Hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Bước đầu, công tác phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Người dân nâng cao ý thức, tiếp cận đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Lập cho biết, thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện đa dạng các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, khơi dậy khát vọng thoát nghèo cho người dân. Cùng với đó, tỉnh thực hiện tốt chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động và tạo điều kiện cho người nghèo khai thác tối đa nguồn lực hiện có về đất đai, lao động, để tăng thêm thu nhập, giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, tỉnh hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo.
Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ 15.655/15.858 hộ tham gia đề án, đạt 98,72% kế hoạch. Toàn tỉnh có 9.337 hộ được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp; 3.438 hộ sản xuất phi nông nghiệp, trong đó có 549 lao động tham gia khởi nghiệp bằng con đường xuất khẩu lao động. Đến nay, 9.652 hộ đã được hỗ trợ thoát nghèo, trong đó có 6.739 hộ thoát nghèo bền vững theo 3 tiêu chí của đề án.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được Trung ương phân bổ năm 2016-2019, tỉnh đã xây dựng 202 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với 1.511 hộ tham gia. Các mô hình sản xuất gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và hộ gia đình, như: buôn bán nhỏ, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu (nuôi bò, dê, dê, dệt thảm, bó chổi…), với tổng kinh phí hơn 24,7 tỷ đồng. Các mô hình giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.678 lao động nghèo, tạo điều kiện tăng thu nhập cho hộ nghèo và kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của người dân từng bước được nâng lên.
Các hộ nghèo tham gia Đề án được nâng cao năng lực về chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp; hộ nghèo, hộ cận nghèo được bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, 589 hộ nghèo đã được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trên lĩnh vực khuyến nông, khuyến ngư và định hướng thị trường, tạo đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn 353 tỷ đồng hỗ trợ cho 12.775 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất. Đề án còn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường…
Đáng chú ý, qua 3 năm triển khai thực hiện chương trình khởi nghiệp thoát nghèo, toàn tỉnh có 721 hộ tham gia, trong đó có 198 hộ sản xuất nông nghiệp, 173 hộ sản xuất phi nông nghiệp.