Chung sức chăm lo cuộc sống người có công

Lê Bảo 19/09/2019 07:00

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là đạo lý ngàn đời của dân tộc đồng thời cũng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt từ khi ngày 27/7 hàng năm trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Song, có thể nói chưa bao giờ công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công được quan tâm và thu được những thành quả như hiện nay.

Chung sức chăm lo cuộc sống người có công

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thăm hỏi động viên các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam. Ảnh: Mạnh Dũng.

Chuyển biến mạnh mẽ từ sự phối hợp

Với quyết tâm giải quyết dứt điểm hồ sơ người có công (NCC) còn tồn đọng chỉ sau một thời gian ngắn với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng đã giải quyết dứt điểm hàng nghìn hồ sơ NCC tồn đọng . Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, các cấp, ngành đã rà soát, xem xét và giải quyết trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho từng đối tượng. Hồ sơ tồn đọng ở cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân đang được Bộ LĐTBXH tiếp tục xem xét, bao gồm 725 hồ sơ (323 liệt sĩ, 402 thương binh), dự kiến giải quyết xong trong năm 2019.

Để có được kết quả trên, là sự cố gắng, tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương cơ sở, của Mặt trận các cấp đã nỗ lực hết sức mình trong giám sát, tìm kiếm, chắt lọc những chứng cứ dù là nhỏ nhất, những thông tin ít ỏi nhưng vô cùng quý báu để từ đó hình thành nên những cơ sở nhất định để xem xét, xác nhận đối tượng NCC với cách mạng với mục tiêu không bỏ sót NCC thật sự.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015”. Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013, năm 2014 Bộ LĐTBXH đã phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Thông qua cuộc rà soát hàng nghìn hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết kịp thời, mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó, thông qua rà soát những hành vi làm giả giấy tờ, trục lợi chính sách đã được mang ra ánh sáng, lấy lại niềm tin cho nhân dân. Đáng ghi nhận thông qua sự phối hợp đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân đối với việc giám sát số người đang hưởng chế độ cũng như lập hồ sơ xét duyệt NCC.

Đánh giá vai trò của cơ chế phối hợp liên ngành, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng khẳng định, việc rà soát chính sách NCC là việc làm không đơn giản chính vì vậy bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng, rất cần phát huy cơ chế phối hợp liên ngành trong đó là vai trò giám sát của Mặt trận trong quá trình xác lập hồ sơ NCC còn tồn tại.

Hiện nay dù việc rà soát hồ sơ tồn đọng đã hoàn tất nhưng để thực hiện tốt chính sách chăm sóc cho NCC cần có sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ thực hiện giám sát chuyên đề đảm bảo chính sách đến đúng người, đúng đối tượng đồng thời tuyên truyền vận động xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ giúp nạn nhân da cam xóa đói giảm nghèo.

“Để hoàn thành chỉ tiêu do Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra trong Chỉ thị số 14, đến năm 2020 giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC với cách mạng còn tồn đọng là nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Việc làm này cần phải xử lí hết sức căn cơ, phải làm công khai, minh bạch.Chính vì vậy cần phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để giải quyết hồ sơ xác nhận NCC còn tồn đọng. Trong đó, thực hiện cơ chế xác nhận dựa vào cộng đồng dân cư nơi NCC sinh sống; phát huy Quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch và giám sát của nhân dân ngay từ khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ”- Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Không để người có công phải ở nhà tạm

Cùng với chính sách giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng thì việc chăm lo đời sống NCC cũng luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện cả nước có hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến…

Hàng năm, ngân sách nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công đối với cách mạng. Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn thể xã hội đã thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực. Tuy nhiên, thống kê về giảm nghèo của Bộ LĐTBXH cho thấy, đến cuối năm 2018, có 53/63 tỉnh, thành phố còn 16.560 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC chiếm 1,27% tổng số hộ nghèo cả nước.

Cụ thể, hai tỉnh có hơn 1.000 hộ là Nghệ An và Quảng Bình. Từ hơn 500 đến dưới 1.000 hộ có tám tỉnh. Từ hơn 300 đến dưới 500 hộ có 10 tỉnh. Từ 100 đến dưới 300 hộ có 21 tỉnh, dưới 100 hộ có 13 tỉnh. Ngoài ra, 10 tỉnh đã không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách đối với Người có công là Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Đây thực sự là điều trăn trở trong công tác giảm nghèo, khi chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để NCC sống dưới mức sàn an sinh xã hội, vẫn còn thành viên là NCC vẫn đang còn sống trong hộ nghèo.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 cả nước không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC tại Hội thảo bàn giải pháp để giúp hộ nghèo NCC thoát nghèo do Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian để đạt mục tiêu như đề ra không còn nhiều trong khi đó số hộ nghèo là NCC còn rất lớn. Do vậy ngoài nguồn lực từ Nhà nước cần huy động sự đóng góp nguồn lực từ xã hội. Để làm được điều này cần phát huy vai trò của Mặt trận cùng tham gia, phối hợp để huy động nguồn lực, giám sát và thực hiện chính sách cho hiệu quả.

Thực tế ở nhiều địa phương việc thực hiện chính sách NCC đã đạt được nhiều kết quả nhờ sự vào cuộc của Mặt trận. Điển hình như TP Hồ Chí Minh, là một trong số những địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, toàn thành phố không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng NCC. Để đạt được kết quả trên, TP Hồ Chí Minh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là làm tốt công tác huy động nguồn lực kinh tế của xã hội để tập trung hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng NCC nói riêng và hộ nghèo nói chung.

Theo đó Ủy ban MTTQ thành phố đã phối hợp với Sở LĐTBXH triển khai kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện hộ nghèo nói chung và lao động thuộc diện NCC và thân nhân NCC nói riêng. Tùy điều kiện của mỗi gia đình để có những hình thức hỗ trợ khác nhau nên cần khảo sát chính xác nhu cầu việc làm của từng đối tượng, thống kê danh sách, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Sau đó giới thiệu những người ở độ tuổi lao động đi đào tạo nghề, rồi gửi vào làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, MTTQ và ngành LĐTBXH chủ trì kết nối với trường nghề, doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo nghề, mở sàn giao dịch việc làm, tổ chức ngày hội tuyển dụng… Với những cách làm sáng tạo đó TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng NCC.

Lê Bảo