Sửa đổi Luật Điện ảnh: Gỡ khó cho doanh nghiệp điện ảnh Việt

Minh Sơn 20/09/2019 08:00

Luật Điện ảnh hiện hành với nhiều quy định không phù hợp đang trở thành rào cản cho sự phát triển của điện ảnh trong nước. Do đó, việc sửa đổi các quy định sẽ tạo ra những cơ chế thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiêp điện ảnh Việt với các đơn vị nước ngoài tại thị trường trong nước.

Sửa đổi Luật Điện ảnh: Gỡ khó cho doanh nghiệp điện ảnh Việt

Phim Việt đang “thua thiệt” ngay trên sân nhà. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Cục Điện ảnh, qua 12 năm thi hành Luật Điện ảnh, doanh thu của ngành đã không ngừng tăng lên, từ 2 triệu USD năm 2000, lên hơn 100 triệu USD năm 2015 và doanh thu đạt gần 150 triệu USD năm 2018. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng về doanh thu thì thị phần đang bị lấn át bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, hiện 64% tổng số cụm rạp và 65,2% số phòng chiếu trên tổng số cụm rạp và phòng chiếu tại Việt Nam thuộc về doanh nghiệp phát hành phim của nước ngoài. Bên cạnh đó, gần 75% phim chiếu ngoài rạp hiện nay là phim ngoại nhập. Chính vì vậy con số 150 triệu USD đạt được trong năm 2018 chỉ nói lên tiềm năng của thị trường Việt Nam với doanh nghiệp ngoại, còn doanh nghiệp trong nước thì vẫn đang “dẫm chân tại chỗ”. Điều trớ trêu nhất là trong tình cảnh cạnh tranh khốc liệt như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam lại bị chính Luật Điện ảnh trói buộc bởi nhiều quy định bất hợp lý. Đơn cử như quy định phải có rạp chiếu mới được nhập phim chỉ có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Sau khi xây dựng rạp, doanh nghiệp toàn quyền nhập phim ngoại về kiếm lãi và không quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Việt Nam.

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH BHD: Nếu mua thiết bị từ nước ngoài thì nhà sản xuất nội địa vẫn phải nộp thuế, còn công ty nước ngoài thì hưởng thuế ưu đãi. Mặt khác, ngay cả việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển điện ảnh của doanh nghiệp nội cũng gặp khó, bởi lĩnh vực này chủ yếu là tài sản vô hình, tức tài sản mang nặng giá trị văn hóa, nên không được định giá cao. “Dù chính sách vay vốn ưu đãi, ưu đãi thuế đã có trong luật nhưng không được thực thi và rất khó thực thi”- bà Hạnh nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Duy Anh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết: Giá đầu tư trung bình để sản xuất một phim truyện Việt Nam có thời lượng từ 90 đến 100 phút là khoảng từ 12 đến 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi phát hành và phổ biến trong mạng lưới rạp chiếu phim chỉ có khoảng 10% phim thu hồi được vốn sản xuất, đa số các phim còn lại không thu hồi được vốn, đặc biệt là phim nghệ thuật. Thực tiễn đó đòi hỏi cần phải thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh để tạo điều kiện chủ động về tài chính trong sáng tạo, phổ biến tác phẩm điện ảnh.

Có thể thấy, những bất cập trên đã tồn tại quá lâu, kể từ khi Luật Điện ảnh ra đời (2006), cho đến khi sửa đổi (2009) không có sự thay đổi nào đáng kể. Thị trường miền Nam vốn được coi là đất sống của điện ảnh, thì nay các doanh nghiệp điện ảnh tại đây cũng đang phải “loay hoay” và gồng mình để cạnh tranh với các công ty nước ngoài, song luôn nhận phần thua về mình. Cùng với đó, theo số liệu thống kê đến cuối năm 2018, cả nước tới 500 hãng phim tư nhân nhưng trên thực tế thì chỉ có khoảng 20-30 hãng duy trì hoạt động sản xuất phim đều đặn, khoảng chục hãng sản xuất được 2-3 phim. Còn lại 450 hãng “ngồi chơi xơi nước” và không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại, dù họ chỉ nhập phim và phát hành.

Ông Đặng Xuân Hải- Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: Cần thiết kế các rào cản kỹ thuật về thương mại để hỗ trợ điện ảnh Việt Nam phát triển, cụ thể là quy định số giờ chiếu tối thiểu vào giờ vàng cho phim Việt Nam là 50% thay vì 20% như hiện nay. Quy định này đã được nhiều quốc gia thực hiện nhằm cân đối nguồn phim ngoại nhập và để giữ gìn văn hóa dân tộc. Việt Nam từng bỏ qua cơ hội đó, tại thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và đây là lúc cần sửa sai để tạo chỗ đứng ­­­­­cho doanh nghiệp điện ảnh trong nước.

Trước thực trạng này, mới đây trong Tờ trình gửi Chính phủ về đề xuất sửa đổi Luật Điện ảnh, Bộ VHTTDL cũng nêu rõ: Một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh quy định tại Luật Điện ảnh chưa có tính khả thi, chưa được thực hiện nghiêm túc như: Chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh; việc quy định doanh nghiệp phát hành phim muốn kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim không còn phù hợp. Quy định này cho phép một công ty thực hiện đồng thời hai chức năng vừa phát hành vừa phổ biến phim, dẫn đến công ty nhập khẩu có hệ thống rạp lớn sẽ chi phối thị trường chiếu phim và thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, Bộ VHTTDL kiến nghị khắc phục các bất cập nêu trên thông qua việc sửa đổi quy định của Luật Điện ảnh, tạo sự cạnh tranh lành mạnh hơn cho các doanh nghiệp điện ảnh trong nước. Mặt khác, Bộ VHTTDL cũng đề nghị các doanh nghiệp điện ảnh nội cần nỗ lực vươn lên, khẳng định chất lượng phim để tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, từ đó góp phần thực hiện tốt chức năng bảo tồn, quảng bá văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Minh Sơn