Động lực từ cánh đồng mẫu lớn
Đến thời điểm này, có thể nói mô hình cánh đồng mẫu lớn hay cánh đồng lớn đang là mô hình sản xuất lúa gạo kiểu mẫu giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có lợi khi sản xuất lúa và giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên ở đâu, chính quyền, ngành nông nghiệp cùng tham gia và giám sát chặt chẽ hoạt động của các bên trong mô hình, sẽ tạo được sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân, từ đó lợi ích của các bên sẽ được đảm bảo.
Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) hay Cánh đồng lớn (CĐL) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang khẳng định đây là mô hình sản xuất lúa gạo kiểu mẫu, đảm bảo mối liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo, tạo bước đột phá quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mô hình này đang giúp người nông dân của vùng sản xuất lúa tăng sản lượng, tăng thu nhập một cách hiệu quả…
Mô hình Cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang.
Quy mô ngày càng tăng
Theo tính toán của Bộ NNPTNT, để đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030 diện tích đất lúa của cả nước tối thiểu cần giữ là 3,2 triệu ha với diện tích gieo trồng 6 triệu ha và năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha. Theo phương án giữ đất lúa ở mức tối thiểu cho an ninh lương thực, xuất khẩu gạo sẽ giảm dần. Trường hợp xuất khẩu gạo đem lại hiệu quả thì nếu giữ đất lúa ở khoảng 3,5 triệu ha, khả năng xuất khẩu gạo đạt 4-5 triệu tấn/năm.
Để thực hiện mục tiêu này thì ở riêng ở vùng ĐBSCL việc tìm ra phương án trồng lúa hiệu quả, chất lượng đang được ngành nông nghiệp các địa phương tính toán, lựa chọn mô hình sản xuất nào cho hiệu quả và bền vững nhất. Đến thời điểm này ở ĐBSCL, mô hình CĐML hay CĐL đang được xem là mô hình kiểu mẫu.
Khi tham gia mô hình CĐL người nông dân được tập huấn kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác để giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất và chất lượng lúa thu hoạch nhờ vào việc áp dụng các kỹ thuật như sạ hàng, tưới tiết kiệm nước, bón phân cân đối. Từ đó, người nông dân phải bỏ ra chi phí sản xuất giảm từ 15 đến 20%, lợi nhuận tăng hơn 15%.
Ở TP Cần Thơ mô hình CĐL được triển khai năm 2011 với quy mô ban đầu chỉ 400ha tại huyện Vĩnh Thạnh, nhưng đến nay mô hình này đã được mở rộng ra hầu khắp các quận huyện với 106 cánh đồng, tổng diện tích hơn 25.000ha, thu hút 18.000 hộ dân tham gia.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện mô hình CĐL thì TP Cần Thơ còn xây dựng được mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa sạch” với diện tích 10.000ha, có 6 hợp tác xã tham gia sản xuất và gắn kết với 6 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, những hộ dân tham gia mô hình có thu nhập ổn định, không bị thương lái ép giá.
Sau khi TP Cần Thơ triển khai mô hình CĐL hiệu quả, năm 2013 huyện Châu Thành A, giáp ranh với TP Cần Thơ cũng thực hiện mô hình CĐML cụ thể như xã Trường Long Tây, với diện tích 225ha. Từ sau khi triển khai đến nay đã thu hút được 499 hộ dân tham gia, với tổng diện tích 613ha, tăng 388 ha so với thời điểm ban đầu.
Theo đánh giá của UBND huyện Châu Thành A, mô hình CĐML đã cho hiệu quả kinh tế cây lúa cao gấp nhiều lần. Cụ thể năng xuất cây trồng đã tăng gần 7,8% so với thời điểm trước khi thực hiện mô hình, chi phí sản xuất giảm khoảng 15%; lợi nhuận nông dân thu được tăng hơn 27,5%.
Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, đến nay mô hình CĐML ở Hậu Giang đã triển khai xây dựng thành công tại các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy. Tính đến cuối năm 2018, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được 5 CĐML với tổng diện tích hơn 2.000ha. Mô hình CĐML cũng là một trong những đột phá giúp Hậu Giang tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Sóc Trăng cũng xem việc triển khai mô hình CĐML với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là hướng đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tại tỉnh Sóc Trăng. Huyện Long Phú của tỉnh này đã thu hút được hàng trăm hộ dân tham gia vào mô hình CĐML cùng nhau liên kết đất đai để hình thành 5 CĐML, với diện tích hàng ngàn hecta.
Gắn kết giữa nông nghiệp với nông dân
Những năm qua, người trồng lúa ở vùng ĐBSCL không lạ với điệp khúc được mùa rớt giá, được giá mất mùa. Tuy nhiên khi chúng tôi tiếp cận với những người nông dân tham gia vào CĐML ở một số địa phương trong vùng cho thấy người dân đã “khoẻ” rất nhiều từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt thu nhập của người dân đã được tăng lên.
Anh Nguyễn Văn Đoàn (xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết, mấy năm trở lại đây, khi tham gia vào mô hình CĐML, lúa của bà con được thực hiện theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bà con đã mạnh dạn đưa các loại lúa mới chất lượng gạo thơm ngon vào sản xuất. “Như vụ Đông Xuân 2018-2019, các hộ dân tại địa phương sạ lúa Jasmine 85, khi thu hoạch doanh nghiệp bao tiêu lúa tươi ngay đầu vụ với giá 5.700 đồng/kg, cao hơn 200 đồng/kg so với vụ trước”- anh Đoàn nói.
Ông Nguyễn Minh Hiếu (ấp Tân Thành, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vẫn còn nhớ hồi chưa tham gia vào CĐL mỗi lần thu hoạch và tiêu thụ lúa là ông cảm thấy nản vì thường xuyên bị thương lái ép giá. Tuy nhiên khi ông cùng nhiều hộ dân ở ấp Tân Thành liên kết lại cùng tham gia vào CĐL, “Chúng tôi đã xuống giống đồng loại theo thời vụ, chăm sóc lúa theo quy trình hướng dẫn “3 giảm 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm”. Đặc biệt khi thu hoạch, doanh nghiệp bao tiêu trọn gói không phải lo về số lượng và giá cả vì đã thống nhất với nhau từ đầu vụ”- ông Hiếu nói.
Theo tính toán của ông Hiếu với 15ha lúa tham gia trong CĐL, mỗi năm trừ đi tất cả các chi phí, lợi nhuận gia đình ông Hiếu thu về trên 200 triệu đồng. Với thu nhập ổn định nhiều năm qua, ngoài đầu tư xây dựng nhà cửa, sắm xe cộ, ông Hiếu còn mạnh dạn đầu tư 12.500 cổ tức từ Tập đoàn Lộc Trời là nơi liên kết với người dân ở CĐL.
Đến thời điểm này có thể nói mô hình CĐML hay CĐL đang là mô hình kiểu mẫu giúp nông dân ĐBSCL có lợi khi sản xuất lúa và giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy là ở những địa phương nào khi triển khai mô hình CĐML hay CĐL được chính quyền, ngành nông nghiệp cùng tham gia và giám sát chặt chẽ hoạt động của các bên trong mô hình, sẽ tạo được sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc thực hiện mô hình CĐML kéo theo lợi ích của các bên sẽ được đảm bảo.