Nhiệm kỳ mới, sức sống mới
“Đoàn kết trong Mặt trận là đoàn kết lâu dài, đoàn kết chân thành, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, đấu tranh chống những nhận thức sai trái, lệch lạc, thái độ định kiến, hẹp hòi, đồng thời chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết vô nguyên tắc; lấy lực lượng tiên tiến để lôi cuốn, thuyết phục bộ phận chậm tiến là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng cường sự đoàn kết trong Mặt trận”. Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu về dự Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 10, khoá VIII. (Ảnh: Quang Vinh).
Đại hội sẽ khai mạc vào ngày 19/9/2019 với sự tham dự của 999 đại biểu chính thức.
89 năm trước, vào ngày 18/11/1930, Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - ra đời do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng và lãnh đạo, đánh dấu sự phát triển về chất phong trào đoàn kết yêu nước của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống thực dân đô hộ và bè lũ tay sai.
Kế tục sự nghiệp cách mạng của Hội Phản đế Đồng minh và của Mặt trận Dân chủ Đông dương, Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh) ra đời và đã tập hợp các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước, các tổ chức cứu quốc, đoàn kết, động viên toàn dân vùng lên giành chính quyền, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau khi lực lượng Việt Minh xây dựng Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Hội Liên Việt, Đảng Lao động Việt Nam ra công khai, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt được hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt, nhân dân và quân đội đã đoàn kết làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thu truyền thống đó, huy động toàn dân tiến hành xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lãnh đạo.
Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam, nhân dân và quân đội ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận trong cả nước: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam với tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay đã qua 43 năm với 8 kỳ Đại hội.
Trải qua mỗi kỳ Đại hội, với những chiến lược, nhiệm vụ và đổi mới trong hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện sự lớn mạnh và phát huy tốt vai trò là cầu nối, khơi gợi và quy tụ dân tộc thành một khối thống nhất.
43 năm, 8 nhiệm kỳ đã làm nên những dấu ấn trong lịch sử 89 năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong tiến trình đó, Mặt trận có sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc và trong các mục tiêu chung của dân tộc, trong những phong trào thi đua yêu nước. Cũng trong chặng đường 89 năm qua, Mặt trận cho phép không chỉ những cá nhân tiêu biểu, trí thức có điều kiện được nói lên tiếng nói của mình mà là một nơi mà bất cứ người dân nào, với lòng yêu nước, cũng có điều kiện để tạo nên tiếng nói.
Nhiệm kỳ thứ IX, giai đoạn 2019-2024 được xem là một nhiệm kỳ mới - một giai đoạn mới của người làm công tác Mặt trận đầy tự hào nhưng cũng vô cùng thách thức.
Sự đóng góp không nhỏ của những người làm Mặt trận được thể hiện trong những ngày tham dự Đại hội MTTQ tỉnh Bắc Ninh. Thật tự hào bởi sau 30 năm đổi mới, ở vùng đất này, trong nhiều thành tựu to lớn mà Bắc Ninh đã đạt được sau hơn 20 năm tái lập tỉnh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Lợi, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh rất trăn trở với câu chuyện đổi mới. Ông cho rằng, công tác Mặt trận đang bước tới thời hội nhập với nhiều nhiệm vụ nặng nề, vì thế mỗi người làm Mặt trận luôn phải nỗ lực vượt lên chính mình, phải tự đổi mới bắt kịp với tinh thần thời đại. Nếu không sẽ trở thành cũ kỹ, lạc hậu và không đạt hiệu quả như chính vai trò và vị thế cần có.
Những năm gần đây, giám sát, phản biện là một nhiệm vụ còn mới mẻ đối với công tác Mặt trận, chưa kể, việc thực hiện giám sát, phản biện lại có thể “đụng chạm” tới một số cơ quan, ban ngành. Và Hà Nội được xem là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Dù vậy, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội vẫn luôn trăn trở khi cho rằng, mức độ khó khăn trong hoạt động giám sát và phản biện giảm dần từ thành phố đến cơ sở cho nên trong thời gian tới, Hà Nội phải tập trung để nâng cao chất lượng hoạt động cấp cơ sở.
Nhìn lại quá trình tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp để thấy, chỉ riêng việc tổ chức thành công đại hội ở mỗi tỉnh, thành là thêm một lần bồi đắp cho mái nhà chung Mặt trận thêm rộng mở.
Hiện ở cấp xã có 4.514/11.158 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy (40,45%); 5.851/11.158 Chủ tịch là Đảng ủy viên (52,43%); 793/11.158 Chủ tịch là đảng viên trong diện quy hoạch Ban Chấp hành và Thường vụ Đảng ủy (5,32%). Đối với cấp huyện có 608/712 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy (85,39%): 100/712 Chủ tịch là Ủy viên Ban Chấp hành (14,04%), trong đó có 413/712 Chủ tịch là Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ (58%).
Ở cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 47 vị; Chủ tịch là Ủy viên Ban Chấp hành là 16 vị; Chủ tịch đồng thời là Trưởng Ban Dân vận có 21 vị (33,3%).
Đến nay ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố, có Bí thư hoặc Phó Bí thư tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh. Có 3 tỉnh, thành phố có Bí thư Tỉnh ủy tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam. Có 5 tỉnh, thành phố cơ cấu Phó Bí thư Tỉnh ủy là Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh.
Chỉ còn vài ngày nữa, Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX - một sự kiện chính trị trọng đại của Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ diễn ra. Niềm tin và kỳ vọng về một nhiệm kỳ mới đang đặt ra cho người Mặt trận những thách thức mới trong tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để mái nhà chung Mặt trận sau 89 năm lại có thêm những luồng sinh khí mới, sức sống mới.
Muốn thế, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận như mong mỏi của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn là tiếp tục mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở đó, đoàn kết trong Mặt trận là đoàn kết lâu dài, đoàn kết chân thành, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; đấu tranh chống những nhận thức sai trái, lệch lạc, thái độ định kiến, hẹp hòi; đồng thời chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết vô nguyên tắc; lấy lực lượng tiên tiến để lôi cuốn, thuyết phục bộ phận chậm tiến là một trong những biện pháp hữu hiệu để tăng cường sự đoàn kết trong Mặt trận.
Bài học đoàn kết luôn được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đến, vì thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc.
“Muốn đoàn kết thì không thể một cá nhân riêng lẻ mà phải có sự tổ chức, tập hợp bà con, tập hợp quần chúng nhân dân, trên dưới đồng lòng. Cho nên muốn đoàn kết, phải có Mặt trận. Đoàn kết thì mọi việc đều đi đến thắng lợi” -Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Bài học đoàn kết chưa bao giờ là cũ nhưng để tạo được sức sống mới cho nhiệm kỳ mới, đòi hỏi mỗi một cán bộ Mặt trận phải tiếp tục hoàn thiện bản thân theo kịp thời đại, trang bị bản lĩnh vững vàng để không chùn bước trước những gian khó.