Số phận đồng tiền số Libra
Kể từ ngày 18/6, khi Facebook công bố sẽ phát hành tiền kỹ thuật số của mình là Libra, cho tới nay giới chuyên gia tiền tệ vẫn đánh giá trước sau gì nó cũng tạo ra một “cơn địa chấn” thay đổi bộ mặt của tài chính toàn cầu. Vậy Libra là gì? Cơ chế hoạt động ra sao? Có gì giống và khác với các đồng tiền ảo khác, như Bitcoin chẳng hạn?
Ảnh minh họa.
Áp lực lên “giới tiền tệ truyền thống”
Thực tế thì thiên hạ đã râm ran “tiền Facebook” từ lâu, với những tên gọi như Global Coin (tiền toàn cầu), hay Facebook Coin (tiền Facebook), trong đó “Coin” là thuật ngữ được giới tiền mật mã, tiền số, tiền điện tử ưa sử dụng, như Bitcoin, Litecoin… Như vậy, Libra cũng là một dạng tiền mã hóa - còn được gọi là tiền kỹ thuật số, tiền điện tử và được biết nó sẽ chính thức “giành thị phần tiền tệ” kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, khác với Bitcoin hay các đồng tiền số khác, Libra không cần đến hệ thống máy vi tính công suất lớn (rất ngốn điện) để giải mã thuật toán với nhiều phức tạp cho người “đào”; mà nó dùng tiền thật (tiền truyền thống) để mua. Sẽ có một “rổ tiền tệ” được sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho Libra, như đồng đô la Mỹ (USD), Euro hay Yen Nhật. Nói cách khác, Libra nhắm tới mục đích thanh toán rộng rãi, và nó cũng được coi là “không ảo” như những đồng tiền số khác, mà sẽ “ổn định giá”. Nếu mua Libra, người ta đặt lệnh mua bằng cách chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, hay thẻ ghi nợ của mình. Khi đó, số tiền sẽ được ký quỹ nằm trong tài khoản ngân hàng không ai đụng vào được, và những đồng tiền bằng USD, Euro hay Yen là dùng để bảo đảm cho các đồng Libra. Ở chiều ngược lại, người có Libra có thể chuyển lại thành tiền truyền thống, như USD chẳng hạn. Khi đó, tiền của bạn sẽ về tài khoản của bạn, chỉ với một thao tác trên ví điện tử.
Đây chính là điểm mấu chốt khiến giới tiền tệ “truyền thống” cảm thấy nguy cơ thực sự. Nên, Libra của Facebook chưa xuất hiện thì nó đã bị tấn công.
Khởi động cuộc chiến pháp lý
Đầu tháng 7 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã yêu cầu Facebook tạm dừng phát triển dự án tiền ảo Libra cho đến khi Quốc hội và nhà chức trách điều tra các nguy cơ mà nó đem lại cho hệ thống tài chính toàn cầu. Bà Maxine Waters- Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện, đã gửi thư cho CEO Mark Zuckerberg, COO Sheryl Sandberg, CEO Calibra David Marcus, chính thức yêu cầu tạm dừng dự án tiền ảo Libra. Ngoài bà Waters, thư còn được ký bởi lãnh đạo các hội đồng khác của Hạ viện Mỹ. Theo bà Waters, nếu các sản phẩm, dịch vụ như Libra không được quản lý đúng đắn và không bị giám sát hiệu quả, chúng có thể gây ra rủi ro cho hệ thống, gây nguy hiểm cho ổn định tài chính Mỹ và toàn cầu. “Các lỗ hổng có thể bị thế lực xấu khai thác giống như các tiền ảo và ví khác trước đây”- bà Waters nói.
Sau đó mươi ngày, chính Tổng thống Mỹ Donald Trum cũng lên tiếng về Libra của Facebook và các đồng tiền ảo khác. Trên tài khoản Twitter, ông Trump viết: “Tôi không phải người hâm mộ Bitcoin và các tiền ảo khác, thứ không phải tiền và giá trị của chúng dễ bốc hơi, không dựa trên gì cả. Nếu Facebook và các công ty khác muốn trở thành một ngân hàng (khi đưa đồng tiền số Libra vào thị trường), họ phải tìm kiếm điều lệ ngân hàng mới và tuân thủ tất cả quy định của ngân hàng giống như các ngân hàng khác, cả quốc gia và quốc tế”.
Không chỉ Mỹ, mà EU (Liên minh châu Âu) cũng sốt ruột. Theo trang tin Bloomberg, Ủy ban châu Âu EU đã tiếp cận với các cá nhân hoặc tổ chức không xác định về Libra và cho biết “hiện đang điều tra hành vi chống cạnh tranh tiềm năng”. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng EU cần phải đưa ra một bộ luật chung để quản lý đồng tiền ảo mà hiện này hầu như chỉ được quy định ở cấp độ quốc gia.
Thời gian từ nay đến khi Libra hoạt động (theo tuyên bố của Facebook) không còn bao nhiêu, trong khi cuộc chiến pháp lý vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng. Giới quan sát cho rằng, trước sức tấn công tới từ Mỹ và châu Âu, sự im lặng của Facebook càng cho thấy nó đang “tích tụ năng lượng giống như một áp thấp nhiệt đới trước khi biến thành siêu bão để ra một đòn quyết định”.