẩu dựng lên, Bộ Công Thương khuyến cáo, các DN cần tìm hiểu thông tin về các biện pháp phi thuế quan áp dụng tại thị trường xuất khẩu, nhất là tại các thị trường vừa thay đổi về chính sách thương mại, từ đó tính toán chi phí, lợi ích trong hoạt động thương mại. Đồng thời, các DN cần phối hợp với các bên liên quan như Hiệp hội DN, các địa phương để đề xuất các giải pháp chính sách tạo thuận lợi thương mại cũng như giảm chi phí. Các cơ quan hoạch định chính sách cần nghiên cứu, định lượng về tác động của các biện pháp phi thuế quan tại Việt Nam từ đó giảm chi phí, gánh nặng cho DN xuất khẩu, từ đó góp phần bảo vệ DN, hàng hóa và người tiêu dùng trong nước…
Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, một thị trường khó tính nhưng lại giàu tiềm năng nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Amcham tại TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo, các DN Việt Nam cần nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ... tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng các cam kết quốc tế về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Không tiếp tay cho hàng hóa từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sang Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu đi nước thứ ba.