Không tán thành việc tăng giờ làm thêm
Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. Vấn đề mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36 không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ/năm. Dù vậy, Chính phủ vẫn mong muốn phương án này tiếp tục được trình Quốc hội thảo luận, quyết định. Do đó, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề xuất hai phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó phương án 1 giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ. Còn phương án 2 quy định như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm. Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
Bày tỏ quan điểm của mình, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.
“Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu”-bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm.
Tán thành với quan điểm trên, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, năng suất lao động không chỉ dựa vào sức người mà dựa vào đổi mới công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp. Nếu không cho phép tăng giờ làm thêm, buộc doanh nghiệp phải suy nghĩ, đổi mới công nghệ hiện đại. “Công nhân lao động ở khối giầy da, may mặc, lao động rất vất vả, không còn thời gian chăm sóc gia đình, nếu tăng lên 400 giờ/năm sẽ càng vất vả”- ông Phúc nói và cho rằng “nếu không giảm được giờ thì nên giữ nguyên như hiện hành, nếu tăng lên người lao động không có điều kiện nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động”.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc tăng giờ làm thêm tối đa vì nguồn lực quan trọng, tài sản quý giá của quốc gia là sức khỏe của người lao động. Vì vậy cần lấy thêm ý kiến của các đoàn ĐBQH, đại biểu là doanh nghiệp, đại biểu có liên quan đến quản lý sử dụng lao động.