Gieo mầm lý tưởng cho thanh niên
Ông Vũ Trọng Kim - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam,Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, MTTQ Việt Nam phải có trách nhiệm gieo mầm lý tưởng cho thanh niên để họ thấy được sức mạnh, tinh thần đoàn kết gắn với trí tuệ của thời đại. Đó sẽ là một sự thay đổi lớn.
Ông Vũ Trọng Kim. Ảnh: Quang Vinh.
PV: Ông là người đã từng kinh qua rất nhiều vị trí công tác trong nhiều thời điểm, hoàn cảnh của đất nước, từ du kích xã, thanh niên xung phong (TNXP) đến công tác Đoàn, từ địa phương lên Trung ương, từ Trung ương về địa phương, từ công tác chính quyền sang công tác đoàn thể, khi vừa là cán bộ Mặt trận vừa là một đại biểu dân cử. Vậy vai trò nào khiến ông bận tâm nhất?
Ông Vũ Trọng Kim: Tôi nghĩ rằng công việc nào cũng là quan trọng, cũng khiến mình phải bận tâm vì khi đã cố gắng làm việc thì phải phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không đặt nặng cái này hay đặt nhẹ cái kia. Nhưng đối với công việc mà tầm ảnh hưởng rộng trong phạm vi quốc gia, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của đất nước, thì mình sẽ lo lắng hơn, phải hành động nhanh hơn. Trong thời gian tôi gắn bó với công tác Mặt trận, có một điều tôi luôn tâm niệm và nghĩ đến, đó là Mặt trận phải làm sao đại diện cho tiếng nói của nhân dân, phản ánh được tiếng nói của nhân dân và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trước những vấn đề - có thể là những điều đương nhiên người dân được hưởng nhưng cũng có những việc người dân cần được bảo vệ do sự bất công mang lại.
Mục đích của giám sát và phản biện xã hội cũng chỉ mong muốn làm được điều như thế. Bảo vệ tổ chức nhưng hơn hết là bảo vệ người dân, bảo vệ quyền lợi sát sườn của người dân. Bởi “quyền và nghĩa vụ” đó mới mang lại cuộc sống cho nhiều người. Nhiều người sẽ mang lại cuộc sống bình yên, văn minh và tiến bộ cho xã hội. Nếu làm tới đâu hay tới đó, không năng nổ sẽ không mang lại hiệu quả. Muốn thấy kết quả, phải cá biệt hóa, phải đi vào con người, đấy mới là sự bảo vệ chân chính, trực tiếp, trung thực và hiệu quả nhất.
Bây giờ trên cương vị là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam - thành viên của MTTQ Việt Nam và gắn bó mật thiết với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, dường như cuộc hành trình của người thanh niên xung phong năm xưa vẫn tiếp tục như lời một bài hát “Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên”…
- Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu còn sức khỏe thì còn cống hiến và trong bất cứ nhiệm vụ nào đều phải trung thực, thẳng thắn, không hình thức hay che đậy. Chỉ khi chiếu rọi vào sự thật thì mới có biện pháp khả thi để giải quyết vấn đề.
Vậy theo ông làm thế nào để Hội Cựu TNXP Việt Nam phát huy đúng vai trò của mình?
- Cán bộ, hội viên của Hội đều ở trong độ tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP. Hiện nay, trong số hơn 424.000 hội viên của chúng tôi, đa số họ đều đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã hội ở các cấp.
Để làm được việc, mọi cựu TNXP phải phát huy phẩm chất vốn có của mình và lan tỏa ra cộng đồng, trong xã hội, đặc biệt với những người trẻ tuổi. Họ cũng qua giai đoạn đó nhưng qua con người cụ thể của Hội Cựu TNXP, họ nhìn thấy được tấm gương có thực, nhân sinh thực sự được phác họa lên trong các thời kỳ lịch sử đã đi qua. Bây giờ điều này là quý hiếm phải được nhân lên chứ không được bớt đi.
Bởi giai đoạn lịch sử sau luôn đứng trên vai của giai đoạn lịch sử đi trước thì đất nước mới phát triển, hùng cường, thịnh vượng. Hiện nay, tôi đánh giá rất cao đội ngũ thanh niên - họ đang nhìn vào những thế hệ đi trước để chứng tỏ rằng họ là người viết tiếp sứ mệnh, trung thành và sâu sắc.
Cũng chính vì thế mỗi một cựu TNXP bây giờ càng phải có nhiệm vụ gìn giữ, nhân rộng, lan tỏa tinh thần cách mạng, lan tỏa sức chiến đấu của quân và dân ngày trước để truyền lửa cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Ông vừa nhắc đến những người trẻ tuổi khiến chúng tôi lại nhớ đến những chiếc áo màu xanh tình nguyện, mang sức trẻ đi khắp mọi miền đất nước dựng xây quê hương. Chiếc áo hẳn là có nhiều kỷ niệm với ông khi còn là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khóa VI, khóa VII?
- Thời điểm đó, chúng tôi có rất nhiều việc phải làm khi đất nước chuyển mình bước qua thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới. Chúng tôi dành nhiều công sức để chuẩn bị như xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp, Đảo Thanh niên, xóa cầu khỉ xây cầu nông thôn mới, đưa trí thức trẻ về nông thôn, miền núi, tham gia làm Đường Hồ Chí Minh, thực hiện Chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc…; phát động Năm Thanh niên, nhất là phong trào thanh niên tình nguyện một cách “toàn dân, toàn diện” trong cả nước…
Trong số các công trình, dự án phục vụ cho chiến lược đó, có một hoạt động trực quan mang tính đột phá, đó là cho ra đời chiếc áo xanh thanh niên tình nguyện mang hình cờ Tổ quốc bên phía trái tim. Đây là sự chuẩn bị cho thanh niên xuất hiện đội hình lớn trước xã hội, tạo hình ảnh lớp thanh niên đoàn kết, đồng lòng nhất trí muôn người như một, mang lý tưởng hiến dâng cho Tổ quốc, bất cứ đi đâu hay làm một việc gì.
Trải bao sương gió, chiếc áo vẫn bền màu và đi theo chiều dài bước chân tình nguyện hơn 20 năm rồi. Chiếc áo không chỉ riêng cho Đoàn Thanh niên mà còn là hành trang của cả thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh, nên nó bao hàm cả sức mạnh đoàn kết của một lực lượng. Cảm hứng lan tỏa sẽ còn vươn xa. Tôi tin rằng, màu xanh đó sẽ mãi đi cùng với các thế hệ thanh niên Việt Nam.
Nhìn về phía trước, giai đoạn mà Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ trải qua, ông có suy nghĩ gì về công tác Mặt trận?
- Trong giai đoạn tới, nói về kinh tế-xã hội, chúng ta đang hội nhập thế giới rất sâu rộng nên lợi ích của các nước trên thế giới cũng phản ánh vào lợi ích của nước mình. Lợi ích của dân tộc mình phải nằm trong lợi ích chung của thế giới. Đừng nghĩ rằng mình làm nhiều mà để họ làm ít. Quyền lợi, lợi ích phải san sẻ, đó chính là tinh thần đoàn kết quốc tế. Bởi vậy tinh thần đại đoàn kết của Mặt trận cần phải được thể hiện ngay trong kinh tế-xã hội.
Xã hội phát triển sẽ xuất hiện những nhu cầu và nguyện vọng đa dạng, phong phú. Chúng ta cần nắm bắt xu hướng mới, tương tác và chia sẻ. Điều đáng quan tâm là nhận thức chưa đồng đều, do nền tảng văn hóa và nhận thức pháp luật nên việc tuyên truyền và trợ giúp pháp luật trở thành nhu cầu lớn, nếu không được chú trọng sẽ có những diễn biến phức tạp. Ví dụ khi đề cập đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Mặt trận cần chủ động phối hợp với nhiều ngành, nhiều cấp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Đơn cử như lĩnh vực tuyên truyền vận động cần nhìn thấy rõ hai mặt tích cực và tiêu cực của thông tin mạng xã hội để giúp nhân dân chủ động hơn, tích cực hơn trong quá trình tham gia góp ý kiến giám sát hay phản biện xã hội…Có vậy mới mong đổi mới trên nền tảng “đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Nhưng điều đó không đáng lo bằng việc an ninh biên giới và bảo vệ biển đảo bị đe dọa. Đối diện với những vấn đề này, MTTQ Việt Nam phải trở thành trung tâm đoàn kết, tìm thấy sức mạnh kết hợp của đoàn kết trong nước với đoàn kết quốc tế.
Nhìn ra thế giới ở thời điểm này, mình phải tìm hiểu được thế giới hiện nay đang phát triển xu hướng nhân văn thế nào, nhân đạo thế nào, nhân quyền ra sao, tính xã hội hóa thế nào, từ đó tổ chức một cuộc sống trong sự tương tác với thế giới ở một không gian mới với một tầm cao mới. Vật chất là một phần, nhưng cần phải hiểu rằng, dân tộc này hơn dân tộc khác là ở nền văn hóa. Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói “Chúng ta thắng đế quốc Mỹ là nhờ có một nền văn hiến nhiều ngàn năm”. Bài học còn mới nguyên và Mặt trận phải làm theo điều đó.
Với những thách thức hiện nay, mình phải vươn vai phát triển vừa đủ lực bảo vệ gìn giữ đất nước vừa đủ sức đưa nền kinh tế đi lên. Muốn làm được điều này cần phải chú trọng, quan tâm các chính sách bồi dưỡng và phát huy thế hệ trẻ, tạo ra những động lực mới hấp hẫn, thúc đẩy thanh niên cống hiến và trưởng thành, vì họ là những người quyết định cho hiện tại và tương lai đất nước, tương lai của MTTQ, tương lai của đại đoàn kết dân tộc.
Thực tế, hiện nay vẫn còn những thanh niên nghĩ đơn giản chỉ là việc làm - mình làm việc này việc kia, giúp người này người nọ mà chưa nghĩ đến việc tương tác, kết thành lực lượng đầu tàu để đưa đất nước tiến lên hùng cường. Tôi cho rằng, Mặt trận phải có trách nhiệm gieo mầm lý tưởng cho thanh niên để họ thấy được sức mạnh, tinh thần đoàn kết gắn với trí tuệ của thời đại. Và đó sẽ là một sự thay đổi lớn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cần phải chú trọng, quan tâm các chính sách bồi dưỡng và phát huy thế hệ trẻ, tạo ra những động lực mới hấp hẫn, thúc đẩy thanh niên cống hiến và trưởng thành, vì họ là những người quyết định cho hiện tại và tương lai đất nước, tương lai của MTTQ, tương lai của đại đoàn kết dân tộc.