Nhiệm kỳ mới, sức sống mới
Dưới mái nhà chung đại đoàn kết, những người gắn bó tâm huyết, trách nhiệm với Mặt trận đã chia sẻ nhiều nỗ lực của mình khi góp một phần nhiệt thành, trí tuệ, công sức, tâm huyết để tiếp tục xây dựng và gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong một nhiệm kỳ mới với sức sống mới.
Chung sống trong tinh thần đoàn kết
Hoà thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân là một trong những nhiệm vụ, vai trò quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam.
Hoà thượng Thích Thiện Nhơn.
Hơn bao giờ hết, tinh thần đoàn kết luôn là chất keo gắn bó tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống, đưa đến một sự thành công viên mãn. Dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có thứ vũ khí nào khác có đủ sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù ngoài sự đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo”, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng, vấn đề tập hợp, đoàn kết và đoàn kết tôn giáo trong thời đại ngày nay chưa bao giờ mất đi ý nghĩa và vai trò quan trọng của nó.
Điều này được thể hiện rất rõ qua tư tưởng của Đức Phật trong Kinh Trường Bộ, phẩm Kinh Đại Niết Bàn như sau: “Này các Tỳ kheo, ngày nào chư đệ tử còn hội họp, chung sống trong tinh thần đoàn kết, làm việc, trong tinh thần đoàn kết, giải tán trong tinh thần đoàn kết, thì nhất định giáo pháp không thể suy đồi mà trái lại còn phồn thịnh hơn trước”.
Người Công giáo tự hào là người Việt Nam yêu nước
Khẳng định đồng bào Công giáo Việt Nam nêu cao truyền thống yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh - Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho biết, 7 triệu giáo dân Việt Nam là 7 triệu công dân Việt Nam mừng vui thực hiện đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào... Quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”.
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh.
Đó là truyền thống thống yêu nước vốn có trong tự thân mỗi người con Việt Nam như Danh sĩ Nguyễn Trường Tộ với câu nói bất hủ trong Điều trần Giáo môn luận: “Giáo dân cũng là người, ai lại không có lòng trung hiếu; như linh mục Phêrô Đậu Quang Lĩnh, linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Thần Đồng, linh mục Anphonsô Phạm Gia Thụy, Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu...” Họ đều là những người gắn bó với cách mạng Việt Nam, như linh mục Phêrô Nguyễn Trọng (Đồng Tháp Mười) với hàng trăm tấn gạo, thuốc men gửi nuôi chiến sĩ. Giáo dân Giuse Maria Hồ Huệ Bá (Sa Đéc) vận động giáo dân đấu tranh chống thu tô, chống canh tác, chống đuổi học trò đạo.... Và còn biết bao tấm gương người Công giáo yêu nước nữa. “Càng tự hào, người Công giáo Việt Nam càng ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước” - theo Linh mục Trần Xuân Mạnh, điều này được thể hiện trước hết là ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, và không chỉ đóng góp cho sự phát triển chung.
Ngày nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã và đang vận động đồng bào Công giáo tham gia xây dựng đất nước theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo phát triển dung hòa 3 lĩnh vực: Kinh tế, Văn hóa xã hội và Môi trường.
“Là người đại diện tổ chức, tôi ý thức được vai trò và trách nhiệm của tổ chức này đối với phong trào. Tôi tin tưởng rằng đồng bào Công giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp bước truyền thống yêu nước của cha ông, sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu 10 chữ “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”- Linh mục Trần Xuân Mạnh bày tỏ.
Hiến kế, sáng tạo và đề xuất đúng đắn
Trong không khí ấm áp thân tình, ông Lý Ngọc Minh - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long chia sẻ câu chuyện cuộc đời ông khi gần 40 năm, kể từ sự chân tình và lời mời của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (khóa II MTTQ Việt Nam); tiếp đến là lời mời của Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Phạm Văn Kiết cùng những thuyết phục tình cảm, chân thành của nhiều cán bộ, lãnh đạo của Mặt trận, ông Lý Ngọc Minh đã chính thức tham gia UBTƯ MTTQ Việt Nam (bổ sung khóa III, năm 1984) và năm 1988, ông được tham gia Đoàn Chủ tịch khóa IV, liên tục qua các khóa từ đó đến nay.
Ông Lý Ngọc Minh.
Dưới mái nhà chung đại đoàn kết, là người gắn bó tâm huyết, trách nhiệm với Mặt trận, ông Lý Ngọc Minh cho rằng, trong một khoảng thời gian có thể nói là rất dài, ông đã cơ bản hiểu được vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyền và trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban Trung ương và Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam.
Nhưng ở cương vị nào, dù là doanh nghiệp hay công dân, ông Lý Ngọc Minh cho rằng, nếu xuất phát từ trách nhiệm, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội để hiến kế, sáng tạo hay đề xuất đúng đắn, chính đáng với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận, đồng tình, ủng hộ bằng luật pháp, chính sách, cơ chế phù hợp với quy luật và thực tiễn cuộc sống, của sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hai bố con là đại biểu của Đại hội MTTQ Việt Nam khoá IX
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, bày tỏ rằng, ông cảm thấy rất vinh dự khi được tham gia nhiều kỳ Đại hội, nhưng may mắn hơn tại kỳ Đại hội này cả hai bố con ông đều tham dự ( PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - PV), cùng nhau đóng góp công sức cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.Tuy nhiên, tại kỳ Đại hội lần này điều GS.TS Nguyễn Lân Dũng quan tâm nhất là việc Mặt trận liệu có thấu hiểu được nguyện vọng của nhân dân hay không, có tìm hiểu được tâm tư thật sự của người dân hay không để từ đó đáp ứng được kỳ vọng mà người dân đang mong muốn.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng.
“Từ trước tới nay chúng ta vẫn nói Việt Nam là một đất nước nhỏ bé nhưng thực tế nước ta bây giờ không còn nhỏ bé nữa, kể cả đội ngũ kiều bào số lượng cũng ngày một lớn hơn. Đất nước ta đã có cả trăm triệu dân cho nên đây là nguồn sức mạnh rất lớn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Nhưng có huy động được sức mạnh toàn dân hay không lại là trách nhiệm của Mặt trận” - ông Nguyễn Lân Dũng khẳng định.
Cũng theo ông Dũng, từ trước đến nay Mặt trận đã đảm nhận tốt vai trò đó cho nên trong nhiệm kỳ này ông bày tỏ mong muốn Mặt trận sẽ tiếp tục giương cao ngọn cờ đoàn kết để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, để tạo thành nguồn sức mạnh to lớn xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh.
“Đặc biệt hơn, trong nhiệm kỳ này tôi mong những người được Đại hội hiệp thương giữ các trọng trách quan trọng của Mặt trận tiếp tục đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ cũng như có các hoạch định chính xác để các hoạt động của Mặt trận gần dân hơn, sát dân hơn” - GS.TS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.
Đeo đuổi đến cùng các nội dung giám sát
Bà Lê Thị Vệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho rằng, nhân sự của MTTQ Việt Nam khóa IX cơ cấu rất hợp lý phù hợp với tình hình hoạt động thực tiễn của công tác Mặt trận trong thời kỳ mới. Trong đó, cơ cấu đầy đủ các tầng lớp nhân dân.
Bà Lê Thị Vệ.
Theo đó những đại biểu đều là những các vị chức sắc, tôn giáo, người Việt Nam tiêu biểu, có uy tín. Với lực lượng đội ngũ của nhiệm kỳ mới lần này, bản thân bà rất kỳ vọng một nhiệm kỳ dân chủ đổi mới, đoàn kết và phát triển sẽ thúc đẩy phát triển, đưa công tác Mặt trận ngày càng nâng cao chất lượng cũng như các hoạt động của Mặt trận theo đúng 5 Chương trình hành động mà Nghị quyết đã đặt ra. Thời gian qua MTTQ các cấp thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW về giám sát, phản biện, bên cạnh những thuận lợi thì còn những khó khăn. Chẳng hạn với vấn đề giám sát thì hầu hết các tỉnh thành làm khá tốt. Kiên Giang cũng là một trong những địa phương làm tốt vấn đề này. Tuy nhiên, chỉ giám sát thôi thì chưa đủ, quan trọng là hậu giám sát. Thế nhưng khâu này mình làm còn nhiều hạn chế. Chúng ta vẫn chủ yếu thực hiện hậu giám sát về mặt giấy tờ.
Cho nên, bà Lê Thị Vệ rất kỳ vọng nhân sự khóa mới sẽ đủ tâm đủ tầm đeo đuổi đến cùng những vấn đề mà Mặt trận đã và đang thực hiện giám sát, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận.
Đại hội của sự đổi mới
Sau những ngày dự Đại hội MTTQ Việt Nam, ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang cho rằng, đây là một kỳ Đại hội đổi mới nhất từ trước tới nay. Nhìn từ kết quả hoạt động của một nhiệm kỳ thì kết quả đó đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đặc biệt nhân dân đồng tình, đánh giá rất cao công tác Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở.
Ông Trần Công Thắng.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Mặt trận cần tiếp tục được nâng cao, đặc biệt nâng cao công tác tổ chức bộ máy, nâng cao đổi mới về nội dung, hình thức cho sát với công việc mà nhân dân đang mong mỏi hàng ngày. Ngay như tại Bắc Giang đang có phong trào xây dựng nông thôn mới và sự mong mỏi này cũng trùng với chỉ đạo của Nhà nước, của nhân dân. Quá trình tổ chức thực hiện cũng được HĐND, UBND tạo điều kiện rất tốt.
Cụ thể như ngay với Chương trình xây dựng nông thôn mới thì HĐND tỉnh cũng đưa ra Nghị quyết số 06, 07 và Tỉnh ủy có hẳn một Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã hiến hàng ngàn mét đất, hàng vạn ngày công, đặc biệt đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thành.
Điều đó thể hiện ý Đảng lòng dân gặp nhau và Mặt trận là cơ quan, tổ chức tuyên truyền để người dân hưởng ứng, ủng hộ. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mà Mặt trận cần tiếp tục thực hiện, tuyên truyền rộng rãi trong nhiệm kỳ mới để nhân dân hưởng ứng và có sức lan tỏa trên toàn quốc.
Lời hứa với Trường Sa
Để thực hiện hóa lòng yêu nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng và cộng đồng người Việt sống xa Tổ Quốc nói chung, và thông qua chuyến đi thăm quân dân Trường Sa và nhà giàn vào năm 2015 thì đến ngày 30/8/2015, chính thức sáng lập Quỹ “Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” do ông Trần Hải Linh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc làm Chủ nhiệm Quỹ, và Quỹ ra mắt trang web chính thức: http://chuquyenbiendaovietnam.org/.
Ông Trần Hải Linh.
Quỹ hoạt động với tôn chỉ xây dựng một quỹ hoạt động để tuyên truyền và huy động trí tuệ, sức lực, vật chất vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Chia sẻ về việc này tại Đại hội, ông Trần Hải Linh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, qua chuyến thăm quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK với kiều bào các nước trên thế giới vào năm 2015, Quỹ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của Hàn Quốc đã thành công trong nghiên cứu máy “Chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt”, đây là thành tựu khoa học công nghệ mới và chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam, và cũng nghiên cứu các giống rau xanh từ Hàn Quốc chịu mặn, chịu nhiệt, có những đặc tính ưu việt và phương pháp trồng sao cho phù hợp với điều kiện địa lý ở các điểm đảo ở Trường Sa và nhà giàn. Và chuyến đi 12 ngày của Đoàn công tác số 6, tháng 4 năm 2016 thăm Trường Sa và nhà giàn do Bộ Tư lệnh Hải Quân mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức đã giúp chúng tôi có cơ hội thực hiện “Lời hứa Trường Sa”.
“Chúng tôi đã trao 3 máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt ở những nơi có độ ẩm cao trên 70% như đảo chìm Colin, Len Đao và nhà giàn DK1/17, 3 máy phát điện quang năng có hiệu suất cao, các giàn trồng rau thử nghiệm trên các mô hình khác nhau, và các giống rau Hàn Quốc có đặc tính ưu việt, và các món quà khác. Tổng trị giá các món quà trao tặng năm 2016 là 28.000USD. Các thiết bị, các giống rau đều đang hoạt động và phát triển khá tốt, góp phần đáp ứng thêm nhu cầu cần thiết cho đời sống sinh hoạt, nâng cao sức khỏe cán bộ chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ chủ quyển biển đảo Tổ quốc”- ông Linh chia sẻ.