Bình phong: Sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và phong thủy
Người Huế từ xưa vốn nổi tiếng với nghệ thuật kiến trúc cảnh quan mang đậm dấu ấn phong thủy. Và, trong tổng thế kiến trúc truyền thống Huế thì bình phong là yếu tố phong thủy không thể tách rời trong đời sống văn hóa của xứ kinh kỳ này.
Bức bình phong Long mã tại trường Quốc Học Huế.
Yếu tố phong thủy
Từ những ngày đầu định đô của các chúa Nguyễn, trong tổng thể kiến trúc truyền thống cảnh quan của xứ Huế, bình phong luôn mang trong mình nhiều ý nghĩa về mặt phong thủy. Qua thời gian, bình phong xứ Huế đã trở thành một nét đẹp trong kiến trúc truyền thống và đời sống văn hóa của người dân xứ Thần Kinh.
Nếu tinh ý và có chút am hiểu về phong thủy, nhiều người sẽ nhận ra ở xứ Huế, núi Ngự Bình là bức bình phong để che chắn, bảo vệ cho kinh thành Huế xưa. Điều này cũng lý giải vì sao, thời các chúa Nguyễn cho đến vua Gia Long về sau đều chọn vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân làm kinh đô dựng nghiệp đế vương.
Trong bài viết “Câu chuyện về một bức bình phong”, TS. Phan Thanh Hải lý giải: Ở Huế bình phong là biểu trưng của phong thủy, là lá chắn để đảm bảo cho sự bình yên của một gia đình, một ngôi nhà, một vùng đất, thậm chí, cả một kinh đô. Theo sử liệu triều Nguyễn và cả những huyền thoại trong dân gian, ngót 325 năm trước, sau khi phát hiện ra vị thế phong thủy đặc biệt của ngọn Mạc Sơn, chúa Nguyễn Phước Thái đã cho dời cả thủ phủ của Đàng Trong từ vùng Kim Long về đất làng Phú Xuân, từ đó (năm 1687), Mạc Sơn trở thành bức bình phong phân chia cân đối và vững chãi thủ phủ Phú Xuân, rồi sau đó là kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn. Ngay cả khi quy hoạch lại kinh đô của nước Việt Nam thống nhất đầu triều Nguyễn, vua Gia Long vẫn lấy ngọn núi trên làm tiền án cho cả kinh thành, rồi đổi tên Mạc Sơn thành Ngự Bình Sơn. Tên gọi núi Ngự Bình cũng bắt đầu từ đó… Có thể thấy, trong kiến trúc cung đình xưa, vấn đề phong thủy luôn luôn được chủ nhân của các công trình kiến trúc coi trọng, trong đó bình phong là yếu tố không thể tách rời trong đời sống văn hóa của người dân cố đô.
Sở dĩ, từ vua quan triều Nguyễn cho đến tầng lớp thường dân coi trọng việc tạo dựng một bức bình phong án ngữ trước những công trình quan trọng bởi lẽ, theo nhiều nhà nghiên cứu về phong thủy, bình phong xuất phát từ các yếu tố “triều”, “án” - chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của cuộc đất, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Bên cạnh bình phong, nhiều gia đình còn xây dựng hòn non bộ tạo nên sự kết hợp giữa nước (thủy) và đá (thạch), có chức năng để cản bớt hỏa khí, “tụ thủy, tích phúc” cho gia chủ. Về sau bình phong, non bộ mới kiêm thêm chức năng trang trí mỹ thuật và dần dần trở thành yếu tố không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống của người dân cố đô Huế. Chính những yếu tố mang đậm tính phong thủy, nên triều và án luôn luôn được coi trọng từ thời chúa Nguyễn đến các vị vua nhà Nguyễn sau này khi xây dựng cung điện, lăng tẩm… Tuy nhiên, đối với nhà dân thì việc tìm được án là điều rất khó khăn, và nếu như không tìm được án, người ta sẽ tự tạo cho mình bằng cách xây thêm hòn non bộ, trồng hàng cây chè tàu hay dâm bụt… từ đó tạo nên nét truyền thống xây bức bình phong án ngữ trong nhà ở Huế.
Do đó, khi xây dựng bức bình phong án ngữ trong nhà, người Huế thường đặt ở trước cổng ngõ hoặc trước mặt tiền với ý nghĩa tạo sự ấm cúng, an toàn, ngăn chặn các loại uế khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập vào nhà gây ra những điều bất lợi, tai ương cho gia chủ.
Theo nhiều chuyên gia về phong thủy, bình phong giúp giảm bớt tính vượng của Hỏa khí. Theo thuyết Ngũ hành trong nhà ở, phía trước các công trình thuộc Hỏa (thuộc phía Nam), bên phải thuộc Kim (phía Tây), tượng trưng cho chủ nhà; bên trái thuộc Mộc (phía Đông) biểu tượng cho vợ và tiền tài, phía sau thuộc Thủy (phía Bắc) tượng trưng cho con cháu, còn trung tâm thuộc Thổ. Với ý nghĩa đó, việc xây dựng bình phong cho ngôi nhà của mình đã lan tỏa từ tầng lớp vua quan, hoàng thân quốc thích cho đến thường dân. Dù giàu hay nghèo, trong khuôn viên nhà của người Huế thường có cho mình một bức bình phong án ngữ ngay trước mặt tiền của ngôi nhà. Tùy theo điều kiện, sở thích mà gia chủ có thể xây dựng những bức bình phong từ những chất liệu khác nhau như gỗ, gạch,cây bông cẩn, chè tàu... nhưng phổ biến nhất vẫn là những bức bình phong xây bằng gạch đá được trang trí, chạm khắc công phu. Phía sau bức bình phong sẽ được đắp thêm hòn non bộ và bể cạn – yếu tố minh đường trong phong thủy làm nên một vũ trụ thu nhỏ theo quan niệm hướng nội.
Và có lẽ, không nơi nào ở Việt Nam vẫn còn giữ được nhiều kiểu bình phong như ở Huế, từ cung đình, phủ đệ, am miếu, đình chùa, nhà thờ họ, nhà ở thường dân đến trường học... Điều này cũng dễ lý giải bởi Huế là kinh đô cuối cùng của một triều đại phong kiến ở Việt Nam. Bình phong là hiện thân của kiến trúc mang đậm tính dân gian, là yếu tố không thể tách rời trong nhiều công trình kiến trúc gắn liền với những yếu tố tâm linh.
Đỉnh cao nghệ thuật khảm sành sứ
Không đơn giản chỉ dựng lên một bức bình phong đơn thuần được xây bằng gạch đá hay những hàng cây chè tàu… với mục đích phong thủy, những bức bình phong ở Huế được chủ nhân của nó tạo tác thành những tác phẩm nghệ thuật, với nhiều đường nét, họa tiết độc đáo và giàu hình ảnh biểu trưng gắn kết như hình chữ Phúc – Lộc – Thọ - Hỷ hay Long – Lân – Quy – Phụng, bên cạnh những họa tiết như hoa lá giàu hình ảnh đi kèm được lồng ghép rất hài hòa và tuyệt mỹ. Hình ảnh được dễ bắt gặp nhất trên những bức bình phong chính là hình tượng con Long Mã. Người xưa tin rằng “Long Mã” là hóa thân của Kỳ Lân, một trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), là linh vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường tồn. Chính vì vậy mà hình ảnh “Long Mã” thường được gia chủ lựa chọn rất nhiều để trang trí cho tấm bình phong của nhà mình, vừa để trang trí, vừa có công dụng phong thủy.
Bức “Long Mã” nổi tiếng và dễ dàng bắt gặp nhất khi đến Huế có lẽ là bức bình phong trước Trường Quốc học Huế với hình tượng Long Mã trong tư thế tung vó cưỡi mây vẫn ngoái đầu nhìn lại. Được xây dựng từ thời vua Thành Thái (1896), tọa lạc ở địa thế đẹp, hướng mình ra sông Hương, bức bình phong mang ý nghĩa đem lại sự thịnh vượng cho ngôi trường vốn là cái nôi đào tạo ra những bậc nhân tài kiệt xuất.
Bên cạnh yếu tố phong thủy, bình phong còn là nơi thể hiện những gì tinh túy nhất của nghệ thuật khảm sành sứ ở xứ Huế . Tại đây, những mảnh gốm sứ, mảnh chai được những người thợ lành nghề cắt tỉa tỉ mỉ theo hình dáng đã được định hình từ trước, sau đó được gắn khảm rất tinh tế và sắc sảo. Hiện nay, ở lăng Tự Đức, tại các ngôi nhà xưa ở Kim Long hay những nhà thờ họ vẫn còn lưu giữ được nhiều bức bình phong khảm sành sứ được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam, tiêu biểu là chiếc bình phong phía sau Ích Khiêm Các - thuộc Khiêm Cung - còn khá nguyên vẹn.
Qua thời gian, cùng với nhịp sống hối hả thường nhật, những bức bình phong ở xứ Thần Kinh đã có nhiều biến đổi cả về hình dáng, vật liệu cũng như về kích thước, màu sắc so với “buổi đầu sơ khai” của nó. Việc cải tạo xây dựng những ngôi nhà khang trang, hiện đại nhưng không thể hiện sự hài hòa trong tổng thể kiến trúc của công trình, bên cạnh sự “biến mất” của những ngôi cổ xưa đã ít nhiều làm giảm đi số lượng cũng như giá trị mỹ thuật của những tấm bình phong từng là minh chứng cho những giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời của vùng đất vốn là kinh đô của đất nước, của một thời vàng son với nhiều nốt thăng trầm thời cuộc…