Khắc phục tình trạng nhà sai phép, siêu mỏng
Ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Hiện nay, tình trạng nhà xây dựng sai phép, cơi nới, siêu mỏng đang diễn ra, vậy luật ra đời có xử lý được những vấn đề này không?” - Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội đặt vấn đề. Cũng theo ông Phúc, vấn đề an toàn trong xây dựng phải được quan tâm chú trọng. Bên cạnh đó, việc cấp phép xây dựng phải đảm bảo tính đơn giản để giảm thủ tục hành chính.
Cùng chung quan điểm, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, trong cấp phép xây dựng, làm sao đơn giản hóa thủ tục hành chính và cần quan tâm đến người dân nhiều hơn. Bởi không chỉ đơn giản hóa thủ tục đối với các công ty, doanh nghiệp lớn mà đối với người dân cũng phải đơn giản hóa thủ tục vì không ít sự nhũng nhiều, tham nhũng cũng nằm ở khâu cấp phép xây dựng.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nhấn mạnh, thực tế luật hiện hành không vướng nhiều về mặt kỹ thuật mà chủ yếu vướng ở quản lý trật tự xây dựng. Do đó, nếu sửa luật phải đảm bảo ai cũng phải thực hiện nghiêm túc về trật tự xây dựng và công tác quản lý, làm sai luật là phải có chế tài.
Đưa ra dẫn chứng 1 doanh nghiệp vay ngân hàng 200 tỷ đồng với lãi suất 1,5%/tháng, bình quân một ngày trả 100 triệu đồng tiền lãi suất và đưa vào giá thành khi xây dựng dự án nhà ở, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị những quy định về cấp phép xây dựng cần đơn giản hóa để giảm thủ tục hành chính bởi nếu thủ tục kéo dài, mọi chi phí đều tính vào giá thành, cuối cùng người dân phải gánh chịu.
“Người dân xin phép rất khó khăn nhưng có công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại làm mất lòng tin của người dân. Do đó luật phải làm nghiêm, đừng để tình trạng phạt cho tồn tại sẽ làm mất tính nghiêm minh của pháp luật”- bà Hải nêu rõ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thì băn khoăn khi Báo cáo tổng kết sau hơn 4 năm thực hiện Luật hiện hành đánh giá “tình hình vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm qua các năm”. Theo bà Nga, phải đánh giá đúng mới xem xét việc sửa các quy định phù hợp vì có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong thời gian dài nhưng cho tồn tại và không được phát hiện, cho đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp trong khi có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền.