Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết toàn dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu và vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc ta, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hồ Chí Minh là kiến trúc sư và linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc. Người cùng Đảng Cộng sản Việt Nam dày công vun đắp cho khối đại đoàn kết dân tộc, không ngừng nở hoa kết trái và trở thành một nhân tố quyết định thành công của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế tục sự nghiệp của Mặt trận Liên Việt, ngày 5-9-1955, tại Hà Nội. (Ảnh tư liệu: TTXVN).
Chân lý mà Người tổng kết:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,
Thành công, thành công, đại thành công”
...Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, đất nước ta bước vào thời kỳ mới với đặc điểm nổi bật là: từ chiến tranh chuyển sang hòa bình; từ tình trạng đất nước tạm thời bị chia cắt sang cả nước độc lập, thống nhất; từ hai miền thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng chuyển sang cả nước cùng thực hiện một nhiệm vụ chung là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” được thay bằng “Tất cả cho sản xuất; tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội; tất cả vì Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân” nhằm thực hiện bằng được ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong “Di chúc” là: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 24 (khóa III) tháng 9/1975 không chỉ đề ra chủ trương, đường lối mà còn đề ra những biện pháp nhằm tăng cường đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thống nhất nước nhà về mọi mặt cũng như thống nhất các tổ chức Mặt trận và các đoàn thể thành viên của Mặt trận.
Nhằm triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định hướng dẫn thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận trong cả nước.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 2-5/6/1976, Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quyết định thống nhất tổ chức Đoàn trong toàn quốc và mang tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
Từ ngày 6 - 8/6/1976, Hội nghị thống nhất công đoàn hai miền tiến hành tại thành phố Hồ Chí Minh và quyết định lấy tên là Tổng Công đoàn Việt Nam.
Từ ngày 10 – 12/6/1976, Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc được tiến hành tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của hai miền được tổ chức trọng thể từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đại hội khẳng định: “Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, Mặt trận Dân tộc Thống nhất cần có bước phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới”. Đại hội thông qua Chương trình chính trị với nội dung: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên cơ sở liên minh công nông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các chính đảng, các đoàn thể cách mạng, các giai cấp tiến bộ, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, đồng bào các tôn giáo, các nhân sĩ, các lực lượng yêu nước tán thành chủ nghĩa xã hội ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài để cùng nhau phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Trước hết, cần tăng cường đoàn kết thực hiện thắng lợi 8 chương trình chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. (1)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra trong các ngày 17 và 18/8/1994 tại thủ đô Hà Nội không chỉ đánh giá hoạt động của Mặt trận trong nhiệm kỳ III mà tổng kết hoạt động của Mặt trận sau 17 năm thống nhất các tổ chức Mặt trận, 25 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bàn những biện pháp thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản đề ra.
Về đại đoàn kết trong tình hình mới và nhiệm vụ công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại hội nhận định: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Nhiệm vụ trước mắt của chặng đường đầu tiên là “đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế, xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh hơn vào đầu thế kỷ XXI” (2)
Để thực hiện được nhiệm vụ trọng đại đó, nhân dân ta phải tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi thử thách và hơn lúc nào hết, phải tăng cường đoàn kết, phát huy mọi tiềm năng vật chất và trí tuệ của cộng đồng dân tộc, kết hợp sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại, thực hiện đại đoàn kết ở tầm cao mới, chiều sâu mới, tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Đại hội quyết định nhiệm vụ chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ trên thế giới”.
Đại hội khẳng định: Trước vận hội mới của đất nước, Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “Đại hội đoàn kết, tập hợp mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đem hết tinh thần và nghị lực tiến hành công cuộc đổ mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho Tổ quốc phồn vinh, xã hội công bằng, văn minh, mọi người sống tự do hạnh phúc, đưa nước ta hội nhập trào lưu tiến hóa chung của thời đại” (3)
Đại hội trịnh trọng công bố trước đồng bào cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài Chương trình 12 điểm về đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Lời kêu gọi của Đại hội nêu rõ: “Đất nước Việt Nam được xây dựng và phát triển hàng nghìn năm là của chung mọi người Việt Nam. Nhân dân là người làm chủ đất nước. Sức mạnh không gì lay chuyển nổi của dân tộc là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Ý chí của nhân dân là mệnh lệnh cao nhất. Tiếng nói quyết định là tiếng nói của nhân dân.
Trước mắt chúng ta là một thời kỳ mới với những triển vọng đầy hứa hẹn, song cũng có nhiều thử thách. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng về tương lai, đoàn kết phấn đấu vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
Năm mươi năm qua, thực hiện các chương trình Mặt trận về đại đoàn kết dân tộc do các Đại hội đề ra theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực, chủ động mở rộng tổ chức bằng nhiều hình thức thích hợp; số thành viên tổ chức và thành viên cá nhân không ngừng tăng lên; số lượng quần chúng nhân dân tham gia vào các tổ chức xã hội, các phong trào ngày càng nhiều. Số đoàn viên, hội viên được đào tạo, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, nhiệt huyết cách mạng, nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn ngày càng đông đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với việc tập hợp lực lượng bằng tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chú trọng mở rộng mặt trận đoàn kết thông qua các phong trào, các cuộc vận động lớn. Các phong trào, các cuộc vận động do nhiều tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc chủ trì đã tăng nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô và phong phú về nội dung.
Đặc biệt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư” sau đổi thành “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động là những cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn quốc nhằm phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy mọi tiềm năng và sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập thể của cả cộng đồng thành sức mạnh to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân dịp kỷ niệm nửa thế kỷ thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng, lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, hòa hợp thành một khối thống nhất vì lợi ích của đất nước và dân tộc, cùng nhau ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm thất bại mọi mưu toan của bất cứ thế lực nào cản trở bước tiến lên của dân tộc ta” (4), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nguyện không ngừng phấn đấu “đưa đại đoàn kết dân tộc lên tầm cao mới và chiều sâu mới”, góp phần phát huy mạnh mẽ nội lực của đất nước, đoàn kết, hội nhập và tranh thủ hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế để thực hiện cho bằng sự nghiệp “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như Bác Hồ đã căn dặn.
________________________________
(1) Lời mở đầu Chương trình chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đại hội lần thứ I thông qua
(2) Trích Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
(3) Trích tuyên bố của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
(4) Trích phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam