Tâm sự với ‘người hay cãi’
Nhà báo Hữu Thọ (8/1/1932 – 13/8/2015) là một cây bút chính luận xuất sắc của làng báo nước nhà; giàu tính chiến đấu nhưng luôn luôn giữ được phong cách điềm tĩnh, mềm mỏng tới lịch thiệp. Sinh thời, ông được mệnh danh là “người hay cãi”. Tôi muốn nói thêm, đó là một người hay cãi thấm đẫm một tinh thần xây dựng rất nhân văn. Và tiếp xúc với ông nhiều lần, tôi đã luôn thấy khâm phục cách nêu ra các vấn đề chính trị xã hội của ông, đủ độ thẳng thắn để cảnh báo nhưng không làm ai cảm thấy bị xúc phạm (nếu ai đó cảm thấy khó chịu vì lời ông nói thì đó cũng chỉ là sự khó chịu mơ hồ mang tính nguyên tắc thôi, không thể có nguyên do trực tiếp).
Nhà báo lão thành Hữu Thọ và nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang.
Bí quyết là sống thật
Đã có lần tôi đánh bạo hỏi ông, phải chăng chính tác phong đó đã là bí quyết để ông vừa thành công về mặt nghề nghiệp và vừa thành công về danh vọng (chúng ta hãy cùng hiểu từ “danh vọng” theo nghĩa tích cực mà tất cả chúng ta, kể cả cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa cũng đều muốn có vì “đã mang tiếng ở trong trời đất”). Và ông đã trả lời tôi như sau:
- Tôi thì chả có cái bí quyết gì, có điều là mình sống thật với mình. Tôi là nhà báo thì thích sự trao đổi, đặc biệt tôi nghĩ một trong những năng khiếu của nghề làm báo là thích sự trao đổi, và nếu không có người trao đổi thì tự triển khai lấy những ý kiến phản biện để tự mình trao đổi với mình. Tôi thường đi với các đồng chí lãnh đạo như một người giúp việc, mà cũng như một người tâm tình.
Tôi có một kỷ niệm rất sâu sắc thế này, lúc anh Nguyễn Chí Thanh mới sang làm nông nghiệp, các nhà báo giúp việc có tôi và anh Phan Quang. Anh Thanh nói: “Tôi cho các ông cãi, tôi cũng thích cãi, trên dưới cùng cãi. Tôi cũng mới sang làm nông nghiệp nên chưa hiểu gì cả”.
Anh ấy còn bảo: “Có thể đúng, có thể sai, nhưng cậu mà đúng một nửa thôi thì phải nhớ rằng một mình cậu đã chiếm 50% chân lý rồi. Cao Bá Quát ngày xưa ngạo nghễ thế cũng chỉ dám nói mình đọc được 1/3 bồ sách thiên hạ thôi”.
Tôi bạo mồm thốt lên: “Anh ơi, chúng tôi có nói đúng 80% thì họ cũng quên cái 80% ấy đi, họ chỉ nhè 20% sai kia mà họ diệt”.
“Thế cậu vì việc hay vì cái ghế của cậu?”. Mà ông Thanh là một con người có tính nết rất lạ, về chính trị thì không bao giờ ông ấy mắng những ý kiến phản biện cả, nhưng khi tôi cãi ông hai ba cái việc lặt vặt thì ông mắng tôi rất ghê gớm. Ví dụ, hôm trận đội Thể Công đá với đội Hoàng Diệu, tôi nói: “Đội Thể Công đá cứ hùng hục, đội Hoàng Diệu chơi đẹp ghê lắm”.
Ông ấy bảo ngay: “Dốt! Đá quan trọng là phải thắng thua, có phải văn công đâu mà cần đi cho nó đẹp”.
Cũng hôm ấy, báo Văn Nghệ có in một bài Nguyễn Tuân viết về chè, tôi đọc xong bảo: “Đây, Nguyễn Tuân viết về chè Huế quê anh, chè nào cũng thơm ngon, nhưng riêng có một thứ tôi thấy không ngon, chè thịt quay ấy. Tôi không nghĩ có một thứ chè lại có thể kết hợp được cái tinh khiết của đậu đãi với cái nhồm nhoàm của thịt quay, giống hệt Xuân Diệu tả “Dáng em Nam mềm mại chiếc chân giò”...
Thế là ông ấy mắng: “Cậu thì biết cái gì mà cãi?!”. Tôi im nhưng vẫn ấm ức. Khi giải phóng miền Nam, tôi ra chợ Đông Ba, việc đầu tiên là gọi một bát chè thịt quay. Ăn xong thì mới thấy ông Thanh nói đúng, hai cái thứ này khi trộn lẫn với nhau lại ra một thứ chất khác, nó tồn tại như một đóng góp ẩm thực của dân Huế…
Do hoàn cảnh công việc của mình, Hữu Thọ là một nhà báo sớm được gần các đồng chí lãnh đạo cao cấp và ông cũng sớm đào luyện được một tác phong chuyên nghiệp trong ứng xử ở những tình huống không đơn giản khi những người đối thoại với ta thường là những người cao hơn ta ở vị trí xã hội, sao cho vẫn giữ được phép tắc công đường mà vẫn giữ được chính kiến cá nhân. Ông tự hào về danh hiệu nhà báo của mình nhưng không bao giờ bị huyễn tưởng bởi những ưu thế mà nghề nghiệp đem lại. Ông không quá e dè với thượng cấp nhưng cũng không “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Cũng trong một lần trao đổi với tôi, ông tâm sự:
- Đúng là báo chí có quyền lực, nhưng cái quyền lực đó là Đảng giao cho mình, Nhà nước giao cho mình, nhân dân giao cho mình. Nếu mình tách ra khỏi ba cái kia thì mình là cái gì? Khi làm Báo Nhân Dân, chúng tôi vẫn nói với nhau: “Này, không phải người làm ở Báo Nhân Dân là oai đâu. Nó oai là vì núp gốc cây đa. Chứ còn mỗi một người phải oai chính từ cái nhân cách của mình”.
Tôi cũng không bao giờ nghĩ nghề báo là nghề mõ. Những năm đầu đổi mới, có ba phóng sự rất nổi tiếng và đối với tôi đã để lại ấn tượng rất sâu sắc. Một là “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, hai là “Người đàn bà quỳ” của Lê Văn Ba, ba là “Lời khai của bị can” của Trần Huy Quang. Ba bài đó của ba tác giả khác nhau nhưng tự nhiên nó lại đặt ra một vấn đề xã hội, và thực sự có tính dự báo rất ghê về vấn đề dân chủ ở nông thôn, về vấn đề oan ức, về vấn đề kỳ thị người làm giàu trong xã hội... Rồi tôi xin nói về sức mạnh của các nhà báo trong khoán 100, nếu không có họ thì chưa chắc đã có Chỉ thị năm 1981 ra đời. Không có sự hoạt động tích cực của các nhà báo thì không thể có tiến triển vụ Năm Cam như chúng ta đã thấy. Thế nên phải nói sức mạnh của báo chí rất kinh khủng.
“Giúp cho việc xử lý của Đảng được nhanh chóng” như theo một đánh giá trong nghị quyết của Đảng thì làm sao lại là mõ được. Bác Hồ đã nói: “Báo chí là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng”, thì cũng phải nên hiểu khi nó là xung kích trên mặt trận tư tưởng cách mạng thì nó cũng có khả năng là xung kích trên mặt trận tư tưởng phản cách mạng. Phải nên nhớ vai trò đi đầu của nó là cực kỳ quan trọng. Báo chí Nga cho đến bây giờ người ta tổng kết, Liên Xô sụp đổ nhanh có lỗi một phần do báo chí…
Về hưu, trí không hưu
Trung tuần tháng 11/2010, tôi đã tới thăm nhà báo Hữu Thọ tại nhà riêng của ông (một nếp nhà rất khuất nẻo nằm ở cuối khu tập thể trên một phố rất lao xao khiến tôi cứ bâng khuân nhớ tới Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao” - ở đời, biết ai khôn dại thế nào!..). Như thường lệ, ông đón tôi rất chân tình với câu dặn dò quen thuộc, nói chuyện chơi thôi nhé, không cần phải viết báo gì cả… Nhưng tôi là dân chuyên nghiệp, làm sao tôi lại không viết về những gì đã trao đổi với một nhà báo lão luyện và giàu kinh nghiệm sống như ông. Nói chung, tôi vẫn quan niệm rằng, chuyện gì cũng có thể đưa lên báo được, quan trọng là đưa theo cách nào và ở mức độ nào để không mạo phạm những quy tắc chung của cuộc sống cộng đồng.
Hồng Thanh Quang: Ông chính thức về hưu cũng đã lâu rồi, tuổi cũng cao rồi. Liệu ông còn đủ sức theo dõi tình hình thời sự như trước nữa không ạ?
- Nhà báo Hữu Thọ: Đã là nhà báo thì phải gắn với thời sự chứ làm sao khác được…
Ông Putin ở bên Nga có lần đã nói, đã là cán bộ an ninh thì sẽ là cán bộ an ninh đến hết đời. Có lẽ là nhà báo cũng thế, một nhà báo đích thực thì dù về hưu cũng vẫn là nhà báo...
- Đúng thế. Mà nhà báo là phải gắn với thời sự. Đã làm báo, vấn đề lớn nhất là vấn đề thời sự. Có điều, người ta viết thời sự theo nhiều kiểu khác nhau chứ không nhất thiết…
“Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng” – như câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm? Nhưng “Anh một mình náo động một mình anh” thì chắc chắn là giống như tâm trạng của một nhà báo đích thực nhưng đã về hưu trước tình hình thời sự đương thời…
- (Cười): Có người viết trực tiếp, có những người thì người ta không viết trực tiếp lắm… Nếu không gắn với thời sự thì làm sao gọi là nhà báo được? Thế cho nên thời sự cũng là vấn đề tôi trăn trở. Nhưng mà gắn với thời sự hiện nay thì thời sự nó đã có lúc uyển chuyển, nghĩa là một nhà báo Việt Nam đều là công dân của Việt Nam, hoạt động theo luật pháp đã đành rồi, nhưng mỗi con người còn có tâm luật, tức là luật trong lòng của mình.
Ở Việt Nam “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, nên cái lòng người nó càng quan trọng phải không ạ?
- Trong chuyện này rất cần nhớ lại những lời Cụ Hồ đã nói. Bác Hồ đã nói rằng, cần phải có lý có tình, cái tình quan trọng lắm, còn sống lạnh lùng thì có giỏi cũng chẳng để làm gì. Tôi không có điều kiện để tìm lại nguyên văn nhưng tôi nhớ có lần Bác Hồ đã nói là, sống bên nhau mà không có tình nghĩa thì nghĩa là cũng không hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là gì… Bác Hồ đã nói đến như thế, chắc là Hồng Thanh Quang còn nhớ câu đấy?
Dạ, hình như tôi cũng đã có đọc về chuyện này nhưng không phải lúc nào cũng nhớ tới nó…
- Bác đã đặt đến cái tầm: Sống với nhau có tình nghĩa lại là một nội dung của những người Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Mà tôi xin nói với Hồng Thanh Quang thế này: Thời điểm Bác nói là lúc nào? Chúng ta hôm nay nên nhớ tới hoàn cảnh cụ thể khi Bác Hồ đưa ra những câu nói khác nhau.
Rất đúng. Ngữ cảnh cực kỳ quan trọng. Không hiểu ngữ cảnh đôi khi dễ hiểu sai ý nghĩa thực các câu nói của lãnh tụ.
- Thời kỳ đấy là thời kỳ chỉnh đốn tổ chức, căng thẳng lắm... Lúc bấy giờ Bác nói câu đấy, để mà thấy, à, hóa ra là trong đội ngũ chúng ta, ở đâu đó, trong một lúc nào đó cũng vẫn còn những chuyện sống với nhau thiếu tình nghĩa… Tôi nhớ, khi tôi tham gia vào việc chuẩn bị dự thảo của Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành TW thông qua Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, chúng tôi đã có một câu mà về sau được Bộ Chính trị chấp nhận để trình TW. Câu đó thế này: Có những người dùng cả những âm mưu hèn hạ để hãm hại nhau…
Nói thế thì nặng đấy!
- Nặng! Nhưng tại làm sao chúng tôi dám viết câu ấy và tại làm sao các đồng chí chuẩn bị dự thảo cho Bộ Chính trị lại chấp nhận cái câu ấy. Vì trong thực tế lúc đó có chuyện như vậy… Và sự thật làm cho chúng tôi xúc động mà viết một câu phải nói là mang tính văn học nhiều hơn là chính luận.
Những người cộng sản chân chính không thể chấp nhận những tiểu xảo giữa đội ngũ của mình. Và khi buộc phải chứng kiến những cảnh đó thì trong trái tim tỉnh táo của chính trị gia cũng vang lên những giai điệu đầy phẫn nộ của văn học!
- Người Cộng sản Việt Nam thì phải có tình có nghĩa. Và có tình có nghĩa đã được Bác Hồ coi như một nội dung của chủ nghĩa Mác-Lênin…
Của sự giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin…
- …Ở Việt Nam, của người cộng sản Việt Nam, chứ chưa chắc đã của người châu Âu..
Người châu Âu thường là duy lý hơn, sòng phẳng hơn…
Sòng phẳng hơn…
- Người Việt bao giờ cũng vẫn lưu ý cái tình với nhau, có thể không thành công nhưng phải thành nhân…
Nhưng vấn đề là, cái tư duy ấy tới một lúc nào đó, ở trong một cái bối cảnh nào đó lại cản trở tư duy lý tính, lại trở thành lực cản. Nói cho cùng, tư duy lý tính về cơ bản nó mới tiếp cận được chân lý. Nhưng nếu chỉ lý tính thông thường thì không hoàn toàn hợp với tâm lý người Việt Nam ta. Cho nên một tí cái lý…
Tôi lại muốn nhắc lại, trăm cái lý không bằng một tí cái tình…
- Trăm cái lý không bằng một tí cái tình! Mọi chuyện nó đều phức tạp. Cho nên các truyền thống văn hóa Việt Nam khi bước vào xã hội hiện đại thì nó có mặt được và có mặt cản trở. Nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn là cái quan trọng nhất. Tôi nói ví dụ như thế này: Bây giờ nhiều đồng chí chúng tôi ngồi trao đổi với nhau, chưa thành một nghiên cứu khoa học, nhưng chúng tôi nói với nhau là bây giờ, trong Đảng hình như nguyên tắc phê bình và tự phê bình không còn hiệu nghiệm như trước nữa, về cơ bản là như thế. Tất nhiên, cũng có những nơi họ làm tốt công tác phê bình và tự phê bình,ví dụ như chi bộ của tôi ở đây, toàn cán bộ về hưu nhưng tôi xin nói là họp đến 12h trưa đấy, ông ạ… Nhưng nhìn chung, phải công nhận rằng, ở một số nơi tinh thần phê bình và tự phê bình không cao. Và thay vào đó là một nguyên tắc khác: Dĩ hòa vi quý. Nguyên tắc dĩ hòa vi quý vừa là mặt tốt của một xã hội ổn định nhưng nó sẽ hạn chế tính chiến đấu trong nội bộ chúng ta. Cũng phải nói rằng, nếu nguyên tắc dĩ hòa vi quý bị phá vỡ thì cũng không hẳn là hay vì nó sẽ dẫn tới mâu thuẫn nội bộ bùng nổ… Từ trước đến nay, chúng ta hòa thuận vì chúng ta đều tha cho nhau…
Thể tất cho nhau…
- Thể tất cho nhau…
Theo tôi, không nên chỉ áp dụng một nguyên tắc, cần hài hòa bổ sung các nguyên tắc với nhau để vừa giữ được tính chiến đấu trong nội bộ vừa giữ được ổn định chung…
- Thế thì bây giờ, cần phải làm sao để nâng cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình trên tinh thần xây dựng, chứ không phải giậu đổ bìm leo…
Tôi hiểu, bây giờ suy cho cùng vẫn phải trở về những nguyên tắc căn bản của Đảng ta, những nguyên tắc mà theo tôi, một đảng viên trẻ hơn ông rất nhiều cũng hiểu, đó là sự kết hợp của tất cả tinh thần duy lý của văn minh phương Tây cộng với cả sự duy tình của người Việt Nam… Hôm nay, nhìn lại, chúng ta cần hiểu tại sao phong cách lãnh đạo của Bác Hồ luôn là tấm gương cho chúng ta? Bởi vì Bác đã có được sự kết hợp ấy, tạo ra sự ổn định nhất và đỡ phải trả giá nhất, có đúng không ạ?
- Cái đấy là khoa học!
Vâng, cái đấy chính là khoa học!
- Ta nói như thế này, một cái triết học khi vào một quốc gia thì bao giờ cũng qua bộ lọc của nền văn hóa quốc gia ấy, nên nó vào nó không còn ở dạng nguyên bản nữa.
Đúng rồi, nó được biến hóa đi để phù hợp với “địa lợi” mới…
- Nó qua bộ lọc của văn hóa quốc gia Việt Nam, của nền văn hiến quốc gia Việt Nam, rồi nó trở thành một thứ triết lý ở nước Việt Nam.
Mang đặc thù cụ thể của nước ta. Như một giống cây khi chuyển sang vùng thổ nhưỡng khác thì phải thích ứng, phải thay đổi để thích ứng...
- Nhân nghĩa của Khổng Tử vào Việt Nam thì được chuyển hóa thành nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, mà nhân nghĩa của Nguyễn Trãi mới là nhân nghĩa của Việt Nam…
Ở tâm thế như người trong cuộc
Thực sự tôi luôn luôn nghĩ rằng, chúng ta chỉ hay ho khi hành xử đúng theo cách hợp với chất người của mình. Tôi vẫn hay nói đùa rằng, tôi rất thích nam tài tử Pháp Alain Delon, nhưng tôi hoàn toàn không muốn con trai tôi trông giống Alain Delon… Con trai tôi phải giống tôi. Và tôi phải hành xử sao cho hợp với tố chất của tôi thì mới là đóng góp của tôi cho cái chung… Nhìn ra các vấn đề xã hội, tôi nghĩ rằng ngay cả khi áp dụng các tiêu chí toàn cầu hóa vào đất nước ta thì cũng luôn cần lưu ý tới những đặc thù riêng của Việt Nam, của giai đoạn phát triển hiện thời của chúng ta. Ở Việt Nam thì phản biện cũng phải theo cách của Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về việc này?
- Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như tôi với Hồng Thanh Quang đã từng nói chuyện này với nhau rồi. Hai lần rồi phải không? Chúng ta đã đề cập đến chỗ, phản biện nhưng không phản bác…
Lời người viết bài: Vâng, tôi vẫn nhớ. Tôi đã từng đặt ra vấn đề: “Hiện nay, một số người đang nói rất rầm rộ lên rằng, vai trò của trí thức là phải phản biện, phải tư duy độc lập, tức là phải “kênh kênh” một chút với chính quyền đương nhiệm. Nhìn từ góc độ ấy, một số người cho rằng các cụ ta ngày xưa không phải trí thức. Theo những người này, kể cả các bậc sĩ phu ngày xưa cũng chưa phải trí thức vì luôn luôn nhất nhất nghe lời vua, đều hành xử theo cách trung quân rồi ái quốc (?!), ông nghĩ thế nào về vấn đề này? Chúng ta phải có cái nhìn biện chứng thế nào để thấy là trí thức không phải lúc nào cũng phải nói ngang, tức là khi người ta nói A thì mình phải nói B, khi vua nói A thì anh phải nói B thì mới là trí thức?”. Và nhà báo Hữu Thọ đã lý giải:
- Theo Nghị quyết 7 của Trung ương về vấn đề trí thức vừa rồi, chúng ta định nghĩa trí thức là người có học vấn cao, chuyên môn cao trong từng lĩnh vực, tức là ta đã không gắn khái niệm trí thức với bằng cấp. Ngày xưa Đào Duy Từ cả cuộc đời có đỗ gì đâu mà cả nước gọi bằng thầy. Bác Hồ cũng vậy, nhưng là Danh nhân Văn hóa thế giới… Trí thức là người có học vấn cao, trong đó có những người có bằng cấp và có những người không có bằng cấp nhưng người ta tự học mà trở thành những trí tuệ lỗi lạc. Nhưng có điều kiện thứ hai rất quan trọng trong khái niệm trí thức là phải có tư duy độc lập, sáng tạo. Và cái thứ ba là phải có khả năng truyền bá. Sinh thời, ông Nguyễn Khắc Viện có lần đã tâm sự với tôi rằng, đối với một tờ báo thì số lượng phát hành rất quan trọng nhưng cái quan trọng nhất là phải nắm được đội ngũ độc giả đỉnh cao vì chính những độc giả tinh hoa sẽ làm việc truyền bá những gì đã được viết trên tờ báo… Tờ báo sang trọng không nhất thiết có tiara lớn, nhưng nó nhằm vào độc giả tinh hoa và độc giả tinh hoa ấy có khả năng truyền bá. Còn phản biện chỉ là một khả năng của trí thức. Nói chữ phản biện thì nên hiểu như thế này, về mặt khoa học, phản biện khác với phản bác. Một số anh em bây giờ hay nhầm phản biện với phản bác. Phản biện là nêu lên cái này được, cái này còn thiếu, cái này không được; phản biện khoa học là như thế, trong phản biện có phần phản bác nhưng không phải tất cả là phản bác. Trên thế giới người ta đều nói rằng, báo chí làm nhiệm vụ phanh phui là biểu hiện sự dũng cảm, nhưng khi báo chí đưa ra được các giải pháp cho các khúc mắc còn tồn tại thì mới là báo chí xây dựng, đóng góp…
Mới là báo chí anh minh…
- Tức là anh phanh phui cũng tốt, nhưng anh phanh phui thì mới biểu hiện thái độ dũng cảm thôi, chưa đóng góp gì lắm đâu. Báo chí giải pháp là đàn anh của báo chí phanh phui.
Một số người có thiên hướng phanh phui và để đấy, chỉ làm rối mọi sự thôi chứ không nghĩ ra tìm lối thoát hay cách tháo gỡ.
- Cái này thì trên thế giới người ta cũng đã kết luận rồi, chứ không phải ở nước ta đâu. Báo chí giải pháp mới là báo chí đàn anh, mà người làm báo có đưa được ra giải pháp thì mới là người làm báo đỉnh cao. Người làm báo phanh phui giỏi lắm cũng bằng anh công an, anh điều tra viên, thám tử tư thôi, chứ chưa phải là anh xây dựng…
Một số người cứ nói trí thức là phải đối lập với những người cầm quyền. Cứ nói như thế thì Nguyễn Trãi không phải trí thức hay sao? Ông nghĩ thế nào, cách nhìn thế nào vấn đề đánh giá trí thức đích thực?
- Vì trí thức có tư duy độc lập, có học vấn nên những đóng góp ý kiến của trí thức không phải lúc nào cũng trùng khít với ý của người lãnh đạo. Nên ở ta có tình trạng một số lãnh đạo trọng trí thức nhưng cũng có khi ngại gặp trí thức, vì họ không muốn nghe những lời trái với ý kiến mình. Bây giờ muốn trí thức đóng vai trò phản biện tốt thì phải mở rộng dân chủ. Và người trí thức khi phản biện cũng nên hiểu rằng anh có nghĩa vụ bảo vệ chân lý nhưng còn có nghĩa vụ công dân trong quá trình phản biện, tức là phản biện một cách xây dựng...
Không phải phản bác? Hay là phải phản bác khi cần thiết?
- Đúng, phải phản bác những gì không đúng, không tốt. Bác Hồ cũng nêu nhiệm vụ “Phò chính, trừ tà”. Lãnh đạo cũng là con người, cho nên lãnh đạo nào cũng có thể có khuyết điểm hay những điều chưa hẳn đã chu toàn, nhưng khi anh phản biện, phê phán, thì anh phải đứng ở tâm thế như người trong cuộc. Anh nên hiểu rằng, trong mọi sự đang diễn ra đều có phần trách nhiệm của anh, chứ anh không phải là người vô can…
Ngay những người dân thường phải có trách nhiệm liên đới; một dân tộc thế nào mới có một chính phủ như thế chứ…
- Cho nên khi nói về trí thức trong Nghị quyết của Trung ương vừa rồi có nói tới trách nhiệm trí thức đối với Tổ quốc, đối với dân tộc, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhưng trí thức còn có trách nhiệm với bản thân, anh phải tự rèn luyện bản thân mình để làm được việc đó…
Một mặt, người lãnh đạo rất cần được nghe người trí thức phản biện, góp ý kiến, nhưng mặt khác, về phần người trí thức thì cũng rất cần biết không phải nói theo bất kỳ kiểu nào, mà phải nói thế nào đấy để người ta nghe lọt và mình có tính xây dựng chứ không phải nói thế nào để làm tan “cuộc chơi”. Tính xây dựng của người trí thức là rất quan trọng, có phải không, thưa ông?
- Đó là trách nhiệm công dân. Nếu anh xây dựng cho Tổ quốc mình thì đừng gây nên sự mất ổn định, gây ra sự phân tâm.
Trong mọi chuyện, ngay cả trong sự góp ý cũng cần có tính xây dựng. Tức là sao? Nếu người trí thức cho rằng ý kiến mình là phải, mình nói ra điều phải, nhưng nếu người trí thức không làm cho điều phải ấy được người cần nghe thông hiểu thì cũng không nên chỉ trách người nghe mà phải tự trách mình trước, mình đã không biết cách truyền bá điều phải… Đã là trí giả thì phải như thế, phải “tiên trách kỷ”… Trong cuộc tranh cử của Mỹ bây giờ, trên cơ sở dữ liệu thống kê, các ứng cử viên nói ra điều đúng chưa chắc đã hay, bởi vì, lúc nào nói những điều đúng gì để cho cử tri nghe, tin mình mới là điều quan trọng. ở Mỹ còn như thế nữa là ở Việt Nam. Ông công nhận như vậy không?
- Tôi đồng ý và xin nói thêm: Lĩnh vực tư tưởng là lĩnh vực đối với đời sống tinh thần của con người. Trong lĩnh vực tư tưởng phải có tính chiến đấu và sức thuyết phục. Nhưng chỉ có sức thuyết phục bằng lý lẽ khoa học, cách xử lý hợp lý, đầy chất nhân văn thì tính chiến đấu mới có hiệu quả. Hợp lý, có lý lẽ thuyết phục thì người ta sẽ nghe theo tự nguyện, bền vững; còn gây ra sự sợ hãi thì có tuân theo nhưng trong lòng không phục, cho nên không thể lâu bền.
Góc nhìn trí thức
Nếu nhìn về xã hội hiện tại cũng như nhìn về quá khứ lịch sử dân tộc, thì người trí thức thực sự cần phải có góc nhìn biện chứng, không nên áp dụng những tiêu chí từ đâu đấy về để đánh giá những cái đã diễn ra trong những điều kiện lịch sử xã hội hoàn toàn khác. Bởi nếu làm như thế thì sẽ dẫn đến chuyện chúng ta phủ nhận vai trò của tiền nhân một cách vô lối.
- Quyết định nào nó cũng có bối cảnh lịch sử của nó. Có nhiều thí dụ về những việc như thế lắm…
Lời người viết bài: Cuối buổi trò chuyện tôi đã đặt vấn đề mà tôi coi là thời sự hiện nay với nhà báo Hữu Thọ: “Ông là nhá báo, tôi cũng là nhà báo. Về mặt bản năng nghề nghiệp, đối với chúng ta sự tự do ngôn luận bao giờ cũng cao hơn tất cả. Cái đó chúng ta đều giác ngộ được rồi. Nhưng khi chúng ta được quyền tự do phát biểu quan điểm của mình thì, thứ nhất, chúng ta cũng cần phải biết nghĩa vụ chúng ta là trình bày quan điểm làm sao để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người khác, như cách nói, nhận xét về người khác, bất kể đó là ai chứ không chỉ là những nhân vật của công chúng, không chỉ là những nhân vật có vị trí xã hội, có trọng trách xã hội. Thứ hai là, đánh giá những công việc lớn của xã hội thì không thể chỉ bằng cảm tính. Ví như một số người lý luận rằng tôi viết, tôi nói trong blog của tôi, blog là cửa sổ riêng, tôi muốn làm gì tôi làm và những người như thế thì sẵn sàng không ngại ngần bày ra những trò “khỏa thân tinh thần” trong blog của mình. Chúng ta biết rằng, ngay cả ở phương Tây, chỗ dường như là mọi thứ đều được nới rộng hơn thông thường, thì người khỏa thân trong nhà mà mở cửa sổ cũng có thể bị phạt, phạt một cách nặng nề vì lý do làm hại đến thuần phong mỹ tục. Vậy nên, trong lúc chúng ta rất cổ xúy cho sự phát ngôn chính kiến thì tại sao chúng ta không cùng một lúc chú trọng cho việc xây dựng văn hóa phát ngôn chung cho phù hợp với luân thường đạo lý, hợp với không khí đương thời?”. Nhà báo Hữu Thọ tâm sự:
- Người dân sống ở Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám đều nhớ rằng, ở trong nhà anh muốn treo gì thì treo, nhưng cái mặt tiền ngôi nhà là của xã hội, anh treo cái quần đùi ở mặt tiền là đội sếp đến phạt ngay.
Hiện nay có một số blogger vẫn giữ thói quen phơi quần áo lót ở ban công vào việc viết các entry của mình… Và một số người khi phát biểu ý kiến thì cứ nghĩ là vẫn thói quen coi mình là chân lý, coi chân lý trong túi mình, không chịu được sự phản biện khác…
- Anh muốn phản biện người ta nhưng mà anh không muốn cho người ta phản biện, đấy là một bi kịch mà không phải ai cũng có thể tránh được.
Tôi không giáo điều nhưng tôi luôn nghĩ rằng, mọi công việc đều có sự biện chứng của nó, đều có hai mặt của nó. Nhưng một số người hiện nay cảm hứng chỉ chủ yếu là phê phán, anh không nhìn nhận vấn đề ấy, sự việc ấy trong một bối cảnh chung, mà lúc nào cũng chỉ nhìn thấy cốc Coca-Cola chỉ đầy một nửa mà không hiểu rằng, trong bối cảnh hiện nay, nó mới bị vơi đi một nửa thế là tốt rồi. Ông nghĩ thế nào về việc này?
- Tôi thì nghĩ như thế này. Khi anh thắng đậm mà anh nhìn được ra khuyết điểm thì đó là điều rất mừng, để cho nó khỏi chủ quan. Nhưng mặt thứ hai là, anh phê phán thì cái ấy rất cần, nhưng nếu anh lại cường điệu những khuyết điểm, thậm chí những khó khăn để bầu trời ấy đang xanh mà mọi người nhìn nó như u ám thì cũng không được…