Mặt trận qua 8 kỳ Đại hội

Ái Châu (tổng hợp) 18/09/2019 07:00

Sau ngày đất nước thống nhất, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận trong cả nước là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam với tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay đã qua 43 năm với 8 kỳ Đại hội.

Trải qua mỗi kỳ Đại hội, với những chiến lược, nhiệm vụ và đổi mới trong hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện sự lớn mạnh và phát huy tốt vai trò là cầu nối khơi gợi và quy tụ dân tộc thành một khối thống nhất.

Đại hội I: Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận

Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận cả nước được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống nhất TP Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977. Sau gần nửa thế kỷ từ khi Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đây là lần thứ hai tổ chức Đại hội toàn quốc, nhưng là lần có đông đủ nhất đại biểu của cả nước, thực sự là hội tụ của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, đầy hy sinh gian khổ suốt mấy chục năm của đồng bào, chiến sĩ của cả nước. Nhiều tham luận tại Đại hội đã nêu rõ: Đây là Đại hội Diên Hồng ở thời đại Hồ Chí Minh. Đại hội nhất trí cử 191 vị vào UBTƯ MTTQ Việt Nam, suy tôn Chủ tịch Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gồm 44 vị do ông Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch.

Đại hội II: Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân

Nếu như Đại hội lần thứ nhất (1977) là Đại hội thống nhất 3 tổ chức Mặt trận ở hai miền thành một tổ chức Mặt trận duy nhất, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam nhằm đoàn kết, động viên nhân dân cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Đại hội lần thứ hai trên cơ sở kiểm điểm các hoạt động của Mặt trận trong 6 năm qua và quán triệt tinh thần Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đề ra nhiệm vụ của Mặt trận trong 5 năm tới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tổ chức, cải tiến phương thức hoạt động để “Mặt trận thực sự là người đại diện chung cho quyền làm chủ tập thể của nhân dân, là sợi dây nối liền Đảng với quần chúng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước xã hội chủ nghĩa” như Chỉ thị đã đề ra, để MTTQ Việt Nam vừa mang tính tiêu biểu, vừa thể hiện tính thiết thực.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II MTTQ Việt Nam được tiến hành trong các ngày từ 12 đến 14/5/1983 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã hiệp thương cử ra Ủy ban Trung ương gồm 184 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị. Đại hội đã nhất trí suy tôn đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch danh dự, cử kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Tiến được tái cử Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

Đại hội III, Đại hội IV: Đoàn kết và đổi mới

Đại hội lần thứ III MTTQ Việt Nam diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4/11/1988 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 586 đại biểu chính thức, 120 khách mời và 14 đoàn dự đại biểu các tổ chức, phong trào Mặt trận các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế. Đại hội đã cử ra Ủy ban Trung ương gồm 212 vị, Đoàn Chủ tịch 30 vị và Ban Thư ký gồm 6 vị, Chủ tịch Hoàng Quốc Việt được suy tôn làm Chủ tịch danh dự, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV MTTQ Việt Nam được tiến hành trọng thể vào 2 ngày 17 và 18/8/1994 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 621 đại biểu chính thức và 125 đại biểu khách mời, so với 3 kỳ Đại hội trước, Đại hội lần này có thành phần tham gia rộng rãi nhất. Đại hội đã cử ra UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IV gồm 206 vị với thành phần rộng hơn, bao gồm những người vừa tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, vừa có khả năng đảm đương trọng trách nặng nề mà Đại hội giao phó, vừa thể hiện tính liên tục và tính kế thừa và phát triển của Mặt trận.

UBTƯ MTTQ Việt Nam đã cử ra Đoàn Chủ tịch gồm 40 vị, do đồng chí Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch. Đại hội suy tôn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch danh dự.

Đại hội V: Phát huy tinh thần yêu nước

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V MTTQ Việt Nam (nhiệm kỳ 1999 - 2004), họp từ ngày 26 đến ngày 28/8/1999 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 621 đại biểu chính thức và 138 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế. Đại hội đã hiệp thương cử ra UBTƯ MTTQ Việt Nam gồm 253 vị, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân, có khả năng đảm nhiệm những trọng trách mà Đại hội và nhân dân giao phó, thể hiện tính liên tục, tính kế thừa và từng bước đổi mới. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã cử Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị và hiệp thương cử Ban Thường trực gồm 9 vị, trong đó, đồng chí Phạm Thế Duyệt được hiệp thương cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Trần Văn Đăng được hiệp thương cử làm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Đại hội VI: Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Đại hội VI MTTQ Việt Nam diễn ra trong các ngày 22, 23, 24 tháng 9/2004 tại Hà Nội với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử MTTQ Việt Nam và cũng là lần đầu tiên kể từ ngày Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam ra đời đến nay, Đại hội được tiến hành từ cơ sở đến toàn quốc theo một lịch trình chung, có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp. Với tinh thần Dân chủ - Đoàn kết - Trí tuệ và Đổi mới, sau khi thông qua báo cáo, Đại hội đã cử ra UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VI với tinh thần mở rộng, gồm 320 vị và Đoàn Chủ tịch gồm 52 vị. Đoàn Chủ tịch đã cử Ban Thường trực gồm 8 vị: Đồng chí Phạm Thế Duyệt được hiệp thương cử làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Huỳnh Đảm được bầu làm Phó Chủ tịch - kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Đại hội VII: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới và Phát triển”

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII MTTQ Việt Nam được tiến hành tại thủ đô Hà Nội trong các ngày 28,29,30 tháng 10 năm 2009. Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới và Phát triển” - Đại hội có sự tham dự của 989 đại biểu chính thức. Đại hội đã hiệp thương dân chủ và nhất trí cử 355 vị tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VII và 58 vị tham gia Đoàn Chủ tịch; Ban Thường trực gồm 9 vị. Đồng chí Huỳnh Đảm được hiệp thương cử làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đồng chí Vũ Trọng Kim được hiệp thương cử làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

Đại hội VIII: Đổi mới mạnh mẽ

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam diễn ra trong 3 ngày 25,26,27 tháng 9 năm 2014 tại thủ đô Hà Nội. Với 990 đại biểu chính thức và hơn 200 khách mời, Đại hội VIII là Đại hội lớn nhất từ trước đến nay. Qua 3 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới, Đại hội đã hiệp thương cử ra 383 vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII. Đại hội cử 62 vị tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực gồm 9 vị. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân- Ủy viên Bộ Chính trị được bầu làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Vũ Trọng Kim được tái cử làm Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký.

Ngày 14/4/2016, Hội nghị lần thứ 5 UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII đã hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014-2019. Ngày 22/6/2017, Bộ Chính trị đã chỉ định ông Trần Thanh Mẫn làm Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và giới thiệu để Hội nghị lần thứ 7 UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2014-2019, thay ông Nguyễn Thiện Nhân nhận chức Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Ngày 6/1/2018, Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 8 (Khóa VIII) đã hiệp thương cử ông Hầu A Lềnh tham gia Ủy viên Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và giữ chức Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014-2019.

*Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/9/2019, phiên khai mạc chính thức vào lúc 9 giờ ngày 19/9/2019, phiên bế mạc vào chiều ngày 20/9/2019.

Ái Châu (tổng hợp)