Chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn
Để đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể (LĐTT), đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý…cho NLĐ. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Khang- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
PV: Tổng LĐLĐ Việt Nam là một thành viên quan trọng của MTTQ Việt Nam. Xin ông cho biết kết quả phối hợp công tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và MTTQ Việt Nam thời gian qua, nhất là công tác giám sát và phản biện xã hội?
Ông Nguyễn Đình Khang: Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát bảo đảm ATVSTP...
Các hoạt động trên đã tác động tích cực đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương trong thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng tích cực hưởng ứng, triển khai các phong trào, các cuộc vận động (CVĐ) do MTTQ Việt Nam phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày Vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các hoạt động an sinh xã hội khác. Phối hợp trao đổi thông tin về kết quả hoạt động và kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, phối hợp tuyên truyền các chương trình, chủ trương, các CVĐ của MTTQ Việt Nam gắn với đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của tổ chức công đoàn. Những việc làm nói trên đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn và đoàn viên, NLĐ, giới thiệu, nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, các CVĐ đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn là đại diện bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của NLĐ. Xin ông cho biết những hoạt động nổi bật của công đoàn các cấp thời gian qua?
- Các cấp công đoàn đã tập trung triển khai nhiều hoạt động đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng phức tạp và hệ thống chính sách, pháp luật đã và đang sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới. Tổ chức công đoàn cũng đã phát huy năng lực, trí tuệ của đoàn viên, NLĐ trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm đại diện đoàn viên, NLĐ trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55%; kiến nghị Quốc hội sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ theo quy định của Luật BHXH năm 2014 (sửa đổi) để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nữ…
Các cấp công đoàn cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước LĐTT. Đặc biệt, đã chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ trong các trường hợp doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản, nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN… Trong đó, công đoàn các cấp đã tham gia khởi kiện tại tòa án hoặc hướng dẫn cho đoàn viên, NLĐ tự khởi kiện 1.407 vụ tranh chấp lao động cá nhân; làm đơn yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản đối với 8 doanh nghiệp. Những nỗ lực của tổ chức công đoàn trong đại diện, chăm lo, bảo vệ đã góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Số cuộc ngừng việc tập thể trong các năm vừa qua có xu hướng giảm.
Để hạn chế tranh chấp lao động và đình công, tổ chức công đoàn Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện văn bản liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công thông qua tham gia sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các đạo luật khác. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cũng đào tạo, tập huấn về kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công cho cán bộ công đoàn các cấp. Xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt và thiết lập đường dây nóng về quan hệ lao động.
Được biết, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước LĐTT. Đây là nội dung mang lại lợi ích cho cả NLĐ và doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm chăm lo đời sống NLĐ hơn. Ngược lại, NLĐ có trách nhiệm hơn đối với công việc mình đang làm tại doanh nghiệp. Ông có thể cho biết một số đơn vị tiêu biểu đã thực hiện tốt thỏa ước LĐTT?
- Thỏa ước LĐTT là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định. Đây cũng là công cụ quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ NLĐ. Tính đến hết 6 tháng năm 2019, các cấp công đoàn đã ký kết được 29.896 bản thỏa ước LĐTT cấp doanh nghiệp, 6 bản thỏa ước LĐTT nhóm doanh nghiệp, thí điểm ký kết một thỏa ước LĐTT cấp Trung ương, mang lại lợi ích cao hơn quy định pháp luật cho khoảng hơn 5,8 triệu lao động. Một số địa phương tiêu biểu như: Hải Phòng ký kết thỏa ước LĐTT nhóm 19 doanh nghiệp Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ; Quảng Ninh triển khai sơ kết một năm thực hiện thỏa ước LĐTT nhóm 20 doanh nghiệp ngành du lịch - dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long, thương lượng, vận động thêm 8 doanh nghiệp tham gia vào thỏa ước nhóm...
Sau khi ký kết thỏa ước LĐTT, việc tiếp theo là thực hiện. Vậy công đoàn sẽ làm thế nào để giám sát việc thực hiện cho đúng với thỏa ước đã ký kết trước đó, thưa ông?
- Sau khi ký kết, thỏa ước LĐTT sẽ được tổ chức công đoàn tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, NLĐ để phát huy vai trò của tập thể người lao động trong giám sát thực hiện. Cùng với đó, công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp cùng công đoàn cơ sở thường xuyên nắm tình hình thực hiện thỏa ước LĐTT đã ký kết; tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thỏa ước LĐTT đã ký kết; xem xét về chất lượng, nội dung các bản thỏa ước thông qua “Thư viện thỏa ước LĐTT”, qua đó phát hiện những sai sót và hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động để khắc phục.
Cùng với bảo vệ quyền lợi NLĐ, công đoàn còn thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống NLĐ, nhất là những lao động nghèo. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của phong trào tương thân, tương ái, giúp đỡ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn thời gian qua?
- Cùng với đại diện, bảo vệ quyền lợi, các cấp công đoàn đã tích cực chăm lo đời sống của đoàn viên, NLĐ với một số mô hình hiệu quả. Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng thiết chế Công đoàn tại các KCN - KCX, góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết của đoàn viên, NLĐ về nhà ở, nhà trẻ, tư vấn pháp luật, siêu thị. BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI cũng ban hành Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Nhờ đó, đến nay đã có 2.281 công đoàn cơ sở đối thoại, thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của 587.239 NLĐ từ 15.000 đồng trở lên.
Trong đó, đặc biệt quan trọng là chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn được thực hiện từ năm 2017, tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động công đoàn theo hướng mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Hiện nay, đã có gần 03 triệu đoàn viên, NLĐ được hưởng lợi với tổng trị giá 1.114 tỷ đồng. Chương trình “Tết Sum vầy” được triển khai từ năm 2015, đã hỗ trợ, chăm lo cho hàng triệu NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán với tổng số tiền hơn 8.728 tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã hỗ trợ hơn 23 ngàn gia đình đoàn viên, NLĐ nghèo xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 672 tỷ đồng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kiểm tra an toàn thực phẩm để đảm bảo bữa ăn cho công nhân.
Một trong những điểm nhấn hoạt động của “Tháng Công nhân”- hoạt động tiêu biểu của tổ chức công đoàn trong chăm lo, phát huy vai trò của giai cấp công nhân - là công đoàn đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 4 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động trong các năm từ 2016 - 2019, góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời những khó khăn của người lao động.