Giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp
Vẫn còn một bộ phận lớn người dân không có khả năng sở hữu nhà ở và đang sống trong điều kiện chật chội, cũ kỹ. Thời gian tới TP HCM sẽ xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ.
TP HCM vừa khó xây mới nhà ở cho người thu nhập thấp, vừa khó chỉnh trang chung cư cũ.
Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ như vậy tại hội thảo quốc tế “Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau 5 năm của TP HCM, giai đoạn 2021 – 2035”, do UBND TP HCM tổ chức ngày 17/9.
Áp lực dân số lên nhà ở
Ông Nguyễn Thành Phong cho hay, tính đến tháng 6/2019 diện tích nhà ở bình quân đầu người tại thành phố đạt 19,9m2/người, dự kiến đến 2020 sẽ đạt 20,3m2/người. Mặc dù diện tích nhà ở bình quân đầu người vượt chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn bất ổn do tốc độ gia tăng dân số quá nhanh. Theo thống kê 2019, TP HCM có 9 triệu người nhưng thực tế hơn 13 triệu người đang sinh sống. Bình quân 1 năm thành phố tăng khoảng 200 ngàn người, như vậy 5 năm tăng 1 triệu dân. Dân số tăng nhanh vô hình trung gây lên áp lực lớn về quản lý đô thị, trong đó quan trong nhất chính là nhà ở.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bất động sản TP HCM khẳng định: “Vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của TP HCM là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp như: cán bộ công chức, sinh viên, công nhân lao động, người nhập cư để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững”.
Theo thống kê của HoREA, thành phố có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần ¼ tổng số hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội (chiếm tỷ lệ 65% - 94% đối tượng khảo sát); hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư.
Trước tình hình bức thiết về nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, bên cạnh việc xây dựng nhà ở kiên cố mới thì cần cải thiện chất lượng nhà bán kiên cố thông qua chỉnh trang đô thị, đặc biệt chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu. Vì theo thống kê đầu năm 2017, số nhà ở tại TP HCM là hơn 1,675 triệu căn, trong đó nhà kiên cố chiếm tỷ lệ 37,6%, nhà bán kiên cố 60,1 %, nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ là 2,3%.
Nhà ở phải vừa túi tiền, hợp với việc làm
Chia sẻ những khó khăn trên, song các chuyên gia nước ngoài cho rằng, không chỉ TP HCM lo lắng về nhà ở dành cho người thu nhập thấp, các nước đã và đang phát triển cũng băn khoăn giải quyết bài toán này. TP HCM quan tâm nhưng không nên vội vàng mà cần tìm hiểu kỹ nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp.
Ông Yap Kioe Sheng – Viện Công nghệ châu Á phân tích: “Xây nhà ở cho người thu nhập thấp thì chính quyền cần quan tâm đến hai điểm. Đó là giá nhà ở và công ăn việc làm tại nơi ở mới. Phải xem giá nhà có phù hợp với thu nhập người dân không vì kinh tế học không nghĩ đến không gian, thiết kế không nghĩ đến giá cả vô tình giá trị căn nhà vượt ngưỡng thu nhập thấp. Vấn đề thứ hai, phải tính đến tính hữu dụng của ngôi nhà. Nghĩa là, nhà ở phải phù hợp với công việc của người thu nhập thấp. Không thể đưa người thu nhập thấp đến ở khu đô thị sang trọng”.
Mong muốn giải quyết bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp khả thi hơn, ông Lê Hoàng Châu khuyến cáo, phát triển nhà ở xã hội kết hợp với nhà ở thương mại giá thấp để hình thành những khu đô thị, khu nhà ở bình dân hoặc khu đô thị, khu nhà ở vừa túi tiền.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp là do khó khăn về giải phóng mặt bằng; thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài; nguồn vốn hạn hẹp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu, thành phố phải rà soát kế hoạch sử dụng đất, khai thác nguồn lực tài chính từ quỹ đất, xem xét lại các dự án đang tạm dừng, giảm giá thành đầu tư xây dựng để thực hiện dự án nhà ở dễ dàng hơn.