Chống 'diễn biến hòa bình': Tình hình tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam dưới góc nhìn quốc tế

Nga Minh 18/09/2019 07:00

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền của các dân tộc thiểu số. Những thành tựu này được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi, thể hiện trong nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế, cũng như thông qua các cơ chế đối thoại song phương giữa Việt Nam với các nước, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là các phiên họp theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về Quyền con người của Liên hợp quốc (UPR) trong năm 2019. Các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao về nỗ lực hoàn thiện pháp luật, chính sách về dân tộc, tôn giáo và những kết quả đạt được trong thực tiễn.

Chống 'diễn biến hòa bình': Tình hình tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam dưới góc nhìn quốc tế

Lễ cấp sắc của người Dao đỏ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Những đánh giá tích cực

Nỗ lực cải cách pháp luật, chính sách về quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong các cuộc tiếp xúc song phương, các vòng đối thoại nhân quyền, rất nhiều nước hoan nghênh nỗ lực vượt bậc của Việt Nam về hoàn thiện pháp luật về quyền con người, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và việc ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển, xóa đói giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế UPR vào tháng 1 và tháng 7/2019, gần 40 nước hoan nghênh thành tựu của Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật và chính sách về quyền con người. Trong tổng số 291 khuyến nghị Việt Nam nhận được từ các nước tại phiên đối thoại, có gần 40% khuyến nghị liên quan đến mảng hoàn thiện pháp luật, chính sách về quyền con người, trong đó có các khuyến nghị về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo. Phần lớn các khuyến nghị này phù hợp với chủ trương, ưu tiên của Việt Nam, do đó được Việt Nam chấp thuận thực hiện.

Trong số các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận vào tháng 9/2019 tại Hội đồng Nhân quyền, có 18 khuyến nghị trực tiếp liên quan đến việc thúc đẩy các chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, ví dụ như các khuyến nghị về phát huy đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng ở Việt Nam, bảo đảm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, thúc đẩy hòa hợp giữa các tôn giáo, đẩy mạnh các biện pháp để người dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo vệ ngôn ngữ, giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, xây dựng trường học, cơ sở y tế cho người dân tộc thiểu số…

Việc chấp thuận thực hiện các khuyến nghị UPR trong nhóm lĩnh vực này được các nước rất hoan nghênh vì điều đó khẳng định cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng cho người dân, cũng như hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển.

Việc triển khai chính sách về dân tộc, tôn giáo cũng được một số báo cáo quốc tế đánh giá tích cực. Theo Báo cáo “Bước tiến mới - giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam năm 2018” của Ngân hàng Thế giới (viết dưới sự chỉ đạo của ông Salman Zaidi- Giám đốc điều hành), mặc dù 45% người dân tộc thiểu số vẫn sống trong cảnh nghèo, nhưng tỷ lệ nghèo của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam giảm đáng kể trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2014-2016, tỷ lệ nghèo đã giảm 13%, mức giảm mạnh nhất trong hai thập kỷ qua. Các báo cáo của các cơ quan chuyên môn Liên hợp quốc như UNDP, WHO cũng cho thấy mặc dù còn nhiều khó khăn song tiếp cận của người dân tộc thiểu số đối với giáo dục, y tế, nước sạch đang dần được cải thiện.

Báo cáo về chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2017 của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lương thực, bà Hilal Elver đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, tăng quyền sở hữu đất, tạo điều kiện cho việc canh tác và định cư, tiếp cận với nước sạch và việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở giáo dục và hệ thống tưới tiêu và tiếp tục hỗ trợ tài chính, cho vay, xây dựng năng lực và đầu tư cho khoa học và công nghệ để cải thiện đời sống của người dân tộc thiểu số.

Nỗ lực gìn giữ di sản văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc thiểu số của Viêt Nam cũng được UNESCO ghi nhận. UNESCO đã công nhận nhiều di sản văn hóa của người dân tộc thiểu số Việt Nam như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nghi lễ mừng sinh nhật (Hắt khoăn) của người Nùng, Nghi lễ cấp sắc Tào của người Tày, Nghi lễ cấp sắc của người Dao, Lễ cúng dòng họ của người Mông, Nghi lễ Tết nhảy của người Dao, Nghề dệt Dèng của người Tà Ôi…

Tại các cuộc thảo luận bên lề Hội đồng Nhân quyền, ECOSOC, nhiều nước hoan nghênh Việt Nam đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông tin cho các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và xem đây là biện pháp hiệu quả có thể tạo nên những đột phá trong việc giảm thiểu bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa người dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về tôn giáo, dân tộc

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế, các hoạt động hợp tác, giao lưu trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo cũng được tăng cường trong những năm gần đây, qua đó giúp cộng đồng quốc tế có được thông tin đầy đủ hơn về tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Các sự kiện như 500 năm Cải chánh Tin lành 12/2017, Đại lễ Phật đản Vesak 5/2019 là những sự kiện tôn giáo quốc tế, thu hút sự quan tâm đông đảo của bạn bè quốc tế. Không ít lãnh đạo, chính giới, báo chí các nước đánh giá cao về các sự kiện này, xem đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Bạn bè quốc tế cũng được biết đến hàng trăm lễ hội văn hóa của người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Nhiều hoạt động đã trở thành các điểm thu hút du lịch quốc tế nổi tiếng, được đưa lên trên các trang web, các kênh truyền hình hàng đầu thế giới. Cũng chính từ sự đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, bạn bè quốc tế tiếp tục tin tưởng thúc đẩy các dự án hợp tác phát triển, đầu tư tại khu vực khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nội dung Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tích cực hơn nữa việc triển khai các chính sách phát triển khu vực dân tộc thiểu số.

Các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo, dân tộc còn góp phần đưa đến những thông tin chính xác cho cộng đồng quốc tế về tình hình dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, qua đó làm lu mờ một vài ý kiến tiêu cực được nêu tại các phiên đối thoại theo cơ chế UPR tại Hội đồng Nhân quyền (tháng 1 và tháng 7/2019) hay tại các cuộc bảo vệ báo cáo quốc gia theo các Công ước chống tra tấn (11/2018), Công ước về các quyền dân sự, chính trị (3/2019). Những ý kiến sai lệch này chủ yếu xuất phát từ một số cá nhân do thiếu thông tin, mang nặng định kiến, cố tình không có cái nhìn toàn diện về nỗ lực và thành tựu của nhân dân Việt Nam trong mấy thập kỷ qua.

Đồng thời, từ sự đánh giá của cộng đồng quốc tế và các hoạt động hợp tác quốc tế, Việt Nam cũng có cơ hội để hoàn thiện hơn nữa chính sách và các biện pháp của mình trong lĩnh vực này, đem lại những điều tốt đẹp nhất cho người dân.

Nga Minh