Thủ tướng dự Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Thiếu sinh quân Việt Nam

Theo TTXVN 22/09/2019 16:41

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các trường Thiếu sinh quân đã lần lượt ra đời ở các đơn vị bộ đội chủ lực và các Quân khu trong cả nước.

Thủ tướng dự Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Thiếu sinh quân Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: TTXVN).

Sáng 22/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi gặp mặt Kỷ niệm 70 nămthành lập Trường Thiếu sinh quân Việt Nam (1949-2019).

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các trường Thiếu sinh quân đã lần lượt ra đời ở các đơn vị bộ đội chủ lực và các Quân khu trong cả nước.

Vào tháng 5/1949, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Trường Thiếu sinh quân Việt Nam đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu.

Đến năm 1952, Tổng cục Chính trị quyết định thành lập đơn vị Thiếu sinh quân trực thuộc Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị.

Do yêu cầu của đất nước, thế hệ Thiếu sinh quân những ngày ấy, đã được chuyển sang học rất nhiều ngành nghề để phục vụ cho công cuộc cách mạng.

Sau đó, các trường Thiếu sinh quân được thành lập trên khắp mọi miền đất nước như Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV, Liên khu X, Liên khu III, Khu VII-Đông Nam bộ, Khu IX-Tây Nam Bộ, Liên khu V.

Năm 1960, tại Trường Văn hóa quân đội đã lập ra một tiểu đoàn Thiếu sinh quân. Từ sự thành công mô hình đào tạo này, nhà trường đã chuyển sang đối tượng đào tạo là Thiếu sinh quân cho con em cán bộ miền Nam tập kết, cán bộ miền Bắc vào chiến trường và gia đình có công. Trường được mang tên: Trường Văn hóa Quân đội-Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.

Các học viên Thiếu sinh quân ở tuổi niên thiếu đã chăm chỉ học hành, rèn luyện và nhanh chóng trưởng thành, người được trực tiếp ra mặt trận, người được cử đi học các trường quân sự, kỹ thuật trong, ngoài nước.

Khi tốt nghiệp ra trường được bổ sung về các đơn vị quân đội. Họ đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, tận tuỵ với công việc và trở thành những cán bộ chỉ huy tài năng.

Trong số các học viên ấy, đã có nhiều tấm gương sáng, nhiều đồng chí được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân, có nhiều người trưởng thành vượt bậc, trở thành những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang như Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Trung tướng Nguyễn Chiến, Thiếu tướng Bùi Vinh... Nhiều người đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý và lãnh đạo tài ba từ Trung ương tới địa phương.

Sau khi đất nước thống nhất, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng vẫn coi đào tạo Thiếu sinh quân là một đối tượng quan trọng góp phần xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ để bảo vệ thành quả cách mạng.

Tới năm 2011, khi kinh tế đất nước đã phát triển, hệ thống giáo dục quốc gia đã được chuẩn hóa, các trường Thiếu sinh quân trên toàn quốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình sau những năm tháng đồng hành cùng sự phát triên của Quân đội và đất nước.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt truyền thống, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam đã xây dựng lên truyền thống quý báu, tình cảm cách mạng sâu sắc, đóng góp vào các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc ghi nhận những đóng góp của các thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam.

Việc thành lập các trường Thiếu sinh quân ngay trong bối cảnh đất nước khó khăn, thiếu thốn và đang chiến tranh, cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ về việc đào tạo nguồn cán bộ cho đất nước.

Thủ tướng dự Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Thiếu sinh quân Việt Nam - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho các cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN).

Các thế hệ Thiếu sinh quân vẫn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển đất nước cho đến ngày hôm nay. Đây cũng là bài học trong bối cảnh hiện nay, chủ động tốt nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cách mạng, phát triển đất nước.

Nguồn nhân lực ấy không chỉ được đào tạo chuyên môn mà còn là phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, trung thành với Tổ quốc và đóng góp cho đất nước như Thiếu sinh quân.

Thực tiễn đã cho thấy, dù trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng lớp trẻ tinh hoa được đào tạo trong các trường Thiếu sinh quân trong cả nước về cả văn hóa, văn nghệ, âm nhạc và những tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới đã trở thành lớp cán bộ đức độ, tài năng, trung thành với Tổ quốc.

Nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến các thế hệ Thiếu sinh quân Việt Nam, Thủ tướng mong muốn cựu Thiếu sinh quân phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, Quân đội và Thiếu sinh quân, luôn sống và học tập, làm theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay xuất hiện những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, những cựu Thiếu sinh quân Việt Nam là những người đi đầu trong phòng, chống những biểu hiện này.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đã thông tin đến cựu Thiếu sinh quân Việt Nam về những kết quả đáng mừng của đất nước. Kinh tế xã hội được cải thiện, đời sống của người dân được nâng lên, đất nước giờ chỉ còn hơn 5% là nghèo đa chiều.

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân. Đảng và Nhà nước lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện tốt Di chúc của Bác Hồ, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc 5 châu. Đây cũng là cách để đền đáp công ơn của các thế hệ đi trước, các chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước.

Theo TTXVN