Thành công từ cách làm thiết thực
Hoạt động của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) ngày càng gần gũi với chị em, gần gũi với cộng đồng. Từ câu chuyện tưởng đơn giản như phụ nữ đi chợ, cho tới phụ nữ làm kinh tế, hay dấn thân vào chinh phục khoa học công nghệ, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài… đều có dấu ấn của hoạt động Hội. Lựa chọn những vấn đề, những cách làm thiết thực trong tổ chức các cuộc vận động là mấu chốt đem đến thành công. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Hà- Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thăm hỏi và động viên phụ nữ bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá bị ảnh hưởng mưa lũ.
PV: Hội Liên hiệp Phụ nữ là tổ chức chính trị - xã hội lớn, thu hút nhiều thành viên nhất trong hệ thống Mặt trận. Hầu hết các phong trào của Mặt trận đều có sự đóng góp quan trọng của Hội Phụ nữ. Nhìn lại quá trình đó, theo bà đâu là những dấu ấn trong công tác phối hợp triển khai các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận?
Bà Nguyễn Thị Thu Hà: Với hơn 18 triệu hội viên, Hội LHPN Việt Nam luôn vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ phát động bằng cách lựa chọn những nội dung cụ thể, hướng về cơ sở để hưởng ứng một cách thiết thực. Ví dụ để thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Ngày vì người nghèo”, Hội triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, đẩy mạnh các hoạt động “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ tiết kiệm theo gương Bác”, “Xây dựng mái ấm tình thương”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” … Đây là những hoạt động cụ thể, phù hợp với khả năng của đông đảo hội viên, phụ nữ, từ đó phát huy được sức mạnh tập thể của chị em. Hội LHPN cũng xây dựng nhiều mô hình như: “Đoạn đường nở hoa”, “Tiếng kẻng bình yên”, “Phân loại rác tại nguồn”, “Uống có trách nhiệm”… để góp phần vào thành công của các mô hình, các hoạt động do MTTQ chủ trì hoặc tham gia.
Trong các cuộc vận động của Hội Phụ nữ, thì cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” có ý nghĩa góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Vậy Hội Phụ nữ đã làm thế nào để thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ nói riêng và cả cộng đồng nói chung tham gia?
- Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” được Hội triển khai từ năm 2010 với các tiêu chí cụ thể, thiết thực. Khi phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thì cuộc vận động này góp phần thực hiện 11/19 tiêu chí NTM.
Để cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” thu hút sự tham gia không chỉ của phụ nữ mà còn có cả sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Hội đã đề ra chỉ tiêu cụ thể của cuộc vận động trong Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc XII, xác định giải pháp là các cấp Hội đã xây dựng chỉ tiêu cụ thể, đăng ký với cấp ủy, chính quyền phần việc/hoạt động xây dựng nông thôn mới, gắn kết việc thực hiện cuộc vận động. Bên cạnh đó, Trung ương Hội cũng tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách để có nguồn lực thực hiện. Từ kết quả thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2010-2015, Hội đã chủ động đề xuất và được Ban Chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” vào nội dung Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, tạo cơ chế quan trọng để phát huy hơn vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng NTM.
Cuộc vận động “Xây dựng Gia đình 5 không, 3 sạch” trong 10 năm qua đã thu được một số kết quả nổi bật, nhất là trong xây dựng NTM. Chẳng hạn, thực hiện tiêu chí “Không đói nghèo”, các cấp Hội đã hỗ trợ vốn, dạy nghề, kỹ năng khởi nghiệp và hàng năm giúp gần 100.000 hộ nghèo đã thoát nghèo; vận động 11,2 triệu phụ nữ tham gia tiết kiệm với dư nợ 9.800 tỷ đồng giúp nhau vốn sản xuất, kinh doanh, mua bảo hiểm y tế, xây dựng công trình vệ sinh. Hội cũng hỗ trợ thành lập mới 358 HTX do phụ nữ quản lý và 3.853 tổ hợp tác/tổ liên kết, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn…
Được biết, trong việc triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mỗi địa phương lại có những cách làm riêng, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Bà có thể cho biết một số sáng kiến, kinh nghiệm của các địa phương từ Cuộc vận động này?
- Mỗi địa phương đều có những điểm sáng trong thực hiện Cuộc vận động, ở đây xin nêu một số ít các kinh nghiệm hay. Hội LHPN Hà Tĩnh phát động thi đua “Phụ nữ tích cực xây dựng nhà sạch, vườn đẹp, chung sức xây dựng nông thôn mới” và xây dựng, nhân rộng mô hình “10 hộ liền kề” cùng chung tay xây dựng NTM. Những hoạt động này giúp chị em đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Ở Bắc Ninh, Hội LHPN chỉ đạo xây dựng 126 “Làng/Khu phố 3 sạch”, 5 “Làng nông thôn mới kiểu mẫu”. Từ đó, chất lượng xây dựng đô thị, NTM được nâng lên một bước; trở thành hình mẫu để các nơi khác có thể tham khảo, nhân rộng. Hay như Hội LHPN TP Hà Nội đã chỉ đạo duy trì và nhân rộng mô hình “Sạch đồng ruộng” 100% cơ sở Hội có hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm tuyên truyền, vận động phụ nữ và người dân vệ sinh đồng ruộng, thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện cả nước đã xây dựng được 3.600 “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới” ở 40 tỉnh. Các cấp Hội đã xây dựng nhiều mô hình đa dạng, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau như “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Dùng làn đi chợ”, “Thôn phụ nữ xanh - sạch - đẹp”, “Nhà tôi xanh - sạch - đẹp”, “Hộ gia đình không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn”, “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh”, “Đội nữ dân phòng vùng dân tộc thiểu số”… Các mô hình hiệu quả đều được rút kinh nghiệm, tài liệu hóa để nhân rộng. Cho nên có thể nói, cùng một cuộc vận động, nhưng mỗi địa phương lại có những biện pháp riêng, như một “vườn hoa đua nở”.
Một hoạt động nổi bật khác của Hội LHPN Việt Nam là công tác đối ngoại nhân dân, qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương hội nhập của đất nước. Xin bà cho biết những điểm mới, điểm nổi bật trong công tác đối ngoại của Hội trong thời gian qua?
- Bên cạnh việc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hữu nghị truyền thống và mở rộng quan hệ đối tác, Hội đã đầu tư cho các vấn đề mới, vấn đề nóng như vấn đề phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, phụ nữ di cư lao động. Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan chức năng của các nước có đông cô dâu Việt như Hàn Quốc, các tổ chức của phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài để chủ động trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ Việt Nam. Điển hình là vụ việc các lao động nữ Việt Nam ở Ả rập Xê út bị bóc lột lao động hay trường hợp các cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc bị bạo hành, chúng tôi đã có văn bản trao đổi với Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc đề nghị phối hợp giải quyết kịp thời.
Về phương thức hoạt động, chúng tôi mở rộng các hoạt động diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm, từ đó thiết lập quan hệ hợp tác, đối ngoại, ví dụ như Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Lào - Campuchia (năm 2017), Diễn đàn thường niên Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc, Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Nga (năm 2019)… Một số sáng kiến như Chuyến xe hữu nghị phụ nữ Việt Nam - Lào - Campuchia (năm 2017), Chuyến xe hữu nghị phụ nữ Lào - Việt Nam (năm 2018), các hoạt động truyền thông phối hợp giữa 2 tổ chức phụ nữ Việt Nam và Lào tại vùng biên giới… cũng đem lại hiệu quả thiết thực.
Các cấp Hội cũng chủ động tổ chức các hoạt động nhằm góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra. Năm 2018, Hội đã cùng Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của các nhà khoa học nữ trong phát triển kinh tế. Gần đây hơn, chúng tôi là đầu mối triển khai dự án hợp tác do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, tái hòa nhập bền vững.
Có thể nói, công tác đối ngoại trong thời gian qua đã có sự thay đổi mạnh mẽ cả về phương thức và nội dung hoạt động, góp phần vào thành công trong công tác đối ngoại nhân dân của MTTQ và công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn bà!
* Với hơn 18 triệu hội viên, Hội LHPN Việt Nam luôn vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ phát động bằng cách lựa chọn những nội dung cụ thể, hướng về cơ sở để hưởng ứng một cách thiết thực. Đó là những hoạt động cụ thể, phù hợp với khả năng của đông đảo hội viên, phụ nữ, từ đó phát huy được sức mạnh tập thể của chị em.