Lựa chọn sáng suốt cho sức khỏe giới tính

Đức Trân 23/09/2019 08:00

Cách đây 12 năm, vào ngày 26/9/2007, Ngày Tránh thai thế giới (TTTG) đã được tổ chức lần đầu tiên tại châu Âu và tính đến nay phong trào hưởng ứng đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của 16 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học, y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe sinh sản trên toàn thế giới.

Lựa chọn sáng suốt cho sức khỏe giới tính

Poster về kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản.

Ngày TTTG có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Mục tiêu của Ngày TTTG nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên (VTN/TN), phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.

Hiện nay, dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,07% năm 2017. Theo Tổng cục Thống kê, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027-2028. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng các tránh thai (BPTT) năm 2017 là 76,5%, trong đó tỉ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 65,4%. Các kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy thế, trong công tác này, đặc biệt với VTN/TN cần được quan tâm hơn, do họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như: Thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỉ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở VTN/TN còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỉ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình còn một số hạn chế.

Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản.

Nhân kỷ niệm lần thứ 12 Ngày TTTG (26/9), vào sáng ngày 23/9/2019, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới” với chủ đề “Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai”, nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai.

Đức Trân