Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Cần cân nhắc kỹ
Chiều 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết: Luật này nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo đó, luật hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật. Vì theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật dự kiến sửa đổi 34 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư và sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 1 chương về Hộ Kinh doanh và 8 điều của Luật Doanh nghiệp là khá lớn. Trong khi cả 2 luật này mới được sửa đổi toàn diện năm 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015, thời gian thực thi luật chưa dài. Trường hợp cần thiết sửa đổi, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét cho phép tách dự án Luật này thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để thuận lợi trong quá trình triển khai.
Cho rằng, luật không phải sửa đổi một số điều mà sửa rất nhiều điều, trong đó có nhiều chính sách rất mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: Ban soạn thảo đã rà soát, tổng kết đánh giá tác động của những quy định mới để thấy ưu việt so với luật hiện hành chưa? Nhất là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả? Từ đó ông Lưu đề nghị nên tách thành 2 luật chứ không nên để 1 luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đây là luật lồng ghép nhưng không thể thực thi vì doanh nghiệp và đầu tư phải tách riêng. Theo ông Giàu, luật mới ban hành năm 2015, trong khi năm 2017 và 2018 nền kinh tế của đất nước tăng trưởng vô cùng khá. Năm 2017 được gọi là kỳ tích, còn năm 2018 là tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua, vậy cơ sở nào đánh giá chưa đạt nên phải sửa đổi luật?.
“Luật phải có thời gian thực hiện để đánh giá toàn xã hội, có độ trễ. Nếu cảm nhận quá trình hội nhập sâu rộng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế buộc phải sửa đổi thì cần lựa chọn một số điều cần thiết để sửa đổi, còn nếu sửa đổi toàn diện thì phải tách ra làm 2 luật”-ông Giàu cho hay.