Thúc đẩy doanh nghiệp hợp tác đào tạo nghề

Thu Hương (thực hiện) 24/09/2019 08:00

Hiện mới chỉ 10% doanh nghiệp (DN) tham gia vào đào tạo nghề cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là bài toán đặt ra cho Bộ LĐTBXH, cần giải quyết để tạo ra bước đột phá về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đó là trao đổi của ông Nguyễn Chí Trường- Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN- Bộ LĐTBXH).

Thúc đẩy doanh nghiệp hợp tác đào tạo nghề

Ông Nguyễn Chí Trường.

Theo ông Trường, hiện Bộ LĐTBXH đang hợp tác với Chính phủ Australia thông qua Đại sứ quán Australia tại Việt Nam triển khai mô hình Hội đồng kỹ năng ngành. Sắp tới đơn vị sẽ trình lãnh đạo Bộ để phê duyệt kế hoạch và dự kiến triển khai từ đầu năm 2020, sẽ hình thành Hội đồng kỹ năng ngành sớm và đi vào hoạt động trong thực tế. Kết thúc năm 2020 sẽ hoàn thành thí điểm này và đánh giá mô hình này phù hợp thế nào ở Việt Nam. Tổng cục GDNN cũng tham khảo mô hình của Tổ chức Lao động thế giới ILO là mô hình thành công ở nhiều quốc gia trong đó có cả Australia…

Tại sao đến thời điểm này chúng ta mới đặt ra vấn đề Hội đồng kỹ năng ngành, thưa ông?

Ông Nguyễn Chí Trường: Không riêng gì Việt Nam mà thực tế Hội đồng kỹ năng ngành cũng rất mới với thế giới. Cách đây 10 năm chúng tôi cũng đã tham quan và học hỏi mô hình của Australia rồi, lúc đó họ cũng mới thành lập thôi. Họ có lịch sử phát triển lâu đời và mới đúc kết được mô hình hội đồng ngành này. Khi đó Việt Nam cũng đã có hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ nghề quốc gia rồi mặc dù không phải Hội đồng ngành nhưng cũng có cơ chế để các đối tác DN… tham gia nhưng sự tham gia này chưa hiệu quả. Đây là thời điểm thích hợp để tham khảo mô hình mới, cơ chế mới để chuẩn hóa được lực lượng lao động, kết nối được giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động thông qua một cơ chế cụ thể.

Hiện nay sự tham gia của DN vào đào tạo nhân lực kết hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, như thống kê của Bộ LĐTBXH là chỉ 10%. Sự ra đời của Hội đồng kỹ năng ngành có thúc đẩy sự hợp tác hơn của DN với cơ sở giáo dục không, thưa ông?

- Hội đồng ngành này không phải chỉ là vấn đề đào tạo. Gốc rễ của vấn đề là phát triển toàn diện nguồn nhân lực quốc gia, đáp ứng với nhu cầu của DN, thị trường lao động nên trong Hội đồng ngành có sự tham gia của các bên liên quan, trong đó có DN, có các đại diện liên quan đến nguồn nhân lực, kỹ năng nghề, kể cả cơ quan đại diện cho người sử dụng lao động là VCCI, kể cả các bên về giáo dục, trong đó giáo dục nghề nghiệp chỉ là một thành phần, nhưng cũng hạn chế mà chủ yếu là DN và các cơ quan liên quan khác. Các bộ, ngành cũng có vai trò quan trọng trong Hội đồng. 10% DN tham gia vào đào tạo nghề cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đấy là hiện tại, là một vấn đề hiện Bộ LĐTBXH cũng trăn trở. Đây là bài toán cần giải quyết để tạo ra bước đột phá về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Hội đồng kỹ năng ngành là một trong những giải pháp đó để làm sao các khối DN thấy được vai trò của họ, lợi ích của họ cùng các bên khác giải quyết vấn đề nhân lực cho chính họ.

Đào tạo chỉ là một đầu vào. Trước khi đào tạo để ra nhân lực cho DN sử dụng, chúng ta có được cơ chế nào để gắn kết thì đó là các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, là hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Các trường đào tạo cung cấp cho thị trường lao động, hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hiện nay sẽ là cơ quan để đánh giá và cấp chứng chỉ cho người lao động xem người đó đào tạo có đủ chất lượng phục vụ cho DN hay không, có đáp ứng được DN hay không và DN có thỏa mãn hay không? Thỏa mãn đến mức độ nào… Hội đồng kỹ năng ngành này ra đời phục vụ cho hệ thống đánh giá đó.

Thúc đẩy doanh nghiệp hợp tác đào tạo nghề - 1

Yêu cầu kết nối đào tạo với doanh nghiệp đang đặt ra với GDNN.

Trong thực tế, có DN tự đào tạo 500 học viên một lúc không qua các cơ sở GDNN và lực lượng lao động này sau tốt nghiệp có việc làm với thu nhập rất tốt. Ông lý giải điều này thế nào?

- Lực lượng lao động hiện nay có thể đã qua hoặc chưa qua đào tạo nhưng chưa đủ kỹ năng, năng lực để tham gia thị trường lao động. Nhưng khi buộc phải tồn tại, họ có kỹ năng nào thì tham gia ở kỹ năng đó. Ví dụ họ tham gia một khóa đào tạo rất ngắn mà họ vẫn làm nghề được, kiếm tiền tốt vì mô hình đó rất phù hợp với hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ nghề quốc gia hiện nay. Với các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề, lao động nhìn nhận khung năng lực quốc gia, khung tiêu chuẩn tay nghề quốc gia họ thấy rằng khung tiêu chuẩn để đáp ứng việc làm phải có năng lực đó, ở mức độ này khác. Đối chiếu với họ thì biết ngay. Và những DN, nơi đào tạo thấy có bộ tiêu chuẩn đó thì họ phát hiện ra những thiếu hụt của người lao động và đào tạo rất ngắn thôi nhưng rất thiết thực, trúng ngay với người lao động đang cần, người lao động cũng thấy họ đang cần và hai bên gặp nhau rất dễ.

Đó là mong muốn, là mục tiêu của hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ quốc gia sẽ phải phát triển được bộ tiêu chuẩn đó để tất cả các bên nhìn vào đó để thay đổi. Ba bên gặp nhau và tiến tới người lao động sẽ hòa nhịp với thế giới việc làm một cách hiệu quả nhất.

Như vậy, nếu mô hình Hội đồng kỹ năng ngành áp dụng thành công sẽ giúp cân bằng lại thị trường đào tạo nghề với giáo dục ĐH?

- Đúng vậy. Hiện nay hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ quốc gia không quan tâm đến hệ thống đào tạo như thế nào. Họ phải nhìn lại khung năng lực này để điều chỉnh mình, đáp ứng thị trường lao động. Đấy là xu thế tất yếu nên tự nó sẽ cân đối theo đúng quy luật của thị trường lao động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hương (thực hiện)